Tối ở ghe, sáng về nhà chồ
Vào một buổi sáng cuối tháng Tư, trên dòng Ô Lâu, tôi gặp vợ chồng chị Hiền, công dân xóm vạn chài Tân Bình, đang chèo thuyền ngược dòng. Có người vẫy tay, chị Hiền chèo nhanh vào bờ để bán mớ cá vẫn còn tươi rói vừa bắt được sau nửa đêm thả lưới trên sông. Bán xong mẻ cá, hai vợ chồng chị lại chèo thuyền đưa khách về xóm vạn đò. Những đứa con nhỏ của chị Hiền ngấp nghé trong nhà chờ mẹ. Có khách lạ đến nhà, ông Nguyễn Tuấn, bố chồng chị Hiền, mang ấm nước chè xanh mới ủ ra mời khách và say sưa kể về hành trình “theo đuôi con cá”.
|
Một góc xóm vạn chài Tân Bình xã Phong Bình nằm trên dòng Ô Lâu |
Ông Tuấn nhớ, gần nửa thế kỷ trước, ông cùng nhóm ngư dân vạn đò neo đậu gần đập Cửa Lát trên phá Tam Giang. Sau đợt bão lũ năm 1962, cả xóm chài kéo nhau về khu vực hạ lưu sông Ô Lâu làm nhà sống tạm bợ trên mặt nước.
Cuộc sống mải mê “theo đuôi con cá” gắn chặt bà con với khúc sông quê thấm thoát đã gần 50 năm. Nối nghiệp cha từ con thuyền nhỏ, 19 tuổi ông Tuấn đã lấy vợ sinh con. Cả năm người con của ông hiện tại không ai học hết cấp I, lớn lên chẳng có nghề nghiệp gì, lại theo cha lam lũ trên sông. Cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, thất học, lạc hậu, cứ bám chặt gia đình ông Tuấn cùng bà con xóm vạn chài Tân Bình. Gần cả đời người sống trên sông nước, cũng như bao gia đình khác ở xóm vạn chài, gia đình ông Tuấn ao ước có mảnh đất cắm dùi, để con cháu được lên bờ.
“Khi tê (trước) đời ông già tui sống ở gần đập Cửa Lát, lúc mới chào đời tôi đã là người của sông nước. Cuộc sống lang thang sông nước, nay chỗ này, mai chỗ khác. Tui biết vất vả cho con cháu nhưng đành chịu. Chỉ mong chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho miếng đất để lên bờ làm nhà tránh mưa bão”, ông Tuấn ước ao.
Cách nhà ông Tuấn chừng 30m là căn nhà chồ (nhà tạm bợ làm trên mặt sông) có diện tích gần 20m2 của mẹ con chị Lê Thị Hạnh, nơi trú ngụ của hai vợ chồng, bốn đứa con và mẹ chồng 78 tuổi.
Ngoài 30 tuổi, nhưng chị Hạnh trông già hơn tuổi khá nhiều. Chị Hạnh kể, ba mẹ sinh chị ở trên đò. Rồi đến lượt chị lấy chồng cũng sinh con ở trên đò. Nay chị là mẹ của bốn đứa trẻ. Cứ nửa đêm, vợ chồng cùng đứa con gái thứ hai, 9 tuổi, lại chèo thuyền thả lưới. Đến 8-9 giờ sáng, sau khi bán được mẻ cá dăm chục ngàn đồng, họ lại trở về nhà chờ có ai gọi đi làm thuê bất cứ việc gì.
Hỏi chuyện học hành của lũ trẻ nơi xóm nghèo Tân Bình, chị Hạnh ngập ngừng: “Em và chồng thất học từ nhỏ, nên bây giờ gắng sức để con cái được đến trường. Nhưng nhiều lần con em cứ lì ra, không chịu đi học. Tra hỏi thì chúng nói bị bạn bè trêu, khinh khi, không chơi chung, vì là dân “ở dưới đò”. Nghe con kể, lòng em quặn thắt. Cả đời ao ước có một mái nhà chắc chắn trên bờ, để con em không còn cảm thấy tự ti, mặc cảm khi cắp sách đến trường”, chị Hạnh giãi bày.
Cũng do “mặc cảm” nên trẻ em ở đây hầu hết học chưa hết cấp II. Đã mấy chục năm qua, cả xóm chài Tân Bình chưa có ai được học hành đến nơi đến chốn. Đó là nỗi trăn trở của nhiều người lớn tuổi ở xóm vạn chài.
Ông Trần Văn Đức, 72 tuổi, có bảy người con thì năm người mù chữ, chỉ hai người được xóa mù. Ông nói: “Đời cha con tui đã khổ lắm rồi. Chỉ mong đến cháu mình sẽ được Nhà nước đưa lên bờ, cấp đất tái định cư, để tụi nó được học hành. Chứ không lại giống cha ông nó. Nhìn cái cảnh mỗi lần có bão là phải bồng bế nhau lên bờ xin tá túc, phận làm cha, làm ông như tôi xót xa lắm. Biết nhưng không làm gì được”, ông Đức bất lực.
Hạnh phúc từ một lời hứa
Nằm khuất sau những rặng tre già ở cuối sông Ô Lâu là xóm vạn đò Tân Bình thuộc xã Phong Bình (H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nơi đây, hàng chục căn nhà tạm bợ của những cư dân thủy diện (sống trên mặt nước) đang nép mình bất chấp nắng, gió, đêm, ngày. Sau nhiều cuộc “di dân”, hàng ngàn cư dân thủy diện ở các nhánh sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lần lượt “lên bờ”, duy nhất xóm vạn đò Tân Bình còn sót lại bên khúc sông buồn.
|
Vợ chồng ông Võ Ngọc Thành bên căn nhà mới đang xây tại khu tái định cư xen ghép Tân Bình |
Đã gần một năm kể từ ngày trận lũ lịch sử đi qua, nhờ lời hứa của vị cựu chủ tịch huyện, đến giữa tháng 5/2021, 13 hộ dân đầu tiên của xóm vạn chài Tân Bình đã được bố trí lên khu tái định cư xen ghép, tâm trạng bà con ai cũng vui mừng. Anh Võ Văn Trung, người đã hơn 30 năm sống ở ven sông, vừa được Nhà nước cấp một lô đất ở 126m2 tại thôn Tân Bình để định cư lâu dài, nói: “Dân chúng tôi biết ơn anh Bình lắm. Lời anh Bình hứa từ những ngày mới lên nhậm chức nay đã thành hiện thực” - anh Trung xúc động.
Nhưng niềm vui vẫn chưa trọn vẹn khi ngoài 13 hộ vừa được bố trí tái định cư, xóm vạn chài cuối cùng của tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn hơn 20 hộ gia đình trẻ (mới tách hộ) có nhu cầu về đất ở, có nguyện vọng được “lên bờ” để ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho con cái học hành, nhưng hiện nay địa phương chưa thể giải quyết được.
“Để tiếp tục bố trí bà con lên bờ, tái định cư, xã Phong Bình mong muốn chính quyền cấp trên quan tâm, đầu tư mở rộng thêm diện tích đất ở. Trước mắt đầu tư mở đường giao thông và làm cầu tạm qua rạch nhỏ gần khu tái định cư để giúp bà con đi lại được thuận tiện. Chúng tôi cũng mong các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức quan tâm hỗ trợ để bà con xây được ngôi nhà vững chắc, theo thiết kế nhà phòng, chống bão lũ, bởi khu vực này đất thấp trũng, chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt bão lũ…” - ông Trần Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Phong Bình - trải lòng.
Khu tái định cư Tân Bình được hình thành từ năm 2004 với diện tích khoảng 15ha theo chủ trương của UBND tỉnh. Đây là nơi định cư cho 37 hộ, hơn 230 nhân khẩu, ngư dân thủy diện. Tuy nhiên, sau 17 năm, số hộ đã tăng lên thành 63, nhân khẩu tăng lên thành 316. Từ thực tế đó, năm 2019, UBND H.Phong Điền đã quyết định đầu tư xây dựng công trình hạ tầng khu dân cư xen ghép Tân Bình với diện tích trên 5ha, tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, do UBND xã Phong Bình làm chủ đầu tư. Khu dân cư được phân thành 30 lô, diện tích mỗi lô là 126m2, đường giao thông rộng 6m cùng với hệ thống điện, nước, thoát nước…
|
Thuận Hóa