Kể từ khi xung đột giữa Israel với Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023, tất cả trường học ở Gaza đã đóng cửa. Một số trẻ ở Deir Al-Balah nay đã mồ côi vì xung đột. Một số trẻ đã chứng kiến cha mẹ chúng bị lực lượng Israel bắt đi ngay trước mặt.
Islam Badwan - điều phối viên hỗ trợ tâm lý xã hội tại Diễn đàn thanh niên Sharek (SYF), một tổ chức từ thiện của người Palestine được thành lập năm 2004 - cho biết mỗi đứa trẻ đều “bị tổn thương sâu sắc”. Ông và các đồng nghiệp đang làm việc tại hiện trường để ứng phó khẩn cấp với các đối tác gồm Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) và dự án Quỹ Hy vọng - tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ trẻ em mắc chứng tự kỷ ở Mỹ. “Những đứa trẻ mà chúng tôi thấy lúc nào cũng lo lắng. Đôi khi chúng rất hung bạo. Chúng có vấn đề về trí nhớ. Chúng còn gặp phải những vấn đề về nguồn thực phẩm không an toàn, cũng như nỗi xấu hổ về tình trạng thiếu vệ sinh và vệ sinh kém” - Badwan nói.
|
Rạp xiếc tự do Gaza thực hiện một số hoạt động hỗ trợ tâm lý cho trẻ em tại các trại lều trên sa mạc và ngoại ô Gaza - Ảnh: SHOROUQ AL AZBAKI |
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trung bình cứ 10 phút lại có 1 trẻ thiệt mạng ở Gaza. Tác động tâm lý đối với những đứa trẻ sống sót rất sâu sắc. Các tác động bao gồm từ nguy cơ lo lắng, trầm cảm và tự làm hại bản thân tăng cao; đến các tác động do căng thẳng như đau ngực, khó thở và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Trong những ngày sau khi chiến tranh bùng nổ, SYF nhanh chóng chuyển hướng từ các chương trình giáo dục và trao quyền cho trẻ em gái sang cung cấp thực phẩm và chăm sóc sức khỏe trẻ em cùng với sơ cứu tâm lý (PFA) - một biện pháp có thể được sử dụng để hỗ trợ những người đã trải qua thảm họa hoặc các cuộc khủng hoảng khác.
Điều trẻ em cần nhất
Sarah Anbar - nhân viên thẩm định dự án của SYF - cho hay: “Bọn trẻ đến với chúng tôi và hỏi chúng tôi những gì chúng muốn”. Bên cạnh liệu pháp nói chuyện, còn có các giải đấu bóng chuyền, các trò chơi truyền thống của người Palestine, các trận đấu bóng đá tại những nơi trú ẩn.
Anbar cho biết thêm: “Bọn trẻ nói với chúng tôi rằng chúng muốn xem phim, muốn chơi game và muốn làm những việc khiến chúng cảm thấy bình thường nhất có thể”.
Chương trình lớp học tạm thời của tổ chức từ thiện - sáng kiến Hiroshima-Gaza - được lấy cảm hứng từ TP Hiroshima của Nhật Bản, một thành phố chịu đựng sự tàn phá của bom hạt nhân trong Thế chiến thứ hai nhưng vẫn vươn lên như một trong những trung tâm cần cù và năng suất nhất Nhật Bản.
Khi các trường học trên khắp Gaza đóng cửa, hàng trăm ngàn trẻ em Palestine không được học hành chính thức. Sáng kiến này cung cấp các bài học hằng tuần về toán, tiếng Ả Rập, tiếng Anh và lịch sử cho trẻ em ở các nơi trú ẩn. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), hơn 850.000 trẻ em đang sống trong các nơi trú ẩn trên khắp dải Gaza.
Tiến sĩ Audrey McMahon là bác sĩ tâm thần của tổ chức từ thiện chăm sóc sức khỏe Médecins Sans Frontières (MSF), giám sát nhóm tâm lý xã hội và sức khỏe tâm thần của tổ chức từ thiện ở Gaza.
Cô nói rằng nhu cầu của trẻ em phải di tản trong cuộc xung đột hiện nay là rất lớn. “Điều trẻ em cần nhất là sự an toàn về thể chất, tâm lý và cảm xúc từ tình yêu thương của người lớn. Việc này hiện rất khó khăn vì mọi người ở Gaza, kể cả người lớn, đều đang bị đe dọa và không được bảo vệ” - cô nhấn mạnh.
Một nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy trẻ em lớn lên ở vùng xung đột phải chịu những ảnh hưởng suốt đời về sức khỏe thể chất và tinh thần, phúc lợi và sự phát triển xã hội. Thông qua các phòng khám và bệnh viện, MSF đang cung cấp các hoạt động tư vấn và giải trí cho trẻ em, bao gồm vui chơi và kể chuyện. Tiến sĩ McMahon cho rằng công việc của các sáng kiến cấp cơ sở như SYF rất quan trọng vì chúng thúc đẩy cảm giác thân thuộc và tạo ra “một số trạng thái bình thường trong thời gian bị chia cắt”.
Hỗ trợ các nhu cầu sức khỏe tâm thần cho trẻ
Tại một khu cắm trại bên ngoài TP Rafah, trẻ em đứng thành vòng tròn và vỗ tay khi xem bộ 3 chú hề biểu diễn nhào lộn và tung hứng bóng. “Các chú đã mang lại niềm vui cho tụi con, giúp tụi con quên đi âm thanh của bom đạn” - một cậu bé 9 tuổi mỉm cười nói về buổi biểu diễn của Free Gaza Circus - một trong những sáng kiến cấp cơ sở của người Palestine được McMahon dẫn chứng trong việc hỗ trợ các nhu cầu sức khỏe tâm thần cho trẻ em.
|
Rạp chiếu phim Discovery tại Đại học Mở Al-Quds ở Rafah chiếu phim hoạt hình và phim mang tính giáo dục cho trẻ em nhằm nâng cao sức khỏe tâm lý cho trẻ - Nguồn ảnh: Positive News |
Rạp xiếc tự do Gaza (FGC) được thành lập vào năm 2018 và giống như SYF, nhanh chóng thích nghi với tình huống khẩn cấp. Nhiều nhân viên của FGC đã phải rời bỏ nhà cửa ở phía bắc Gaza vào tháng 11/2023 để đến TP Rafah ở phía nam (hiện đang bị đe dọa bắn phá). Mohammed Khader - người đồng sáng lập FGC - nói: “Trước chiến tranh, chúng tôi tổ chức các buổi biểu diễn hằng tuần và huấn luyện khoảng 250 trẻ em Palestine kỹ năng xiếc tại các lò xiếc của chúng tôi”.
Salah Abu Harbel - một trong những nghệ sĩ nhào lộn tài năng nhất của rạp xiếc - đã thiệt mạng trong một cuộc oanh tạc từ trên không hồi tháng Giêng. Bất chấp rủi ro, Khader hiện đã triển khai dự án. Nhóm đang phân phát các gói thực phẩm và bánh quy cho trẻ em tại các trại lều trên sa mạc và ngoại ô Gaza. Khader lý giải: “Âm nhạc và khiêu vũ là công cụ để điều trị PTSD và trầm cảm, đồng thời giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn. Giúp trẻ tìm thấy niềm vui là sự trợ giúp tâm lý lớn nhất chúng ta có được”.
Can thiệp tâm lý dựa trên trò chơi dành cho trẻ em ở các khu vực xung đột là một lĩnh vực đang được chú trọng và nghiên cứu. Theo truyền thống, trong bối cảnh xung đột thì trọng tâm là thức ăn, chỗ ở và điều trị chấn thương, còn vui chơi và giải trí là những yếu tố phụ. Nghiên cứu do tổ chức từ thiện War Child thực hiện đã chứng minh rằng các hoạt động đơn giản dựa trên trò chơi đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe của trẻ trong môi trường tị nạn. FGC hiện đang tập hợp những người Gaza trẻ tuổi khỏe mạnh vào đoàn thiện nguyện khi di chuyển quanh những nơi Gaza bị tàn phá bởi xung đột, biểu diễn tại các địa điểm cứu trợ, trại và nơi trú ẩn của Liên hiệp quốc, nhiều trong số đó được đặt trong các trường học bỏ hoang.
“Tôi thích nhìn gương mặt rạng rỡ của bọn trẻ khi chúng tôi biểu diễn cho chúng xem. Điều này giúp tâm trí trẻ thoát khỏi cảnh bạo lực khủng khiếp mà chúng đã chứng kiến và chịu đựng. Trong khoảnh khắc đó, bọn trẻ quên đi những vụ đánh bom và những ngôi nhà đổ nát. Chúng quên đi những giọt nước mắt đã rơi. Lúc đó, chúng cảm thấy thực sự an toàn” - Khader bày tỏ.
Hà Thụy