Đề phòng trẻ mắc nghẹn trái cây

04/01/2017 - 15:59

PNO - Nhóm bác sĩ từ Anh cảnh báo trẻ em dưới năm tuổi có thể bị nghẹt thở vì nho và các loại thực phẩm tương tự, do đó cha mẹ nên cắt trái cây nhỏ làm đôi hoặc làm tư để giảm rủi ro nguy hiểm.

Trong bài viết đăng trên trang Archives of Disease in Childhood, các bác sĩ khẳng định dù phần lớn cha mẹ biết rằng phải cắt những loại thực phẩm như nho, cà chua và xúc xích thành phần nhỏ hơn, nhiều người vẫn lơ là chủ quan. Tác giả Jamie Cooper, hiện công tác tại Bệnh viện Hoàng gia Aberdeen ở Scotland (Anh) nói: “Trong vài năm qua, chúng tôi đã gặp một số trường hợp đáng tiếc khi trẻ bị nghẹn và tử vong, đó quả là kinh nghiệm đau thương cho các gia đình”. Tương tự, theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, hơn 2.100 trẻ em tại đây chết vì nghẹt thở trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2013, và nho là nguyên nhân phổ biến thứ ba sau kẹo và
xúc xích.

Cooper và đồng nghiệp Amy Lumsden kiểm tra thông tin ba ca trẻ em mắc nghẹn nghiêm trọng tại Bệnh viện Hoàng gia Aberdeen. Trong trường hợp đầu tiên, một bé trai năm tuổi nuốt phải quả nho trong chương trình ngoại khóa sau giờ học. Nhân viên của chương trình và cứu hộ địa phương đã cố gắng loại bỏ dị vật bằng cách đánh vào lưng, sử dụng ống hút và hô hấp nhân tạo. Một chuyên viên y tế trên xe cứu thương cũng thực hiện soi thanh quản, nhưng tất cả đều quá muộn, đứa trẻ ngừng tim và qua đời tại phòng cấp cứu.

De phong tre mac nghen trai cay
Ảnh minh họa

Trường hợp thứ hai, một bé trai 17 tháng tuổi ăn bánh sandwich và nho tại nhà. Khi cậu bé bắt đầu nghẹt thở, người thân vội vã đưa bé đến bệnh viện địa phương, nơi nhân viên bệnh viện phải vật lộn để lấy quả nho ra ngoài bằng kỹ thuật soi thanh quản nhưng không thành công. Đến khi được chuyển đến Bệnh viện Aberdeen, cậu bé cũng qua đời tại phòng cấp cứu.

“Chúng tôi nhận ra rất nhiều bạn bè và người thân xung quanh hoàn toàn không biết việc phải cắt nhỏ kẹo và trái cây cho trẻ. Vì vậy, nhóm nghiên cứu muốn nhấn mạnh rằng phụ huynh luôn luôn phải giám sát trẻ khi ăn uống và ghi nhớ những thao tác sơ cứu cơ bản. Trẻ em thường không nhai tốt, cũng như dễ dàng bị phân tâm và nuốt miếng thức ăn quá lớn”, tác giả Jamie Cooper chia sẻ.

Trường hợp thứ ba may mắn hơn, một cậu bé hai tuổi mắc nghẹn quả nho khi chơi cùng gia đình tại công viên. Người thân đã áp dụng thủ thuật đẩy bụng Heimlich Maneuver nhưng không thành công. Họ vội vàng gọi xe cứu thương. Vài phút sau, chuyên viên y tế đã soi thanh quản để loại bỏ quả nho. Trên đường đến bệnh viện, cậu bé trải qua hai cơn co giật, và các bác sĩ ở phòng cấp cứu nhận thấy những dấu hiệu của tổn thương não, phổi. Họ yêu cầu giữ bé tại đơn vị chăm sóc đặc biệt trong năm ngày. Hai ngày sau đó, khi ảnh quét não cho thấy hoạt động quay trở lại bình thường, cậu bé mới được cho xuất viện.

De phong tre mac nghen trai cay
Ảnh minh họa: Sơ cứu trẻ hóc dị vật

“Mọi người không nhận ra rằng các loại thực phẩm gây nguy cơ ngạt thở cho trẻ em rất thông dụng và phổ biến. Bởi vì chúng có kích thước, hình dạng và kết cấu vừa vặn để bít chặt đường thở”, Stephen Feltbower, chuyên gia tư vấn cấp cứu từ Bệnh viện Royal Valley ở Scotland (Anh) nhận xét.

Cả hai bác sĩ Cooper và Feltbower đều đề nghị thực phẩm như nho, cà chua và các loại trái cây, sản phẩm khác có góc tròn, mềm, xốp nên được ghi nhãn cảnh báo nguy hiểm nghẹt thở. Tại Mỹ và Liên minh châu Âu có quy trình kiểm tra chất lượng, dán nhãn cảnh báo trên đồ chơi và các sản phẩm của trẻ em. Nhưng rất khó để áp dụng tiêu chuẩn này cho các loại thức ăn. Trong trường hợp xấu, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ có thể đưa ra cảnh báo về một số mẫu thực phẩm. Ví dụ trong năm 2011, FDA cảnh báo về mối nguy hiểm của món thạch rau câu; dù được đóng gói thành phần vừa ăn cho trẻ, nhưng món thạch không vỡ và tan dễ dàng khi bỏ vào miệng.

Do vậy, không giống như đồ chơi hoặc các sản phẩm trẻ em được quản lý chặt chẽ, nhận thức của cha mẹ là một trong những lựa chọn tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc nghẹn do thực phẩm.

Ngọc Hạ (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI