“Đệ nhất cam” xứ Nghệ rụng vàng gốc, dân trồng xót xa gom làm phân bón

05/11/2020 - 10:26

PNO - Lũ rút, cam Xã Đoài rụng vàng gốc, người dân đành phải cào ủ phân, rắc vôi khử trùng cứu số cam còn lại để phục vụ thị trường Tết.

 

Clip cam Xã Đoài rụng vàng gốc sau lũ

Khom lưng nhặt quả rụng dưới những gốc cam 6 năm tuổi, ông Nguyễn Văn Thọ (trú tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, mấy ngày qua, cam rụng ngày một nhiều hơn. Không có cách gì cứu chữa, ông đành cào đổ vào chậu ủ làm phân bón.

Vườn cam Xã Đoài hơn 80 gốc vụ thứ 3 của ông Thọ năm nay được mùa, đạt số lượng lẫn chất lượng. Song mưa lớn, nước ngập sâu gần nửa mét trong nhiều ngày khiến quả rụng hàng loạt. Không những rụng quả, nhiều cây còn bắt đầu xuất hiện tình trạng héo khô, rụng lá khiến lão nông này đứng ngồi không yên.

“Nhìn vườn cam chăm bẵm cả năm trời giờ thế này mà đứt ruột gan. Nếu nắng lên thì nó còn rụng nữa, thậm chí chết khô cả cây. Mong thời tiết những ngày tới thuận lợi để cứu lấy vườn cam, chứ nếu không thì công sức 6 năm qua coi như công cốc” - ông Thọ rầu rĩ nói.

Cam Xã Đoài rụng chất thành đống dưới gốc cây
Cam Xã Đoài rụng chất thành đống dưới gốc cây

Chỉ tay vào chùm quả nặng trĩu, đang dần ngả màu vàng óng trên cây, ông Thọ bảo “nhìn đẹp vậy mà giờ phải vứt bỏ”, rồi vỗ nhẹ khiến cả chùm cam thi nhau rơi xuống đất. Ông cho biết, dù nước chỉ ngập nửa cây, song bộ rễ bị ảnh hưởng rất nhiều. Quả cam ở tận trên ngọn cũng bị ảnh hưởng, bề ngoài còn bóng mượt nhưng bên trong đã dần thối rữa.

Mang từng rổ cam đổ vào những chậu lớn để ủ làm phân bón, người đàn ông 50 tuổi này cho biết, vườn cam của gia đình năm nay ước chừng đạt 15.000 quả, giờ đã rụng mất gần một nửa. Với giá bán hiện tại 60.000 đồng/quả, gia đình thiệt hại trên 300 triệu đồng.

“Đáng lo là nó còn rụng nữa, không biết rồi còn cam bán Tết không. Hiện cũng đã có một số người quen gọi điện đặt cam Tết, nhưng tôi không dám nhận vì lỡ không còn để bán”, ông Thọ nói.

Hối thúc cô con dâu dọn sạch dưới các gốc cây để chuẩn bị rắc vôi, ông Thọ cho biết, biện pháp cấp bách cứu cam bây giờ là sử dụng vôi bột rắc xuống vườn để khử chất độc, ô nhiễm. Sau đó, cam sẽ tiếp tục được phun thuốc chống thối. “Kinh nghiệm nhà nông cũng chỉ có thế thôi. Nếu không cứu được thì cũng chịu”, ông Thọ chia sẻ.

Không riêng gì ông Thọ, nhiều vườn cam khác ở đây cũng rụng hàng loạt sau lũ khiến người dân như ngồi trên đống lửa. Lo “trắng tay”, một số chủ vườn đành cắt sớm một ít cam để ngâm rượu bán, tránh cam thối rữa.

Ông Phan Công Dương - Chủ tịch UBND xã Nghi Diên - cho biết toàn xã hiện có gần 30ha cam Xã Đoài. Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 1/3 diện tích trồng cam bị ngập. Sau lũ, cam rụng hàng loạt gây thiệt hại nặng cho người dân.

“Sâu bệnh thì người dân có thể phòng, chống; còn ngập úng thì không có biện pháp gì khắc phục”, ông Dương nói và cho hay việc cam bị ngập úng lâu ngày còn khiến chất lượng cam giảm, độ ngọt không còn được như trước.

Đệ nhất cam thối rứa, trôi dạt ra ao hồ
"Đệ nhất cam" thối rữa, trôi dạt ra ao hồ
Chưa năm nào người trông cam Xã Đoài chứng kiến cảnh cam rụng nhiều như năm nay
Chưa năm nào người trồng cam Xã Đoài chứng kiến cảnh cam rụng nhiều như năm nay
Một số cây cam đã bắt đầu héo khô, rụng lá khiến người trồng cam lo lắng
Một số cây cam đã bắt đầu héo khô, rụng lá khiến người trồng cam lo lắng
Nhiều chùm cam nặng trĩu, vàng óng trên cây cũng dần bị thối rữa
Nhiều chùm cam nặng trĩu, vàng óng trên cây cũng dần bị thối rữa
Ông Thọ rắc vôi bột khử trùng đất
Ông Thọ rắc vôi bột khử trùng đất
Người nông dân xót xa cắt loại cam có giá gần 100.000 đồng/quả dịp Tết làm phân bón
Người nông dân xót xa cắt loại cam có giá gần 100.000 đồng/quả dịp Tết làm phân bón

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI