Trong lần đầu tiên cùng chồng - Tổng thống Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio - thăm Việt Nam, Báo Phụ Nữ TPHCM vinh dự được gặp gỡ bà để nghe những chia sẻ từ người phụ nữ có trái tim quảng đại.
|
Bà Fatima Maada Bio và phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM - Ảnh: Hoàng Thắng |
Phóng viên: Tôi ấn tượng bởi những hoạt động vì cộng đồng của bà, chúng không chỉ hướng đến phụ nữ, trẻ em mà còn mở rộng cho cộng đồng người châu Phi, vì sao bà thực hiện nhiều hoạt động truyền cảm hứng như thế?
Phu nhân Fatima Maada Bio: Trong quá trình trưởng thành của một cô gái trẻ, tôi nhận thấy chúng tôi phải trải qua rất nhiều thử thách. Những trẻ em gái hay phụ nữ, họ luôn ở vị trí thứ hai, không được ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, cần phải có ai đó đại diện cho tiếng nói của phụ nữ và trẻ em bởi khi phụ nữ đau khổ thì trẻ em cũng sẽ chịu đau khổ, và ngược lại.
Tôi thấy mình thật may mắn khi thượng đế ban cho tôi cơ hội này, thôi thúc tôi tập trung vào việc lên tiếng thay cho những người yếu thế và đặc biệt, tôi sẽ đề cập đến những vấn đề mà không ai dám nói như vấn nạn hiếp dâm trẻ vị thành niên, điều mà không ai muốn nhắc đến ở châu Phi. Tôi phải nhanh chóng thực hiện những chương trình hành động của mình bởi chúng không chỉ dành cho người dân trong nước mà còn hướng đến cộng đồng người châu Phi nói chung.
* Vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng được coi trọng, ở tất cả các lĩnh vực. Theo bà, định nghĩa về một người phụ nữ thành công trong xã hội hiện đại là thế nào?
- Vị tổng thống đương nhiệm của chúng tôi tin vào năng lực mọi giới tính và ông đang tích cực thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ - một việc mà chưa tổng thống nào thực hiện được kể từ khi quốc gia giành được độc lập. Thật may mắn, tôi gọi ngài ấy là chồng.
|
Đệ nhất phu nhân Fatima Maada Bio (hàng đầu bên phải) cùng đoàn phụ nữ diễu hành tại thành phố Koidu (thành phố lớn nhất, thủ phủ của quận Kono, nằm ở miền Đông Sierra Leone) ngày 8/3/2022. Hoạt động này nằm trong chuỗi hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, chống lại các định kiến làm ảnh hưởng đến trẻ em gái và phụ nữ |
Ngài ấy đã cho tôi cơ hội và giúp tôi biết cách dẫn dắt một cộng đồng nữ giới, cách gây quỹ, cách để tôi không chỉ là người đại diện tiếng nói cho phụ nữ mà còn là người đấu tranh vì phụ nữ, giúp cho tôi biết đâu là vấn đề mà phụ nữ gặp phải và nên giải quyết chúng như thế nào. Cơ hội đó không chỉ được trao cho tôi mà còn với rất nhiều phụ nữ khác ở quốc gia của tôi. Và, tôi nghĩ đó là lý do vì sao phụ nữ tại Sierra Leone ngày nay rất tự hào vì chúng tôi có tiếng nói. Khi gặp vấn đề, chúng tôi có thể mạnh dạn lên tiếng, không còn im lặng nữa.
Ngày nay, chúng tôi được hỗ trợ công nghệ và có quyền tự do ngôn luận, nên có thể phản ánh tình trạng của mình bằng nhiều hình thức. Chúng tôi chia sẻ tất cả để mọi người cùng biết rằng điều gì đang xảy ra. Phụ nữ chúng tôi ngày nay hào hứng với sự tự do, hào hứng khi không còn đứng sau mà bước song hành cùng nam giới. Tôi tin rằng chúng tôi đã thay đổi định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ.
* Vừa là phu nhân tổng thống hỗ trợ chồng, vừa tham gia hoạt động xã hội, chăm sóc gia đình, thật khó cho phụ nữ chúng ta hoàn thành trọn vẹn các vai trò. Bà đối diện với những áp lực đó thế nào?
- Tôi thấy thật khó để cân bằng tất cả vai trò, đặc biệt với gia đình có con nhỏ như gia đình tôi. Tôi phải sắp xếp lịch trình để có đủ thời gian dành cho mọi thành viên trong gia đình lẫn công việc. Tôi luôn rõ ràng với lịch trình của bản thân. Nếu tôi muốn chăm sóc gia đình, tôi sẽ tập trung toàn bộ thời gian dành cho các thành viên. Nếu muốn lo công việc, tôi sẽ dành cho chúng ưu tiên. Hiện nay, tôi đang có một lịch trình khá đều đặn. Vào buổi sáng, tôi sẽ dành thời gian cho gia đình. Buổi chiều, khi chồng đi làm và con đi học, tôi tập trung giải quyết công việc. Buổi tối, khi chồng về nhà và con tan trường, tôi sẽ nhanh chóng trở về với gia đình mình.
|
Đệ nhất phu nhân Fatima Maada Bio mặc áo dài trong buổi tiệc chào mừng đến Việt Nam |
Vấn đề khó khăn nhất là khi tôi cùng chồng đi công tác, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải để con ở nhà. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi sẽ bù đắp bằng những kỳ nghỉ cùng nhau khi chồng tôi có dịp.
* Khi kêu gọi cộng đồng có cái nhìn đúng đắn hơn về tầm quan trọng của phụ nữ, bà nói nhiều đến việc trao quyền cho trẻ em gái bằng cách cho họ có được môi trường giáo dục bền vững. Ở Sierra Leone, các nhà lãnh đạo đã dành cho trẻ em gái những ưu tiên gì trong giáo dục?
- Chồng tôi là người đầu tiên ở Sierra Leone nói riêng và Tây Phi nói chung thực hiện chính sách giáo dục miễn phí cho tất cả trẻ em. Tổng thống đương nhiệm đã sớm khẳng định giáo dục là điều tối quan trọng với mỗi cá nhân, khi đưa ra chính sách giáo dục miễn phí.
Mọi trẻ em cần phải được giáo dục ở nhà trường. Tôi đã thực hiện nhiều chuyến đi tới khắp các trường học trong nước để trình bày rõ về tầm quan trọng của giáo dục. Tôi đã nói với trẻ em gái rằng chỉ bằng con đường học tập, phụ nữ mới thay đổi được tương lai.
Sau một thời gian, hiện nay, tình trạng bỏ học giữa chừng của trẻ em gái đã giảm. Các trẻ em gái đã hào hứng đến trường hơn bởi được miễn học phí, và chúng biết sẽ có tôi bên cạnh động viên, khuyến khích phát triển tài năng. Trong các buổi gặp gỡ tại trường, tôi thường lấy bản thân ra làm minh chứng cho việc giáo dục làm thay đổi cuộc sống. Nếu được giáo dục, thế giới sẽ văn minh hơn và khi đó, mọi người đều có cơ hội như nhau.
* Cũng như bà, phụ nữ ở nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia đang tích cực hoạt động để truyền cảm hứng sống đẹp, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Bà đánh giá thế nào về sự tích cực này của một nửa thế giới?
- Rõ ràng, khi phụ nữ được giáo dục, thế giới cũng sẽ được… giáo dục. Mỗi người phụ nữ đều muốn được thành công, vì vậy, khi được trao cơ hội, họ đều thể hiện rất xuất sắc. Trên thế giới có rất nhiều phụ nữ đấu tranh vì quyền của nữ giới, quyền của trẻ em, về biến đổi khí hậu… Khi bàn luận tới những vấn đề này, đây không còn là vấn đề của riêng chúng tôi mà cho thế hệ sau này.
|
Phu nhân Fatima Maada Bio vinh dự khi bản thân là một trong những phụ nữ truyền động lực - đại diện tiếng nói cho phụ nữ tại châu Phi |
Tôi tin rằng khi trao quyền cho phụ nữ, cũng như môi trường để phát triển, họ có thể thay đổi nhiều thứ và thực tế đã minh chứng điều đó. Có thể, vì phụ nữ đã ở đằng sau quá lâu nên hiện chúng ta vẫn chưa thấy những thay đổi một cách rõ rệt. Tôi tin khi phụ nữ có cơ hội để làm việc một cách bình đẳng, những thay đổi này sẽ diễn ra nhanh hơn, và mọi người sẽ dễ dàng nhận biết sự thay đổi ấy.
Tôi rất vinh dự khi bản thân là một trong những phụ nữ truyền động lực - đại diện tiếng nói cho phụ nữ tại châu Phi. Chúng tôi còn rất nhiều điều cần phải làm để đảm bảo tạo ra bình đẳng trên mọi phương diện, không chỉ ở châu Phi mà còn mở rộng ra nhiều cộng đồng, quốc gia khác.
* Cảm ơn bà đã chia sẻ.
Trước khi trở thành đệ nhất phu nhân của Tổng thống Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio, bà Fatima Maada Bio là diễn viên, đạo diễn, từng chiến thắng cuộc thi Hoa hậu châu Phi năm 2000 và có nhiều dự án phim ảnh được công nhận. Tạm khép lại những hoạt động nghệ thuật khi kết hôn vào năm 2013, bà Fatima Maada Bio tích cực đẩy mạnh hoạt động xã hội - niềm đam mê của bà từ những ngày còn rất trẻ. Năm 2018, bà tạo ra “cơn địa chấn” với chiến dịch chống bạo lực giới mang tên Hands off our girls, thu hút được sự tham gia của nhiều đệ nhất phu nhân từ các quốc gia lân cận trong khu vực châu Phi. Sau đó, giới chức Sierra Leone phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về nạn hiếp dâm và bạo lực tình dục, thay đổi điều luật liên quan trong năm sau. Giờ đây, chiến dịch đã vượt ngoài lãnh thổ Sierra Leone, xuất hiện tại nhiều châu lục khác. Tháng 12/2019, bà Fatima Maada Bio đưa ra sáng kiến tặng băng vệ sinh cho trẻ em gái đi học, góp phần tăng hiệu quả cho chính sách miễn học phí mà chồng bà - Tổng thống Julius Maada Bio - khởi xướng. Ngoài hỗ trợ trẻ em, phụ nữ, bà còn quan tâm đến đời sống của cộng đồng những người yếu thế khi thực hiện mô hình cung cấp giếng khoan chạy bằng năng lượng mặt trời. Khi Sierra Leone bước vào cao điểm dịch, bà đưa ra sáng kiến giỏ lương thực quốc gia nhằm tặng nhu yếu phẩm miễn phí cho người dân, kịp thời “dìu” họ qua thời gian khó. Phu nhân Fatima Maada Bio tích cực đấu tranh, truyền cảm hứng sống tốt đẹp đến phụ nữ bởi chính bà từng suýt là nạn nhân của nạn tảo hôn, lớn lên trong xã hội chưa thật coi trọng phụ nữ. Ngay khi có cơ hội, bà muốn mang câu chuyện của chính mình và những gì bản thân đã lĩnh hội được để chia sẻ với cộng đồng, nhằm góp phần xây dựng thế giới văn minh, bình đẳng, đáng sống hơn. |
Diễm Mi (thực hiện)