Để người miền Tây bớt lo chạy lở

13/07/2024 - 06:26

PNO - Sạt lở bờ sông, bờ biển ở miền Tây Nam Bộ ngày càng nghiêm trọng, cuốn trôi hàng trăm héc ta đất mỗi năm, tương đương diện tích 1 xã. Người dân có nhà ven sông, ven biển luôn thấp thỏm, bất an, một số phải lo chạy lở.

Sạt lở, sụt lún đất là do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, do sự thiếu hụt phù sa và cát sỏi lòng sông mà tác nhân là các đập thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông. Góp thêm vào tác động tiêu cực đó là sự yếu kém trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất và nước.

Hiện trường vụ sạt lở ở Cà Mau ngày 9/7
Hiện trường vụ sạt lở ở Cà Mau ngày 9/7

Trong khi lượng phù sa dòng Mê Kông nghẽn mạch, vẫn xảy ra tình trạng khai thác cát tràn lan, xây đê bao chặn dòng trao đổi dinh dưỡng giữa sông và các cánh đồng. Các túi chứa nước tự nhiên như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên bị phá vỡ. Rừng tự nhiên - nhất là rừng ngập mặn ven biển - bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nghiêm trọng.

Khi sạt lở diễn ra trên diện rộng, làm mất cân bằng sinh thái, rất cần sự tiếp cận có hệ thống, sự phối hợp giải quyết chứ không nên xử lý riêng ở từng điểm sạt lở hay trong ranh giới hành chính một tỉnh, một huyện.

Theo đó, cần các giải pháp ứng phó trước mắt nằm trong giải pháp tổng thể lâu dài. Cần một “bản đồ tư duy” ứng phó sạt lở trước khi vẽ ra bản đồ sạt lở. Cần nhìn nhận rằng, một công trình ứng phó có thể tiêu tốn nhiều tiền và có thể gây lãng phí nếu không được tiếp cận bằng tư duy hệ thống. Trên cơ sở đó, cần huy động các nguồn lực phù hợp nhằm hoàn chỉnh các hệ thống quy chuẩn chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Rất cần các giải pháp công nghệ và công trình để ứng phó sạt lở, nhưng cũng không thể thiếu các giải pháp phi công trình. Cùng với việc triển khai quy hoạch tích hợp vùng, các quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần có những điều chỉnh hợp lý về giao thông, thủy lợi để đảm bảo sự an toàn về nhà ở cho người dân và các công trình xây dựng.

Cần có cuộc tổng điều tra, khảo sát, đánh giá khoa học tình hình, nguyên nhân chủ yếu của sạt lở để có giải pháp, lộ trình, cách giải quyết phù hợp nhằm huy động các nguồn lực đầu tư. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản xuất đều phải đặt trong bối cảnh tổng thể, phải tính đến những mục tiêu ứng phó dài hạn nhưng cũng không quên những mục tiêu trước mắt là người dân phải sống, con em phải đi học trong sự an toàn.

Đồng bằng sông Cửu Long có hạ tầng yếu kém, cần được nâng cấp càng sớm càng tốt, nên khó tránh khỏi việc khai thác cát phục vụ xây dựng. Vấn đề là ngoài các khu vực được cấp phép khai thác, rất nhiều địa phương không quản lý, ngăn chặn được tình trạng khai thác trái phép. Lợi ích chảy vào túi các doanh nghiệp bất chính, trong khi cộng đồng phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Là quốc gia ở hạ nguồn sông Mê Kông, Việt Nam đang chịu những tác động rõ ràng nhất, nhưng các quốc gia trên lưu vực sông sớm muộn cũng sẽ gặp tình trạng tương tự nếu không chung tay phối hợp xử lý tốt vấn đề nước xuyên biên giới. Việt Nam nên thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vai trò thành viên của Ủy hội Sông Mê Kông. Đây là tổ chức có chức năng xây dựng các khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông.

Bao giờ dân miền Tây hết lo chạy lở? Câu trả lời phụ thuộc vào cách tiếp cận hệ thống, chủ động ứng phó, xử lý những nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở bằng những cơ chế phối hợp hiệu quả trong việc giải quyết những thách thức mang tính hệ thống, hơn là “mạnh ai nấy làm”.

Hiệp Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI