Dễ như vào đại học

15/03/2017 - 10:40

PNO - Nhiều trường ĐH “vào cuộc đua” tuyển sinh bằng tiêu chí dễ dàng, tăng cường tiếp thị, đến mức hiệu trưởng một trường ĐH công lập lớn phải livestream trên trang facebook của trường để tư vấn tuyển sinh.

Trường đại học (ĐH) tư thục tuyển sinh với tiêu chí dễ dàng là chuyện không hề lạ trong nhiều năm qua. Năm nay, nhiều trường ĐH công lập cũng “vào cuộc đua” tuyển sinh bằng tiêu chí dễ dàng, đồng thời tăng cường tiếp thị, đến mức hiệu trưởng một trường ĐH công lập lớn phải livestream trên trang facebook của trường để tư vấn tuyển sinh. 

Tốt nghiệp phổ thông là vào được ĐH
Thẳng thắn nhìn nhận, xu hướng tuyển sinh ĐH những năm gần đây đang dịch chuyển từ việc thí sinh cần trúng tuyển sang việc trường ĐH đi tìm người học. Phần lớn các trường ĐH từ tư đến công đều mở rộng phương án xét tuyển bằng hình thức xét học bạ THPT. Việc mở rộng phương án xét tuyển là mở rộng cơ hội cho thí sinh, đồng thời cũng để giúp nhiều trường tuyển đủ người học. Tùy trường mà chỉ tiêu dành cho cách tuyển “dễ xơi” này được áp dụng nhiều hay ít. Gần như 100% trường ĐH tư tại TP.HCM đều xét học bạ.
 Theo dự thảo đề án tuyển sinh trình lên Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - một trong những trường ĐH công lập uy tín - cũng xét tuyển chỉ dựa vào kết quả học bạ THPT cho tối đa 40% chỉ tiêu của tất cả các ngành có hệ đào tạo chất lượng cao và mở rộng ưu tiên xét tuyển thẳng đối với học sinh giỏi. 
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng bắt đầu xét tuyển bằng học bạ.  Trong phương án tuyển sinh dự kiến, trường này dành 10% chỉ tiêu xét từ kết quả học bạ THPT, trong đó thí sinh xét tuyển bằng học bạ THPT chỉ cần có điểm tổng kết của từng năm lớp 10, 11, 12 đạt từ 6 trở lên là đủ. Thậm chí, với bậc CĐ, trường dành đến 50% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả học bạ THPT, trong đó điều kiện là điểm tổng kết của các năm lớp 10, 11, 12 đạt từ 5 trở lên.
Thạc sĩ Nguyễn Kim Phụng - Trưởng ban tư vấn các tỉnh miền Đông Nam bộ, Phó trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trường ĐH Tài chính Marketing - cho biết: năm nay, trường áp dụng ba phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu, trường THPT có điểm trung bình chung thi THPT quốc gia cao nhất nước với 25% chỉ tiêu cho hình thức này. Ứng viên có ít nhất một năm đạt danh hiệu học sinh giỏi và các năm còn lại đạt danh hiệu học sinh tiên tiến ở bậc THPT; hoặc là thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, điểm trung bình chung của các môn học trong một tổ hợp xét tuyển không nhỏ hơn 6.

De nhu vao dai hoc
Học sinh lớp 12 TP.HCM thi thử bài kiểm tra năng lực tại trường ĐH quốc tế

Muốn rớt ĐH cũng khó
Có thể nói, chưa khi nào quy chế xét tuyển vào ĐH lại biến chuyện rớt ĐH thành khó hơn đậu như năm nay. Quy chế này tạo tối đa cơ hội để thí sinh trúng tuyển. Thêm nữa, việc được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết kết quả thi càng làm cho cơ hội trúng tuyển cao hơn. Ở giai đoạn này, thí sinh không chỉ được điều chỉnh nguyện vọng giữa các ngành, các trường mà còn được quyền tăng số lượng nguyện vọng nếu điều chỉnh bằng hình thức nộp phiếu trực tiếp tại trường… Quy chế năm nay cho phép các trường chủ động trong đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh nếu chưa trúng tuyển ở đợt đầu cũng sẽ trúng tuyển đợt sau; nếu không trúng tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia thì cũng dễ dàng để vào ĐH bằng học bạ THPT. 
Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, nếu thí sinh chỉ cần vào học ĐH, không quan tâm đến ngành nghề thì chỉ cần đăng ký xét tuyển một danh sách thật dài rất nhiều nguyện vọng là không thể nào rớt được. Chiêu “giăng lưới” nguyện vọng kiểu này đủ vượt qua quá trình sàng lọc, “lọt sàng xuống nia”, không đỗ ngành này thì cũng ngành khác, không vào trường này thì cũng vào trường khác.
Cánh cửa vào ĐH bắt đầu dễ dàng từ khi Bộ GD-ĐT cho phép các trường thực hiện tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ theo đề án tuyển sinh riêng. Người học chỉ cần đạt mức điểm trung bình 6,0 trở lên đều được tuyển. Nếu ở năm đầu tiên áp dụng phương thức này, chỉ có một vài trường thì sau ba năm, đại đa số trường ĐH, từ tư đến công áp dụng. Việc mở rộng cơ hội học tập cho người học là hợp lý, nhưng lại nảy sinh hệ luỵ là tất cả người học chỉ cần tốt nghiệp THPT đều vào được ĐH, sau 4-5 năm là trở thành cử nhân, kỹ sư. Trong khi đó,  ngay hiện tại, xã hội đang phải giải quyết bài toán lớn là lạm phát cử nhân, kỹ sư thất nghiệp do không có việc làm hoặc không làm được việc. 
Tại hội nghị hợp tác hướng nghiệp do Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức mới đây, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, qua khảo sát ở một số trường, việc xét tuyển bằng học bạ vẫn khiến các trường chưa hài lòng về chất lượng đầu vào. Kết quả thi THPT quốc gia vẫn khiến các trường yên tâm, tin tưởng hơn so với học bạ THPT. Các trường ĐH đều mong kết quả kỳ thi đáng tin cậy, làm cơ sở để xét tuyển. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI