Để người trẻ vượt qua "gập ghềnh" đầu đời

02/01/2025 - 06:26

PNO - Sau khi trải qua tình trạng kiệt sức vì phải xoay xở giữa công việc và các cam kết thực tập, Muhammad Irsyad Jamaruddin đã tìm thấy sự hỗ trợ thông qua dự án Re:ground - một sáng kiến được Đoàn Thanh niên Singapore dẫn dắt, ủng hộ hoạt động tình nguyện của thanh niên.

Sau khi tốt nghiệp Republic Polytechnic vào đầu năm nay, Muhammad Irsyad Jamaruddin (21 tuổi) đã nhận một công việc thực tập vào ban ngày và một công việc bán thời gian vào ban đêm trong khi chờ đợi để bắt đầu nghĩa vụ quân sự quốc gia. “Tôi cảm thấy không khỏe nhưng vẫn cố gắng vượt qua, cho đến khi tôi nôn ở nơi làm việc. Đó là lúc tôi nhận ra cơ thể mình không thể chịu đựng được nữa” - anh chia sẻ.

Tan Wei Yarn (trái) đã tìm đến Mentoring SG sau khi gặp phải những thất bại trong học tập - Nguồn ảnh: Halogen
Tan Wei Yarn (trái) đã tìm đến Mentoring SG sau khi gặp phải những thất bại trong học tập - Nguồn ảnh: Halogen

Lý do của anh không phải là điều gì khác biệt trong số những người bạn cùng trang lứa. Anh muốn củng cố đơn xin học đại học của mình và giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Nhưng Irsyad không biết rằng anh cũng cần nghỉ ngơi.

“Tôi cảm thấy thực sự trống rỗng trong khoảng thời gian đó, tôi khóc hầu như mỗi đêm vì quá kiệt sức. Nhưng tôi tự nhủ “Tôi cần làm điều này. Tôi phải tiếp tục” - anh nói trong một cuộc phỏng vấn.

Trường hợp của Irsyad không phải là duy nhất. Các bậc cha mẹ, người cố vấn và chính những người trẻ đã chia sẻ rằng thanh thiếu niên ngày nay đang phải chịu áp lực rất lớn để tích lũy kinh nghiệm chuyên môn và đạt được một mức độ độc lập về tài chính trước khi tham gia lực lượng lao động.

Xây dựng mạng lưới hỗ trợ

Theo các cuộc thăm dò ý kiến do Hội đồng Thanh niên quốc gia (NYC) tiến hành từ năm 2021 đến 2023, trên thực tế, kiệt sức vì học tập, công việc và lo lắng về tài chính là một trong những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên.

Trước những thách thức này, NYC đã áp dụng phương pháp tiếp cận toàn xã hội để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên. NYC cũng đang xây dựng mạng lưới và quan hệ đối tác với các bên liên quan trong lĩnh vực thanh thiếu niên.

Irsyad đã chọn không tâm sự với bạn bè vì biết họ cũng đang đối mặt với những khó khăn tương tự. Anh lo lắng việc trút bỏ cảm xúc của mình có thể làm giảm bầu không khí thoải mái trong những buổi tụ họp bình thường.

Anh cũng ngần ngại chia sẻ với cha mẹ vì nghĩ rằng họ sẽ không hiểu được những gì anh đang trải qua. “Cha mẹ tôi hỏi “Tại sao con lại làm thế với chính mình? Tại sao con không thể dừng lại?”. Việc họ nghĩ rằng tôi đang tự hành hạ mình một cách không cần thiết khiến tôi cảm thấy không được công nhận” - Irsyad chia sẻ. Lời nói của cha mẹ dù có ý tốt nhưng lại bộc lộ khoảng cách thế hệ xuất phát từ những trải nghiệm sống khác nhau.

Tìm kiếm những kết nối ý nghĩa

Irsyad đã tìm đến dự án Re:ground - một nhóm hỗ trợ sức khỏe thuộc Mạng lưới sức khỏe tâm thần SG - do Đoàn Thanh niên Singapore (một bộ phận của NYC) điều hành.

Dự án Re:ground là một trong nhiều sáng kiến biến The Red Box thành trung tâm gắn kết cộng đồng sôi động dành cho thanh thiếu niên - Nguồn ảnh: SPH Media
Dự án Re:ground là một trong nhiều sáng kiến biến The Red Box thành trung tâm gắn kết cộng đồng sôi động dành cho thanh thiếu niên - Nguồn ảnh: SPH Media

Anh đã có mặt tại một buổi họp đêm gần đây theo chủ đề Resilience with GRO! Cards, hợp tác với Growthbeans, cùng 20 người trẻ khác tìm kiếm những kết nối có ý nghĩa và sự thư giãn trong cuộc sống thường ngày. “Tôi muốn tìm những cách mới để tự hỗ trợ bản thân vì tôi đã bỏ bê bản thân trong nhiều tháng nay” - anh nói.

Khi bước vào The Red Box ở Somerset, Irsyad mong đợi một buổi hội thảo, tương tự như các sự kiện sức khỏe tâm thần anh từng tham dự. Thay vào đó, anh ngạc nhiên khi thấy một nơi giống như một quán cà phê trò chơi cờ bàn hơn, với những người lạ tụ tập thành từng nhóm nhỏ, say mê với các bộ bài. “Đây là loại trò chơi dành cho các gia đình và tôi được giao lưu, kết bạn với những người bạn mới. Thật tuyệt khi tụ tập và trò chuyện trong một môi trường ấm cúng” - anh nói.

Bằng cách kết hợp các yếu tố trò chơi hóa (sử dụng nhiều bối cảnh trò chơi và các yếu tố thiết kế trò chơi khác nhau để tạo ra trải nghiệm nhập vai và tương tác cho người dùng), khu vực này đã biến đổi thành nơi các nhà xã hội học gọi là không gian thứ ba - một bối cảnh thoải mái nơi thanh thiếu niên tham gia các cuộc trò chuyện thân mật và suy ngẫm về hạnh phúc.

Sau 3 vòng chơi, mỗi vòng kéo dài 30 phút, anh Irsyad ra về với sự trân trọng sâu sắc hơn về các mối quan hệ cá nhân - một bài học quan trọng khi anh chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang môi trường nghĩa vụ quân sự.

Giúp thanh thiếu niên được lắng nghe

Re:ground @ Dungeon ra mắt vào tháng 9/2021, là một phần của dự án Re:ground, cho phép thanh thiếu niên tự chịu trách nhiệm về các vấn đề như sức khỏe tinh thần, phát triển các giải pháp lấy thanh thiếu niên làm trung tâm và huy động những người khác thông qua các chương trình hỗ trợ ngang hàng.

Re:ground @ Dungeon tạo ra một không gian dành riêng cho việc tự chăm sóc bản thân, với những nhà lãnh đạo trẻ và tình nguyện viên điều hành các chương trình. Hơn 1.600 thanh thiếu niên từ nhiều hoàn cảnh khác nhau đã đến với Re:ground @ Dungeon trong 3 năm qua.

Re:ground @ Dungeon cũng tạo ra một không gian an toàn tại The Red Box vào mỗi tối thứ Năm, mang đến cho thanh thiếu niên một nơi nghỉ ngơi tránh xa đám đông ồn ào.

Glyn Goo (trái) và Irsyad trong một cuộc nói chuyện về những vấn đề anh đang đối mặt trong cuộc sống - Nguồn ảnh: SPH Media
Glyn Goo (trái) và Irsyad trong một cuộc nói chuyện về những vấn đề anh đang đối mặt trong cuộc sống - Nguồn ảnh: SPH Media

Một số thanh thiếu niên thích thư giãn một mình, trong khi những người khác nói chuyện với những người hỗ trợ ngang hàng trong cộng đồng như Glyn Goo. Glyn Goo - 29 tuổi, 1 trong 60 tình nguyện viên - xem mình là cầu nối giữa thanh thiếu niên và các chuyên gia sức khỏe tâm thần. “Những người trẻ có thể không thoải mái bởi việc gặp một nhà tâm lý vì họ sợ bị phán xét. Với tư cách là người hỗ trợ ngang hàng, tôi ở đây như một “người bạn” để giúp họ cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp cận và nói chuyện với chúng tôi” - chị chia sẻ.

Goo từng đi làm toàn thời gian và hiện đang cân bằng giữa việc học và công việc bán thời gian, vì vậy chị hiểu được những áp lực giới trẻ ngày nay phải đối mặt. “Vì đồng cảm, tôi có thể tìm cách hỗ trợ họ, như chia sẻ về kỹ năng quản lý thời gian. Quan trọng nhất là họ biết rằng họ không đơn độc trên hành trình của mình” - chị nói.

Theo chị, mạng xã hội thường thổi phồng những tác nhân gây căng thẳng bằng cách khuyến khích sự so sánh xã hội liên tục dù đó là về thành tích học tập, cột mốc sự nghiệp hay ngoại hình… Một số thanh thiếu niên cũng có thể đối mặt với nạn bắt nạt và quấy rối trên các nền tảng này.

Goo mong muốn các sáng kiến như dự án Re:ground và những chương trình hỗ trợ ngang hàng có thể giúp thanh thiếu niên được lắng nghe. Chị cho biết: “Những người trẻ thường tìm kiếm sự hiểu biết chứ không phải lời khuyên trực tiếp. Tôi cảm thấy rằng họ muốn được lắng nghe và được nhìn nhận. Vì thế, tôi hy vọng bằng cách tạo ra một không gian an toàn để người trẻ tự do thể hiện bản thân có thể hỗ trợ tốt hơn cho sức khỏe cảm xúc của họ”.

Không được bỏ cuộc

Cách đây 4 năm, anh Tan Wei Yarn vô cùng suy sụp khi nhận được kết quả thi A-level. Lấy cảm hứng từ bài đăng trên mạng xã hội của ông Alvin Tan - Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore - về những trải nghiệm thất bại, anh đã liên lạc với ông.

“Bộ trưởng đã động viên tôi không được bỏ cuộc. Ông ấy cũng khuyên tôi nuôi dưỡng sự tò mò và tư duy phát triển, tôi rất biết ơn vì điều đó” - anh Tan - hiện đang thực tập tại TikTok - nhớ lại.

Sau đó, anh Tan tìm đến Mentoring SG - một sáng kiến của Forward SG được NYC hỗ trợ nhằm giúp thanh thiếu niên dễ tiếp cận với dịch vụ cố vấn và hỗ trợ chuyển đổi từ môi trường học đường sang môi trường công sở. Những người cố vấn đã giúp anh chỉnh sửa sơ yếu lý lịch và giới thiệu anh đi thực tập, giúp chàng trai 22 tuổi này bước chân vào ngành công nghệ.

“Khi tôi suy sụp trước người cố vấn của mình, cô ấy nói rằng cô luôn tự hào về tôi bất kể tôi có thành công hay không. Những lời khích lệ của cô ấy đã mang lại cho tôi rất nhiều sự an ủi” - anh nói.


Hà Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI