Để “phiếu đi chợ” phát huy tác dụng

19/08/2020 - 10:51

PNO - “Phiếu đi chợ” do chính quyền TP.Đà Nẵng áp dụng từ ngày 12/8 nhằm giãn cách người nơi công cộng là cách làm rất hay, nhưng bộc lộ nhiều bất cập khi triển khai.

Đầu tiên là việc phân chia ngày chẵn, lẻ. Để thuận tiện cho người dân, mỗi hộ được phát năm phiếu, sử dụng trong 15 ngày. Việc này sẽ giảm số lần có thể đến chợ của mỗi người dân, nhưng không làm giảm khả năng có nhiều người ở chợ cùng một thời điểm. Chẳng hạn, tại TP.Đà Nẵng, các nhà máy, ngân hàng vẫn hoạt động nên người lao động các ngành này sẽ tranh thủ cuối tuần để đi chợ. Nghĩa là, sẽ có nhiều người cùng chọn đi chợ vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật. Như vậy, lưu lượng người vào chợ phụ thuộc vào quyết định ngẫu nhiên của đông đảo người dân, nên tác dụng của “phiếu đi chợ” không rõ nét.

Chợ, siêu thị vắng vẻ sau khi nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra phiếu đi chợ
Chợ, siêu thị vắng vẻ sau khi nghiêm túc thực hiện việc kiểm tra phiếu đi chợ

Nhận rõ vấn đề này, một số phường, như P.Chính Gián (Q.Thanh Khê) tự ra quy định cụ thể chợ và ngày được đi chợ cho từng hộ. Đây là quyết định đúng đắn và chính xác. Rất tiếc, theo Báo Thanh Niên, ngày 13/8, Sở Công thương TP.Đà Nẵng đã bác bỏ giải pháp này, yêu cầu phường thực hiện theo giải pháp cũ, chia ngày chẵn lẻ và có thể đi bất kỳ chợ nào tùy thích. 

Việc này cũng dẫn đến một nguy cơ mới, chẳng hạn, chợ ở P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà) đang bị phong tỏa do liên quan đến các ca nhiễm, nhiều người dân ở khu vực này có khả năng là F1, F2, F3 mà không biết. Điều gì sẽ xảy ra nếu các F tiềm năng này đi chợ ở quận khác, phường khác do chợ gần nhà bị phong tỏa? Cần nhắc lại, chủ trương của chính quyền TP.Đà Nẵng là hạn chế tối đa việc di chuyển không cần thiết. Việc quy định mỗi khu vực chỉ được bổ sung lương thực phẩm ở một chợ là rất thiết thực.

Tiếp theo là kiểm soát việc thực hiện. Theo quy định, người dân muốn vào chợ, phải cung cấp “phiếu đi chợ” đúng ngày, ghi đầy đủ thông tin cá nhân để truy vết dịch tễ nếu cần. Ban quản lý chợ cần đo thân nhiệt cũng như kiểm tra tính hợp lệ của phiếu và thông tin do người dân cung cấp. Thế nhưng, khi tôi ghé chợ Cồn chiều 16/8, tức chỉ sau bốn ngày triển khai việc phát phiếu đi chợ, mọi quy trình cần thiết đều bị bỏ qua: không đo nhiệt độ, không kiểm tra phiếu, thậm chí khi người dân bỏ phiếu xanh (ngày lẻ) vào thùng, cũng không ai nhắc nhở. Giải pháp dù hay, nhưng thực hiện không nghiêm túc thì cũng vô dụng.

Phiếu đi chợ theo ngày cụ thể
Phiếu đi chợ theo ngày cụ thể

Cuối cùng, vì sao chỉ phân chia tần suất đi chợ cho các chợ truyền thống mà lại bỏ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi? Cùng bán nhiều mặt hàng tương đồng nhau - như chợ Cồn và Big C chỉ cách nhau chưa tới 50m -  một nơi thì “đi chợ theo thời gian phân bổ”, một nơi vẫn vận hành như bình thường. Hiện tại, nếu một người cần bổ sung lương thực vào ngày 16/8 nhưng chỉ còn phiếu đi chợ ngày lẻ, người này có thể đi siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi bất kỳ. Chưa kể, ở chợ truyền thống, các sạp hàng không phải lương thực đều bị yêu cầu tạm dừng kinh doanh. Siêu thị thì đang mở cửa, vẫn trưng bày và bán các mặt hàng này bình thường. Điều này góp phần đẩy người tiêu dùng tập trung về hệ thống siêu thị, khiến “phiếu đi chợ” càng giảm tác dụng.

Khi dịch bệnh ở Đà Nẵng còn chưa kiểm soát được và có dấu hiệu lan rộng ra nhiều nơi trong thành phố, việc chính quyền tăng mạnh các biện pháp cách ly là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Nếu tiếp tục duy trì “phiếu đi chợ”, tôi cho rằng, hệ thống siêu thị và các cơ sở có khả năng tập trung nhiều người cùng lúc đều phải nằm trong phạm vi áp dụng. 

Một giải pháp nửa vời chỉ khiến hệ thống và người dân tăng thêm gánh nặng, lãng phí nguồn lực. Hy vọng chính quyền TP.Đà Nẵng kiên quyết hơn nữa trong việc cải thiện và triển khai “phiếu đi chợ” để nó thực sự góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. 

Thường Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI