Để phong trào phòng, chống rác thải nhựa đạt hiệu quả cao

07/07/2023 - 06:11

PNO - Phòng, chống rác thải nhựa” nên là công việc thường xuyên, hằng ngày và bắt đầu từ thói quen nhỏ nhất như việc giảm sử dụng túi ni lông và những sản phẩm bằng nhựa dùng 1 lần

Thấy tôi nhặt nhạnh những bình nước giặt, nước xả (đã sử dụng hết) bỏ vào thùng rác, cậu con trai (5 tuổi) xin giữ lại để mang vào tặng cô giáo. Buổi chiều, đến đón con, tôi thấy các cô đang tỉ mẩn cắt, vẽ để biến những chai nhựa, bình nhựa thành những con thiên nga vươn cao cổ trước sự thích thú và ngưỡng mộ của lũ trẻ.

Tôi cũng ngưỡng mộ các cô. Từ những bàn tay khéo léo của các cô, góc cây xanh nào ở trường cũng xinh xắn, dễ thương. Mỗi ngày, trẻ tranh nhau tưới tắm cho cây. Bằng cách ấy, trẻ có khái niệm đầu tiên về “tái sử dụng”, biết đâu là những vật liệu có thể tái chế và biết yêu thiên nhiên.

Việc làm của các cô giáo chẳng phải để thi thố, cũng không phải để hưởng ứng ngày nọ, ngày kia, mà nó là việc làm thường xuyên trong trường học với mục đích chỉ là tận dụng những gì có thể để tiết kiệm chi phí. Nó còn giúp các cô thỏa sức sáng tạo để khu vườn có đủ thứ hình thù, nhằm thỏa mãn trí tưởng tượng của trẻ con. Và ý nghĩa hơn, việc làm của các cô đã trở thành bài học cho trẻ về những hành động tử tế với môi trường.

Góc cây xanh xinh xắn được các cô giáo Trường mầm non Phú Mỹ (phường Phú Mỹ, quận 7) tận dụng làm từ vật liệu tái chế
Góc cây xanh xinh xắn được các cô giáo Trường mầm non Phú Mỹ (phường Phú Mỹ, quận 7) tận dụng làm từ vật liệu tái chế

Rất nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới đã diễn ra trên khắp thành phố trong tháng Sáu vừa qua. Nhiều người sử dụng nào là bao bố, áo mưa, giấy, thậm chí là cả… bao cao su để làm nên những bộ trang phục rồi mang trình diễn trên sân khấu nhằm kêu gọi bảo vệ môi trường. Thậm chí còn có cả những bộ sưu tập áo dài làm từ vật liệu tái chế với mục đích tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa.

Tuy nhiên, việc sáng tạo những sản phẩm sử dụng vật liệu tái chế chỉ để trình diễn cũng còn nhiều ý kiến tranh cãi. Có ý kiến cho rằng những bộ trang phục đó chỉ để trưng bày, trình diễn vui chơi, chứ không sử dụng được mà lại mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền của. Nhưng cũng có ý kiến nhận định đó là những hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về hạn chế sử dụng rác thải nhựa, cũng giúp cộng đồng hiểu được dù có tái sử dụng đến đâu thì cuối cùng cũng đưa ra môi trường những rác thải có hại cho tương lai Trái đất.

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng đã được thực hiện từ nhiều năm qua. Giờ là lúc phải biến nhận thức thành hành động. Và nhiều nơi chị em nhà hội phụ nữ đã có nhiều sáng kiến hành động thiết thực.

Một cán bộ hội LHPN ở địa phương đã kiên quyết: “Cơ sở của chị chỉ chọn 1 hoạt động thiết thực để vận động chị em cùng làm là thu gom ve chai bán cho các đơn vị tái chế để lấy tiền gây quỹ chăm lo cho phụ nữ và trẻ em nghèo!”. 

“Phòng, chống rác thải nhựa” nên là công việc thường xuyên, hằng ngày và bắt đầu từ thói quen nhỏ nhất như việc giảm sử dụng túi ni lông và những sản phẩm bằng nhựa dùng 1 lần như ly/bình/chai/lọ nhựa, đồng thời với việc hình thành thói quen phân loại rác ngay tại nhà. Nếu cha mẹ ý thức được điều này thì những đứa trẻ lớn lên cũng sẽ có thói quen tốt đó, như câu chuyện sử dụng vật liệu tái chế của các cô giáo ở trường học.

Với quan điểm ấy, việc “phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường” không nên chỉ còn là hình thức tuyên truyền suông mà cần tập trung và kiên trì vào những hành động cụ thể, thật sự giúp ích cho môi trường, sao cho mọi người dân cùng hưởng ứng, thực hiện như việc hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi mua sắm… 

Nguyệt Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI