Để người dân thích đi metro mỗi ngày

08/02/2025 - 06:16

PNO - Việc cải thiện chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa hệ thống luồng, tuyến xe buýt là yêu cầu bắt buộc kể cả khi đã hình thành mạng lưới metro (gồm nhiều tuyến).

Sau 17 năm chờ đợi, tàu điện trên tuyến metro số 1 đã lăn bánh, mang lại tín hiệu tích cực cho giao thông công cộng của TPHCM. Lần đầu tiên, người dân được trải nghiệm những chuyến tàu hiện đại, tốc độ cao, chạy đúng giờ, êm ái, an toàn và thân thiện môi trường, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển, giảm căng thẳng khi tham gia giao thông, từ đó cải thiện chất lượng sống và tăng năng suất làm việc.

Với khả năng vận chuyển cả ngàn khách mỗi chuyến, tuyến metro được kỳ vọng tạo cú hích để người dân quan tâm hơn đến phương tiện giao thông công cộng, giảm số lượng xe cá nhân trên đường, từ đó giảm kẹt xe. Chỉ sau 8 ngày vận hành, tuyến metro số 1 đã đạt mốc 1 triệu lượt khách.

Sự “ăn khách” của metro trong thời gian đầu là điều dễ dự đoán bởi quá đông người tò mò, háo hức trải nghiệm metro, đồng thời việc đi metro lại còn được miễn phí trong 1 tháng. Vấn đề cần đặt ra là làm sao để metro duy trì được sự đông khách trong dài hạn, tức có đông người chọn metro làm phương tiện đi lại hằng ngày.

Sau 17 năm chờ đợi, tàu điện trên tuyến metro số 1 đã lăn bánh
Sau 17 năm chờ đợi, tàu điện trên tuyến metro số 1 đã lăn bánh

Muốn đạt được điều này, đòi hỏi cơ quan chức năng, đơn vị vận hành phải không ngừng nâng cao tiện ích và chất lượng dịch vụ, xây dựng chính sách khuyến mãi, tích hợp thanh toán thông minh, liên kết hiệu quả với các dịch vụ công cộng khác. Cần thiết lập kênh tiếp nhận phản hồi từ hành khách để kịp thời khắc phục bất cập, cải thiện chất lượng.

Hiện nay, ngành giao thông đã đưa vào sử dụng 61 tuyến xe buýt kết nối trực tiếp từ các khu dân cư, bến xe, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, trường đại học đến các ga metro và ngược lại. Ngoài ra, còn có 45 trạm xe đạp, xe đạp điện công cộng quanh các nhà ga ngầm metro ở quận 1.

Thời gian tới, ngành quản lý giao thông cần tăng cường khảo sát nhu cầu để tổ chức kết nối các phương tiện công cộng đến và đi nhà ga metro đồng bộ, thuận tiện hơn nữa. Các tuyến đường dẫn đến nhà ga phải thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ tiếp cận metro.

Với các khu vực có bán kính trên 500m, cần tổ chức trung chuyển bằng xe đạp, xe máy, xe buýt, xe buýt mini để kết nối hành khách với các ga metro. Cần tăng cường các bãi giữ xe giá rẻ hoặc miễn phí tại các nhà ga để tạo sự thuận lợi cho người chạy xe cá nhân đến ga để đi metro.

Việc cải thiện chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa hệ thống luồng, tuyến xe buýt là yêu cầu bắt buộc kể cả khi đã hình thành mạng lưới metro (gồm nhiều tuyến).

Chính quyền thành phố cũng cần sớm xây dựng chính sách trợ giá cho tuyến metro số 1 cũng như các tuyến metro sau này; tính toán chi phí bảo dưỡng, sửa chữa từ các nguồn ngân sách và nguồn thu từ mô hình TOD xung quanh các ga metro; đào tạo nhân sự làm chủ hoàn toàn công nghệ quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa metro.

Song song đó, cần tập trung thu hút nguồn lực hơn 40 tỉ USD để hoàn thành 7 tuyến metro dài 355km vào năm 2035 theo đề án mới nhất.

Điểm mấu chốt để người dân lựa chọn metro làm phương tiện đi lại lâu dài nằm ở chỗ nó có thuận tiện và kinh tế hay không. Bởi vậy, tuyến metro số 1 không thể chỉ vận hành độc lập mà còn phải kết nối chặt chẽ với các phương tiện khác như xe buýt, xe đạp, buýt đường sông và hệ thống metro trong tương lai, tạo thành mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ, thuận tiện, mật độ phủ sóng cao, nhanh chóng và hiện đại.

Tuyến metro đầu tiên này không thể giải quyết hoàn toàn tình trạng kẹt xe của TPHCM nhưng là bước khởi đầu tích cực, là cú hích để “kéo” người dân đi xe công cộng và “đẩy” họ khỏi phương tiện cá nhân, từ đó thực hiện mục tiêu giảm kẹt xe, phát triển đô thị bền vững.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI