Đề phòng viêm tai khi đi bơi

31/03/2017 - 14:55

PNO - Tại phòng khám Tai-Mũi-Họng, BV ĐH Y Dược TP.HCM, lượng người đến khám bệnh viêm tai ngoài do đi bơi đang tăng đột biến, trung bình hơn 100 ca/ngày.

Theo ThS-BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM, tình hình cũng tương tự.

De phong viem tai khi di boi
 

Do tiết trời trở nên oi bức nên nhiều người đến hồ bơi để giải nhiệt. Những ngày này, gần như hồ bơi nào cũng đông nghẹt, nhất là vào cuối tuần, vô tình biến nơi đây thành môi trường dễ lây nhiễm bệnh, nhất là với trẻ em. Các em dễ bị uống nước hồ bơi, bị nước vào mắt, vào tai… nên khả năng mắc bệnh sau khi bơi khá cao. 

Bé Nguyễn Tuấn K., bốn tuổi (P.9, Q.3) cứ cách ngày là được theo cha mẹ đi bơi ở hồ bơi Kỳ Đồng gần nhà. Đã quen nên bé K. xuống hồ là tự bơi với áo phao, liên tục ngụp lặn, bất chấp nhiều lần bị uống nước, sặc nước. Vì thế, chỉ sau vài buổi đi bơi, bé K. than đau tai, rồi hâm hấp sốt. Khuya thứ Bảy (25/3), bé bị nhức tai và sốt cao không ngủ được, sáng hôm sau gia đình đưa đi khám ở BV Nhi Đồng 1, BS cho biết bé đã bị viêm tai giữa, nguyên nhân có thể do bị nước hồ bơi vào tai. 

Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng bị viêm tai khi đi bơi. Chị Nguyễn Thị D., 30 tuổi (P.2, Q.5) cho biết: “Trời nóng nên mỗi tuần tôi đến hồ bơi gần nhà ba lần. Bơi được hai tuần, tai tôi bị ngứa và có cảm giác đầy tai rất khó chịu. Tôi đã dùng tăm bông ngoáy tai rất kỹ nhưng mấy hôm sau tai tôi chuyển sang ù hẳn và nhức nhối. Tôi đến khám tại BV ĐH Y Dược, BS xác định là viêm tai”. 

Nguyên nhân viêm tai, ngoài nước hồ bơi thì theo GS-TS-BS Phạm Kiên Hữu - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV ĐH Y Dược, còn do chị D. sử dụng tăm bông ngoáy tai làm lớp da ngoài tổn thương sâu hơn, gây đau, tiết dịch. Ban đầu chỉ là thanh dịch, sau đó dịch đặc lại làm tình trạng viêm tai kéo dài, nếu người bệnh vẫn tiếp tục ngoáy sẽ bị nhầy mủ và bội nhiễm. 

BS Hữu cho biết, viêm ống tai ngoài hay còn gọi viêm tai ở người hay đi bơi, là tình trạng viêm, phản ứng kích thích hoặc tình trạng nhiễm trùng ở ống tai ngoài. Ống tai ngoài là phần nằm phía ngoài của tai, giữa vành tai và màng nhĩ. 

Khi trong ống tai ngoài ứ đọng nước, vi khuẩn và vi nấm sẽ có điều kiện phát triển, gây bệnh viêm tai ngoài (viêm ống tai ngoài). Viêm ống tai ngoài thường xảy ra ở người hay để nước ứ đọng trong tai hoặc người hay đi bơi. Ngoài nguyên nhân tích tụ nước trong tai, những nguyên nhân gây viêm tai ngoài còn do môi trường nóng, ẩm; thói quen làm sạch, lau chùi, móc ráy trong ống tai bằng các dụng cụ cứng…

De phong viem tai khi di boi
 

Những triệu chứng thường gặp của viêm ống tai ngoài là đỏ da ống tai ngoài, ngứa trong tai, đau tai, đặc biệt khi đụng vùng dái tai, cơn đau có thể lan đến vùng cổ, mặt, hoặc vùng đầu; chảy dịch tai (cảm giác có nước trong tai), phù nề tuyến vùng cổ hoặc phù nề quanh tai, sưng nề vùng ống tai ngoài, nghe kém, cảm giác đầy - nặng trong tai hay sốt. 

Theo BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, để phòng tránh bệnh viêm tai và những bệnh lý liên quan đến việc tắm hồ bơi, quan trọng nhất là phải chọn hồ bơi sạch sẽ, ít  clo (có thể nhận biết hồ bơi có clo nhiều thông qua mùi nồng nặc).

Trước khi cho trẻ xuống hồ, cần khởi động để tránh chuột rút và sốc nước lạnh; tắm tráng qua người trước khi xuống hồ, nên đeo kính bơi sát mắt để tránh bị nhiễm khuẩn mắt, không nuốt nước hồ bơi, sau  khi bơi cần tắm lại sạch sẽ để hạn chế da bị kích ứng và tóc khô, gãy rụng; tắm xong dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt, mũi và súc miệng để phòng các bệnh tai mũi họng, mắt và hô hấp.

Ngoài ra, khi đi bơi nên sử dụng nút tai, bơi xong nên nghiêng đầu sang từng bên để nước chảy ra; có thể làm khô ống tai ngoài bằng cách sử dụng hơi nóng từ máy sấy tóc ở cường độ thấp hoặc sấy lạnh (giữ khoảng cách giữa máy sấy và đầu khoảng 30cm, máy sấy tóc đặt từ phía sau thổi luồng hơi ra phía trước và thường xuyên di chuyển, không nên đứng yên một chỗ).

Để tránh bệnh tái phát, người bệnh cần lưu ý không dùng tăm bông ráy tai để làm sạch ống tai. Sử dụng bông ráy tai không đúng cách có thể đẩy chất dơ từ phía ngoài và ráy tai vào bên trong ống tai, tạo điều kiện cho bệnh viêm tai ngoài phát sinh và phát triển. 

Bên cạnh bệnh viêm tai, ho, sổ mũi, khi đi bơi cả người lớn và trẻ em còn dễ mắc bệnh viêm kết mạc do nước hồ bơi.

BS Trần Châu Thái, khoa Khám mắt BV Nhi Đồng 1 cảnh báo: “Hóa chất khử khuẩn nước hồ bơi như clo dễ kích ứng mắt và đường hô hấp. Khi hồ vừa mới khử khuẩn, còn đậm đặc mà trẻ xuống tắm thì sẽ bị kích ứng gây viêm kết mạc hay lên cơn suyễn… Vi-rút gây viêm kết mạc có trong dịch tiết mắt và mũi của trẻ bị bệnh, khi trẻ xuống hồ bơi, dịch tiết này hòa vào nước làm nước bị nhiễm khuẩn, khi trẻ lành lặn hụp hoặc lỡ uống nước hồ sẽ bị lây nhiễm bệnh. 

Sau khi bơi, nếu thấy những dấu hiệu như: đau tai, ù tai, tai chảy dịch; sốt hai ngày khó hạ không rõ nguyên nhân; cộm, xốn, rát và mắt đỏ, ngứa sưng nề, chảy nước mắt… phải cho trẻ đi khám ngay để được điều trị phù hợp. Không nên tự điều trị vì có thể làm bệnh nặng hơn, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

 Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI