Để nỗi buồn nhẹ hơn

03/06/2024 - 17:26

PNO - Nỗi buồn của chị quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vậy - chồng xa cách, vợ chồng không chuyện trò và không đồng điệu tâm hồn.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trong góc cầu thang nửa sáng nửa tối, chị vừa khóc vừa nhận ra đã hơn 10 năm nay, chị vẫn vậy - mỗi khi uất ức quá và không biết đi đâu, chị đều bất giác chạy ra đây. Cầu thang thoát hiểm ở chung cư hiếm khi có người qua lại. Nếu có tiếng bước chân ai đó thì chị đứng dậy, vờ như đang đi lên hoặc đi xuống. Ngồi ở đây, chị thấy mình được riêng tư, thoải mái, thích khóc thì khóc, ngồi bao lâu cũng được.

Hồi đầu, những lần bỏ đi của chị vẫn chỉ là kiểu dọa chồng hoặc chờ sự níu kéo của anh. Nhưng rồi những cuộc gọi của chồng cũng rất thưa thớt. Chị nói chị không về thì anh cũng kệ. Chồng không tìm, chị lại càng tủi thân hơn. Đến bây giờ thì những lần chị bỏ đi phần lớn là vì muốn ra ngoài hít thở, vì không muốn đối mặt với anh. Thế nên chị cứ đi, đi chán rồi lại tự mò về.

Có mấy lần chị xuống ghế đá ngồi, nhưng ngại vì nhiều người qua lại. Chị không dám khóc, cứ ngồi thẫn thờ như đang hóng gió thôi chứ không có nỗi niềm gì. Cũng có nhiều khi chị tìm số điện thoại của bạn thân, định gọi để tâm sự hoặc rủ nhau la cà, nhưng danh sách bạn thân của chị chỉ có vài người. Rồi người ở xa, người chắc cũng bận chồng con… Trớ trêu là cái giờ mà chị buồn và chán như lúc này thường trái khoáy lắm, đó là giờ mà các gia đình cơm nước, quây quần bên nhau.

À thì nỗi buồn của chị quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vậy - chồng xa cách, vợ chồng không chuyện trò và không đồng điệu tâm hồn.

Chồng chị thường xuyên về muộn và dù chị có cố cách nào cũng không thay đổi được điều đó. Vì muốn những bữa cơm gia đình sum họp vào lúc 7, 8g tối, chị đã từng đình công, từng nói chuyện nhẹ nhàng cho đến gào lên, từng quyết định chỉ có mẹ con ăn trước cùng nhau rồi lại không đành lòng nên tiếp tục chờ đợi… Đôi lần anh cho chị hy vọng và rồi lại gieo sự thất vọng.

Liệu có phải là do “ăn cơm trước kẻng” nên anh buộc lòng phải cưới chị? Liệu có phải công việc anh bận đến mức sắp xếp thời gian cho gia đình là quá khó? Liệu chị có nên lục điện thoại của anh để xem gần đây anh có còn nhắn tin trên mức thân thiết cho cô đồng nghiệp cũ hay không? Mỗi lần chồng về muộn, trong đầu chị là rất nhiều câu hỏi như thế. Chị cứ đấu tranh giữa việc tôn trọng sự riêng tư của chồng và việc tìm câu trả lời cho chính mình. Nhưng rồi lại nghĩ, dù là vế nào thì cũng chẳng thay đổi được gì. Thi thoảng chị kiềm chế được để tiếp tục ở trong nhà. Nhưng cũng có những lần con hổ bị giam giữ bên trong chị thoát được ra ngoài.

Như hôm nay, cả ngày chị không nhận được tin nhắn nào từ chồng. 7g30 tối, nhà cửa ngổn ngang đồ đạc, chén đĩa từ bữa sáng còn chưa rửa. Chị đi làm về, rất mệt và đói. Công việc của chị lại sai bút toán trong sổ sách, đứa con trai lớn rón rén đưa bản kiểm điểm vì đánh nhau trong lớp, đứa con trai nhỏ thì cứ léo nhéo khóc đòi ba về sửa chiếc ô tô… Hình ảnh những lời hứa hão, những cuộc cãi cọ, những lần chồng chị vừa dạy con học vừa lướt điện thoại… khiến chị như quả bóng bị thổi quá căng. Giây phút chị gọi và nghe chồng nói: “Chưa, khoảng 2 tiếng nữa anh mới về được” là lúc quả bóng bị kích nổ.

Khi chồng chị vừa về đến nhà, chị hét lên: “Đấy, của anh đấy!”. Rồi chị cầm theo lon bia và ra ngồi đây. Dòng suy nghĩ chạy qua những người phụ nữ quanh chị.
Chị lớn lên trong một gia đình mà cha nghiện rượu, thường xuyên về nhà vào đêm tối, nhậu nguyên ngày. Vậy nên mẹ vẫn thấy chị sướng vì chồng chị chẳng bao giờ rượu chè, tính cách lại hiền lành.

Cô của chị từng kể: “40 năm bên nhau, chồng cô đi tàu viễn dương, lâu lâu mới về nhà nên cô cũng không khó khăn gì khi sống như thế”. Chị đã từng nói với cô: “Con không muốn thế, con muốn vợ chồng có sự kết nối”.

Bỗng nhiên ngay lúc này, chị nhận ra rằng, chính cái mong muốn kết nối đó lại là gông cùm. Chị cứ mải chạy theo để đòi tình yêu. Chị bỏ đi cũng vì tình yêu, ở lại cũng vì tình yêu. Chị đã không biết rằng, mình không cần phải hy sinh, cũng không cần mặc kệ chồng. Chị chỉ cần trung thực với cảm giác của chính mình. Như ngay lúc này, chị cần gì ngồi ở góc tối và buồn rầu. Chị hoàn toàn có thể về nhà, ngồi ở bàn ăn, bật máy lạnh, nghe nhạc và uống bia kia mà. Nỗi buồn khi đó vẫn là của chị, nhưng sẽ nhẹ hơn rất nhiều.

Cát Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI