Để người già không bị bỏ lại phía sau

06/11/2023 - 06:15

PNO - Khi kết cấu xã hội thay đổi và đời sống ngày càng gắn liền với công nghệ, nhiều người già có thể cảm thấy bị bỏ rơi, từ đó sinh ra bệnh hoặc thậm chí là lòng đố kỵ.

Lạc lõng giữa cuộc sống hiện đại

Ngày 31/10, tại Nhật Bản, cụ ông Tsuneo Suzuki (86 tuổi) bất ngờ bắt 2 phụ nữ làm con tin suốt 8 giờ bên trong một bưu điện ở ngoại ô Tokyo. Trước đó, ông đã tự đốt nhà và bắn súng vào bệnh viện khiến 2 người bị thương.

Theo truyền thông địa phương, nguyên nhân khiến ông Suzuki thực hiện vụ xả súng, bắt con tin là do ông có ác cảm với dịch vụ bưu chính sau một vụ tai nạn giao thông và ông cũng “vô cùng thất vọng” về cách làm việc của một bác sĩ tại bệnh viện. Hành động của ông Suzuki khiến người dân Nhật Bản cảm thấy sốc. Hàng xóm mô tả ông là người dễ mến, sống một mình.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tỉ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) ở xứ sở mặt trời mọc đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023, chiếm 29,1% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên chiếm hơn 10% dân số và ngày càng nhiều người sống một mình, mất liên lạc với người thân. Bên cạnh đó, mạng lưới an sinh xã hội của Nhật Bản không theo kịp những thay đổi sâu rộng về văn hóa và kinh tế trong những thập niên gần đây. Kết quả là gánh nặng chăm sóc người già vẫn đè nặng lên gia đình hoặc chính bản thân họ.

Tại Anh, loạt bài viết trên trang Mirror cho thấy những người không am hiểu về công nghệ, phần lớn trên 70 tuổi, gặp khó khăn khi thực hiện các công việc như trả tiền đậu xe, đặt bàn, đăng ký các dịch vụ công cộng quan trọng.

Malcolm Ball - Chủ tịch Nhóm hành động vì người cao tuổi ở hạt West Yorkshire - cho biết: “Cuộc khảo sát gần đây của chúng tôi chỉ ra rằng, nhiều người lớn tuổi đang cảm thấy cuộc sống trở nên ngột ngạt và đôi khi họ lạc lối giữa những công nghệ. Hầu hết mọi dịch vụ giờ đây đều trực tuyến, trên ứng dụng hoặc trên email.

Cùng với việc ngân hàng đóng cửa nhiều chi nhánh, rất nhiều người thậm chí còn không thể tiếp cận tiền tiết kiệm của mình. Tôi nhận được cuộc gọi từ nhiều người cao tuổi, họ rất buồn và đôi khi bật khóc vì không thể đặt lịch hẹn với bác sĩ. Chúng tôi cần hỗ trợ về tài chính và chuyên môn để giúp đỡ những người lớn tuổi đang tuyệt vọng do không thể thích nghi với cuộc sống thời hiện đại”.

Những bữa ăn kết nối

Tại thị trấn Goffstown, bang New Hampshire (Mỹ), một nhóm bạn và hàng xóm trên 60 tuổi gặp nhau trong bữa ăn hằng tuần, với thực đơn đặc biệt gồm các món ăn bổ dưỡng do các chương trình xã hội chi trả. Trong khi thưởng thức xúp bí đỏ, bánh mì, yến mạch và trứng, họ trò chuyện về gia đình, tin tức trong ngày. Những bữa ăn như vậy được duy trì bằng kinh phí từ chính phủ.

 

Nhũng người cao tuổi dùng bữa sáng trong chương trình Bữa ăn trên bánh xe Mỹ, tại White Birch Cafe, bang New Hampshire - Nguồn ảnh: AP
Nhũng người cao tuổi dùng bữa sáng trong chương trình Bữa ăn trên bánh xe Mỹ, tại White Birch Cafe, bang New Hampshire - Nguồn ảnh: AP

Các nhà hàng được lựa chọn là nhà hàng đang gặp khó khăn. Họ được yêu cầu cung cấp bữa ăn bổ dưỡng cho người cao tuổi với nhiều lựa chọn, thời gian linh hoạt, tạo môi trường thân tình, cởi mở giúp thực khách trò chuyện, giảm bớt sự cô đơn.

Jon Eriquezzo - Chủ tịch Tổ chức Bữa ăn trên bánh xe tại quận Hillsborough, New Hampshire - cho biết: “Sự cô độc là một đại dịch mới. Chúng tôi có thể gõ cửa từng nhà và cung cấp thức ăn cho người cao tuổi. Tuy nhiên, lựa chọn tốt nhất vẫn là để mọi người tụ họp cùng nhau và thưởng thức bữa ăn trong bầu không khí thân thiện”.

Một số chương trình bữa ăn chung hướng đến người cao tuổi ở nông thôn hoặc đối tượng thuộc cộng đồng thiểu số. Một số khác mang lại lợi ích cho những người bị hạn chế trong việc tiếp cận phương tiện giao thông. Theo thông tin do Tổ chức Bữa ăn trên bánh xe Mỹ tổng hợp, có khoảng 12.000 người Mỹ bước sang tuổi 60 mỗi ngày, 1/2 số người cao tuổi sống một mình thiếu thu nhập để chi trả cho các nhu cầu cơ bản. 

Bà Debbie LaBarre (67 tuổi) luôn mong chờ buổi tụ tập hằng tuần với bạn bè. Điều quan trọng nhất đối với bà LaBarre ngoài bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng chính là cơ hội tương tác cùng những người khác. Nghỉ hưu sau nhiều năm làm quản lý văn phòng kinh doanh, bà lo lắng về bệnh Alzheimer.

Bà LaBarre chia sẻ: “Mẹ tôi mắc bệnh suy giảm trí nhớ và bà ấy luôn ở trong nhà. Tôi sợ mình cũng sẽ giống bà ấy, vì vậy tôi muốn trở nên gắn kết hết mức có thể với mọi người xung quanh”. 

Ngọc Hạ (theo AP, Mirror, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI