Bệnh hô hấp, truyền nhiễm rình rập
Sau những trận mưa kéo dài, không khí ẩm tăng cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút, nấm mốc sinh sôi, người dân (nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ) dễ mắc các bệnh về hô hấp như viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi, cảm lạnh, cúm mùa… Bác sĩ Trần Đăng Khoa nói: “Với người đang bị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, mùa mưa lạnh dễ bị viêm nhiễm hoặc khởi phát các cơn khó thở, hen suyễn, thậm chí bị bội nhiễm phát viêm phổi nặng rất nguy hiểm”.
|
Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng được điều trị tại Phòng Cấp cứu của Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 |
Do đó, người hay mắc bệnh về hô hấp, hen suyễn, hãy đến bệnh viện sớm khi có các triệu chứng mệt mỏi, ho nhiều, thở khó… để được quản lý bệnh đúng cách. Với người thuộc nhóm nguy cơ như có bệnh nền, bệnh mạn tính… nên được tiêm ngừa cúm, sởi đầy đủ.
Khi mưa kéo dài, nước sông, ao hồ… dâng cao khiến chất thải, rác, xác động vật… dễ phát tán vào môi trường sống gây ô nhiễm, dẫn đến bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn… Các gia đình cần uống nước đun sôi để nguội, nước đóng chai. Nên sử dụng thực phẩm sạch, nấu chín kỹ. Tốt nhất nấu vừa đủ ăn, không nấu quá nhiều bởi thức ăn thừa khó bảo quản trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, dễ bị vi khuẩn tấn công. Khi có biểu hiện tăng nặng của đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu lỏng, sốt… cần đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, xoắn trùng Leptospira thường tồn tại trong đất ẩm, nước tù đọng, dễ dàng tấn công người trong các sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt với người có thói quen uống nước trực tiếp, không qua xử lý, đun sôi. Đây là những vi khuẩn đáng sợ, gây ra bệnh Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người) và bệnh Leptospira khiến cơ thể lở loét, bội nhiễm. Thậm chí, một số trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng máu nặng, không qua khỏi.
Theo bác sĩ Trần Đăng Khoa, những nơi ẩm thấp, luôn đọng nước còn có nguy cơ trở thành ổ dịch sốt xuất huyết dengue. Bởi đây là điều kiện rất thuận lợi cho muỗi sinh sôi, dễ làm sốt xuất huyết lan rộng. Những ngày qua, TPHCM đang tích cực phòng, chống dịch sởi. Trong điều kiện nhiều cơn mưa kéo dài, khí hậu lạnh, người dân cần cảnh giác cao trước nguy cơ bùng phát dịch sởi.
Mọi người cần hạn chế đi vào khu vực ngập nước, nhiều cống rãnh. Sau khi đi mưa, hay qua chỗ ngập lụt, cần tắm sạch sẽ bằng xà phòng, lau khô người, uống nước ấm tránh bị nhiễm lạnh, thường xuyên súc họng với nước muối loãng, nước súc họng. Người cao tuổi, trẻ nhỏ cần được giữ ấm vùng mũi họng, cổ, bảo đảm nơi ở khô ráo, sạch sẽ.
Tránh tiếp xúc với nước bẩn gây các bệnh về da
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Vương Thế Bích Thanh (Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM), bệnh ngoài da vào mùa mưa lũ rất hay gặp. Lúc này, các bệnh như rôm sảy, mụn, dị ứng da cần được chăm sóc, quản lý tốt.
Để phòng các bệnh ngoài da mùa mưa lũ, người dân nên sử dụng nước sạch để sinh hoạt. Sau những trận mưa lớn kéo dài, bão lũ, xung quanh nhà thường có rác thải, nước dọng, sình lầy. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn, cần trang bị đầy đủ giày, ủng, găng tay, khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp, hạn chế lội hoặc ngâm mình nơi nước bẩn, tù đọng.
Sau khi dọn dẹp, hãy đổ chất thải đúng nơi quy định, tắm rửa ngay bằng nước sạch và xà phòng, lau khô người đặc biệt là những vùng dễ đọng nước như kẽ ngón chân, ngón tay, không mặc quần áo ẩm ướt…
Khi có các dấu hiệu bất thường trên da như nổi mề đay, viêm da do nhiễm khuẩn cần được khám và điều trị sớm, tránh kéo dài dễ làm bệnh diễn tiến nặng. Ngoài ngứa ngáy, lở loét, người bệnh còn bị nhiễm trùng bội nhiễm hoặc lây sang người thân trong nhà. Điều trị đúng cách, kịp thời thì chỉ cần uống hoặc thoa thuốc sẽ khỏi bệnh. Nếu để lâu bệnh diễn tiến nặng gây tổn thương, nhiễm trùng, thậm chí hoại tử da. Đặc biệt, khi bị các vấn đề về da, người bệnh không nên tự sử dụng thuốc uống, bôi và các phương pháp dân gian điều trị tại nhà, nguy cơ làm bệnh thêm nặng nề hơn.
Nguy cơ đau mắt đỏ lây lan nhanh
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Công Hinh - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt TPHCM - cho biết, đau mắt đỏ dễ bùng phát thành dịch tại những nơi có điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển. Bệnh thường lây qua đường không khí, tiếp xúc gần với người bệnh, dùng chung khăn mặt, quần áo, vật dụng, tốc độ lây lan sẽ rất nhanh.
Mưa gió kéo dài, một số nơi phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn lâu ngày khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ có thể tăng cao. Người dân cần chủ động rửa tay bằng xà phòng, khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn ghế; tuyệt đối không dùng chung dụng cụ sinh hoạt, hay đồ dùng cá nhân; hạn chế đến nơi đông người để tránh lây nhiễm trong cộng đồng… Bên cạnh đó, hãy vệ sinh mắt bằng nước muối vô khuẩn, không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn. Không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn, không đưa tay lên mặt, đặc biệt là mắt, mũi, miệng.
Ngoài ra, trong quá trình ứng phó với thiên tai, mưa bão, người dân còn dễ bị chấn thương, đuối nước, điện giật và các tai nạn khác. Vì vậy, hãy cẩn thận quan sát kỹ khi đi ra ngoài, tránh đi vào đoạn đường lầy lội, trơn trượt, hay các bụi cây um tùm… Nếu không may bị côn trùng cắn, trầy xước, hay các vết thương nghiêm trọng, hãy rửa vết thương bằng nước muối sinh lý, nước sạch, sơ cứu tại chỗ và đến cơ sở y tế để xử lý.
Phạm An