Để người khuyết tật có nghề mà không thất nghiệp

30/06/2023 - 05:59

PNO - TPHCM là địa phương có số người khuyết tật rất lớn với gần 64.500 người và cũng có nhiều trung tâm dạy nghề - giới thiệu việc làm cho đối tượng này. Thế nhưng, bài toán việc làm cho người khuyết tật, đặc biệt là phụ nữ, chưa bao giờ là dễ dàng.

Học nghề xong không dám xin việc
Năm 2001, sau khi tham gia một hội thảo việc làm cho người khuyết tật tại Hà Nội, chị Trần Hoàng Yến (40 tuổi, quê Kiên Giang), bị khuyết tật chân, đã cùng 3 người bạn khuyết tật thành lập cơ sở may Hoàng Tâm với mục đích hướng đến giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Khi doanh nghiệp phát triển, chị đầu tư thêm nhiều máy may, gồm cả máy cơ và máy điện tử, để giúp người khiếm khuyết dễ dàng sử dụng. Nhưng những nhân sự do các trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật giới thiệu đến có rất ít người sử dụng được những loại máy may tân tiến này. 

Bà Võ Ngọc Liên - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hy Vọng - cho rằng, cần thành lập sàn thương mại điện tử cho các mặt hàng của người khuyết tật
Bà Võ Ngọc Liên - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hy Vọng - cho rằng, cần thành lập sàn thương mại điện tử cho các mặt hàng của người khuyết tật

“Lần đầu tiên dùng máy điện tử, các bạn đã làm đứt chỉ nên mất tự tin và không dám thử lại nữa. Nhiều bạn chỉ biết may đường thẳng hoặc may trên vải kate. Dường như các trung tâm chỉ đào tạo dựa trên những trang thiết bị có sẵn chứ không dựa trên nhu cầu thị trường và sự phát triển của các thiết bị hiện đại” - chị Yến trăn trở. 

Hiện nay, hoạt động dạy nghề, tư vấn học nghề cho người khuyết tật được thực hiện chủ yếu ở Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố (Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố), Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Người mù và Trung tâm Bảo trợ xã hội ngoài công lập. Trong năm 2022, các tổ chức đã dạy nghề cho hơn 333 người, giới thiệu việc làm cho 435 người khuyết tật và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó 72 lượt doanh nghiệp tuyển 423 lao động là người khuyết tật. Ngoài ra, Hội LHPN TPHCM cũng đã ưu tiên hỗ trợ học nghề cho 200 phụ nữ khuyết tật, hỗ trợ vốn tự tạo việc làm và giới thiệu việc làm cho 241 chị em. 

Theo chị Lê Thị Bích Loan - giảng viên ngành graphic & digital design, Ủy viên Ban chấp hành Hội Người khuyết tật và trẻ em mồ côi TPHCM - số lượng các bạn khuyết tật không tìm được việc làm sau khi hoàn thành khóa học vẫn còn nhiều. Phương thức đào tạo truyền thống chưa có lộ trình và tiêu chí rõ ràng, khan hiếm đội ngũ giáo viên có trình độ và tâm huyết, thiếu trang thiết bị hiện đại, thói quen được bao bọc và thụ động của học viên… là những lý do chính dẫn đến việc các em không tự tin để làm việc và hòa nhập cộng đồng. “Nhiều em nhắn tin cho tôi bảo đã học xong nhưng không biết làm gì. Tôi giới thiệu việc làm cho các em, doanh nghiệp cũng sẵn lòng, nhưng khi phỏng vấn thì các em lại rụt rè, thiếu tự tin. Thậm chí khi tôi cho thông tin liên hệ, nhiều em vẫn không chủ động tìm đến doanh nghiệp” - chị Loan thuật lại. 

Chị Loan dẫn ra một thực tế: cách đây 5 năm, chị đã thực hiện một nghiên cứu về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người khuyết tật. Khi tiến hành khảo sát, có 95% doanh nghiệp sẵn sàng mua hàng hóa của người khuyết tật, thậm chí mua với giá cao hơn nhưng với yêu cầu là chất lượng sản phẩm phải tương đương với các sản phẩm khác trên thị trường. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy có khoảng 36% doanh nghiệp chưa hài lòng với các sản phẩm này và không muốn ủng hộ thêm. 

Dạy nghề cho người khuyết tật: cần gần gũi và phù hợp

Từ những năm 2000, các sản phẩm như tạp dề, miếng nhắc nồi, yếm ăn… của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hy Vọng với toàn bộ nhân công là người khuyết tật đã được bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Mega Market, Lotte Mart. Bà Võ Ngọc Liên - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hy Vọng - cho biết, ban đầu, sản phẩm được lên sàn với dòng quảng cáo “Sản phẩm do người khuyết tật làm ra” nhưng số lượng người mua rất ít, phần lớn họ nhìn ái ngại. Ngay khi nhận thức được vấn đề, bà đã đề nghị tháo biển quảng cáo, chỉ giữ lại dòng chữ nhỏ trên mác áo. Kết quả là doanh số bán ra tăng nhanh, nhiều siêu thị chủ động tìm đến để ký hợp đồng. Rõ ràng, chất lượng sản phẩm không hề kém cạnh với những sản phẩm thông thường. “Tôi luôn dặn công nhân của mình rằng, sản phẩm làm ra là để người tiêu dùng dùng được, chứ không phải để đổi lấy tình thương của cộng đồng, xã hội. Chỉ như vậy thì mới có thể đi lâu dài” - bà Liên khẳng định. 

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hy Vọng của bà Võ Ngọc Liên đang có nhiều người khuyết tật làm việc
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hy Vọng của bà Võ Ngọc Liên đang có nhiều người khuyết tật làm việc

Giữa thời buổi kinh tế còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bà Võ Ngọc Liên mong muốn các cơ quan, ban ngành tạo

Hoạt động trợ giúp người khuyết tật vẫn còn nhiều thách thức

Tại hội thảo “Hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn TPHCM” do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM tổ chức ngày 20/6, ông Lê Bá Hoàng - Phó phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho biết, việc trợ giúp, hoạt động dạy nghề - tạo việc làm cho người khuyết tật luôn được các sở, ban ngành quan tâm nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều thách thức. Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có gần 64.500 người khuyết tật, trong đó có gần 60.000 người đã xác định được mức độ khuyết tật.  

lập một sàn giao dịch điện tử để giới thiệu những sản phẩm của người khuyết tật đến với khách hàng ở trong và ngoài nước. Chị Trần Hoàng Yến - người 2 lần đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử thất bại - tán đồng với ý kiến của bà Ngọc Liên: “Sản phẩm làm ra rất chất lượng nhưng lại không đến được với người cần, bởi hiện tại nhiều người đua theo giá rẻ, mà giá rẻ thì chúng tôi rất khó tồn tại”.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi - người sáng lập Doanh nghiệp xã hội dự án Cửa hàng Hy Vọng - cho rằng, một số chương trình đào tạo hiện còn thiếu tính định hướng để người khuyết tật có thể phát triển và làm nghề lâu dài thay cho những công việc chân tay ngắn hạn, không mang lại thu nhập bền vững. Ông Khởi đề xuất hoạt động dạy nghề cần được thiết kế gần gũi, phù hợp với khả năng của người khuyết tật và nhu cầu của thị trường lao động; đồng thời, cần đẩy mạnh việc kết nối, hỗ trợ tài chính để khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng họ vào làm.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi cho biết thêm, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam triển khai dự án Cửa hàng Hy Vọng hopestore.vn theo mô hình thương mại điện tử. “Dự án không chỉ cung cấp các vật phẩm, hàng hóa, quà tặng do người khuyết tật làm ra, mà còn tạo cho họ cơ hội được phát triển tay nghề, phát triển đam mê để tìm ra thu nhập ổn định cuộc sống. Thông qua sàn thương mại điện tử này, chúng ta dễ dàng kết nối, lan tỏa những sản phẩm do người khuyết tật làm ra ở cả trong nước và quốc tế, tạo nên thương hiệu cho chính họ” - ông Khởi hào hứng chia sẻ. Ngoài ra, dự án cũng giúp tiết kiệm chi phí đi lại, tránh những cản trở về giao thông và có giờ làm việc linh hoạt cho người tham gia. 

Chị Lê Thị Bích Loan cho rằng, các trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật cần chuẩn hóa chương trình đào tạo, tăng cường đội ngũ giáo viên, đầu tư trang thiết bị hiện đại và xây dựng xưởng thực hành tại chỗ để đảm bảo các em được học tập chuyên sâu, tạo ra những sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần xây dựng các khóa học về các kỹ năng như giao tiếp, kiểm soát cảm xúc, tìm kiếm thông tin qua internet… để các bạn tự tin hơn. 

Trang Thư

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI