Tính đến cuối năm 2022 có hơn 200.000 người lao động bị mất quyền lợi khi 30.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ 3.500 tỷ đồng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Theo quy định hiện hành người sử dụng lao động sẽ phải đóng cho cơ quan BHXH 21,5% tiền lương trả cho người lao động từ chi phí của doanh nghiệp và phải trích đóng 10,5% từ tiền lương của người lao động. Tổng cộng 32% tiền lương này để BHXH trích nộp vào các quỹ hưu trí, quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với người lao động. Tiền từ các quỹ này sẽ được sử dụng để chi trả cho người lao động (đã đóng đủ) theo đúng chế độ quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản triển khai dưới luật này.
Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy tính đến cuối năm 2022 tổng số nợ BHXH, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp hơn 22.000 tỷ đồng. Đặc biệt, khoảng 3.500 tỷ đồng nợ BHXH của hơn 30.000 đơn vị, doanh nghiệp phá sản giải thể hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn, khó hoặc không có khả năng thu hồi, ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 200.000 người lao động.
Thực tế khi ký kết hợp đồng lao động nhiều người lao động không biết nhiều về các khoản trích nộp này. Họ chỉ biết lương thực lãnh, có thẻ bảo hiểm y tế. Và người biết người không, họ sẽ có tiền bảo hiểm thất nghiệp nếu chẳng may nghỉ việc, có lương hưu khi đủ tuổi về hưu. Nhiều người bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng lao động mới tá hỏa nhận ra họ không hề được hưởng các chế độ bảo hiểm do doanh nghiệp nợ tiền đóng bảo hiểm cho họ.
Vấn đề đặt ra là sẽ phải xử lý các vụ việc không đóng BHXH như thế nào để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Và có biện pháp nào để người lao động không bị quỵt tiền BHXH trong tương lai.
Ngoài việc do các chuyên gia đề xuất là sửa Luật BHXH để nâng chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, có lẽ cần thiết phải có cơ chế để người lao động sớm biết tình hình đóng BHXH của mình (do đơn vị, doanh nghiệp thực hiện) để họ kịp thời đấu tranh với người sử dụng lao động hoặc phản ánh ngay đến cơ quan luật pháp nhằm ngăn chặn các các đơn vị, doanh nghiệp có hành vi “ăn quỵt” không đóng BHXH rồi bỏ trốn, hoặc phá sản, giải thể không có khả năng thu hồi tiền nợ BHXH.
Việc đó xem ra các cơ quan BHXH cũng không khó để thực hiện. Nó tương tự như tin báo thay đổi số dư của các ngân hàng mà thôi. Nhiều tháng không nhận tin báo đã được đóng BHXH, người lao động sẽ cảnh giác, báo cáo với cơ quan chuyên môn để họ kịp thời theo dõi chấn chỉnh.
Tiền đóng BHXH dù ai đóng thực chất cũng là quyền lợi chính đáng của người lao động khi họ đã làm việc cho người sử dụng lao động. Không đóng BHXH cho người lao động, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động chẳng những đã vi phạm pháp luật mà đã có hành vi vô đạo đức chiếm đoạt quyền lợi của những người đã bỏ công sức phục vụ cho công việc sản xuất kinh doanh của mình.
Nguyễn Thu Đăng