Dễ nhầm cúm gia cầm với cúm thông thường

05/03/2023 - 06:28

PNO - Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, cúm gia cầm ở người hiện chủ yếu là do các chủng H5N1 và H7N9 gây ra. Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa nhưng diễn tiến thường nặng nề và tỉ lệ tử vong cao hơn.

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, người mắc bệnh cúm gia cầm có thể không có triệu chứng hoặc có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc, kèm một số dấu hiệu khác ít gặp hơn như tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật.

Khi bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân có thể khó thở hoặc viêm phổi, suy hô hấp, nguy cơ tử vong cao. Do biểu hiện bệnh khá giống với cúm thông thường nên khi đi khám, bệnh nhân cần thông tin đầy đủ các yếu tố dịch tễ, đặc biệt là khi có tiếp xúc, ăn gia cầm chết, tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc khu vực xung quanh đang có cúm gia cầm.

Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa (Ảnh minh họa)
Biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa (Ảnh minh họa)

Cũng theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, bên cạnh việc giết mổ gia cầm bệnh, thói quen ăn tiết canh cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh bởi thức ăn chưa được nấu chín chứa nhiều loại vi khuẩn, vi rút, trong đó có các loại vi rút gây bệnh cúm gia cầm. Ông thông tin thêm, hiện nay, theo các nghiên cứu trên thế giới, hiếm khi xảy ra tình trạng lây nhiễm bệnh cúm gia cầm từ người sang người; việc nhiều người trong cùng gia đình cùng mắc bệnh là do lây nhiễm từ nguồn thức ăn. Tuy nhiên, trong tương lai, vi rút gây bệnh cúm gia cầm có thể xuất hiện biến chủng lây lan từ người sang người. Khi đó, việc phòng, chống dịch càng phức tạp hơn. 

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, hiện đã có thuốc để điều trị các bệnh do vi rút gây ra, trong đó có vi rút cúm gia cầm. Điều quan trọng là người dân cần khám sớm khi có triệu chứng để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mới đây, khi có thông tin về 1 ca tử vong ở Campuchia do bệnh cúm gia cầm, Bộ Y tế đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh. Bộ Y tế cảnh báo, Việt Nam đang trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Các lễ hội mùa xuân vẫn tiếp tục được tổ chức, nên hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm có thể gia tăng. 

Cuối năm 2022, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm cúm A/H5N1, xảy ra với 1 bệnh nhi ở tỉnh Phú Thọ. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, người đến từ khu vực đang có dịch.

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A/H5N1; yêu cầu cơ quan y tế, thú y và các ban, ngành liên quan tăng cường phối hợp trong việc giám sát, phát hiện dịch cúm trên gia cầm, đặc biệt là ở các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống.

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực hiện các biện pháp an toàn trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI