|
Người cao tuổi rất cần được con cháu quan tâm chăm sóc, đặc biệt là dịp lễ, tết - ẢNH: P.A. (chụp tại Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học y dược TPHCM) |
Càng gần tết, càng cáu gắt
Ngồi trước cửa nhà, bà P.T.D. - 74 tuổi, ở tỉnh An Giang - vừa nhổ cỏ vừa liên tục “kể tội” chị Nguyễn Hoài Thu - 48 tuổi, con dâu của bà. Nào là quét nhà không sạch, nấu ăn không ngon, rồi nhổ cỏ cũng không biết… Chị Thu chỉ cười buồn: “Có lẽ tuần trước, mẹ nghe con gái tôi nói tết năm nay sẽ về nhà trễ”.
Bà D. rất thương con cháu, mọi năm luôn cùng con dâu chuẩn bị các món ăn mấy đứa nhỏ yêu thích. Năm nay, 1 đứa cháu đi TPHCM học đại học, đứa khác lấy chồng về tỉnh xa và đều hẹn sau mùng Hai mới về ăn tết.
Chị Thu chia sẻ: “Mẹ chồng tôi rất xem trọng bữa cơm 30 tết, gia đình tụ họp. Mùng Một, mẹ luôn mặc quần áo đẹp, chuẩn bị bao lì xì chờ con cháu đến chúc tết. Vì vậy, năm nay mẹ cáu gắt, hờn dỗi, nhưng tôi hiểu nên nhẫn nhịn, cố gắng chăm sóc bà nhiều hơn”.
Cả tuần nay, bà T.T.H.K. - 83 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM - cứ khẳng định mình không có bệnh rồi bỏ việc uống thuốc huyết áp, tiểu đường thường lệ. Bà khó ngủ, cứ đi ra đi vào dọn dẹp nhà cửa. Con cái khuyên nhủ thì bà bực tức chửi bới. Chị Trần Minh Hồng - con gái bà K. - kể: “Tôi và anh trai càng khuyên nhủ, mẹ càng bực tức hơn. Cả nhà không ai dám làm trái ý mẹ”.
Đến khi bà K. cảm thấy mệt mỏi, than tức ngực, gia đình đưa vào Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cấp cứu, cả nhà mới biết bà khó ở như vậy vì đang mắc chứng rối loạn lo âu, sợ mình không còn quan trọng với con cháu. Sau khi được giúp kiểm soát huyết áp, tiểu đường, bác sĩ tâm lý cũng giúp bà ổn định tinh thần, yên tâm về nhà vui tết.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Minh Ngọc (Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học y dược TPHCM) cho biết, vào các dịp lễ, tết, đa số người cao tuổi thường có cảm giác mâu thuẫn với bản thân, nhạy cảm, dễ tổn thương vì cảm thấy mình dần mất đi vị trí quan trọng trong gia đình.
Có cụ biểu hiện bằng sự giận dữ, liên tục trách móc con cái để gây sự chú ý. Nếu để ý, người thân trong gia đình rất dễ nhận ra lời nói, hành động của các cụ không đi đôi với nhau. Ví dụ, các cụ nói không thích, không cần, ai về vui tết được thì về, không về cũng không sao, nhưng trong lòng thì luôn lưu tâm, trông ngóng tin tức mỗi khi con cháu liên lạc về nhà.
“Chỉ khi người chăm sóc hiểu được tâm tư này thì mới có thể an ủi, xoa dịu cảm xúc cho các cụ. Khi họ được quan tâm, lắng nghe và cảm thấy mình vẫn là người quan trọng trong gia đình thì tâm trạng sẽ tốt hơn. Ngược lại, ông bà sẽ có thái độ, hành động nặng nề hơn để khẳng định vị trí của mình trong gia đình” - bác sĩ Minh Ngọc nói.
Hạn chế thay đổi sinh hoạt hằng ngày
Theo các bác sĩ, người cao tuổi thường kiêng kỵ đến bệnh viện trong giai đoạn tết nên nếu mệt mỏi, bất an cũng không nói ra mà cố gắng chịu đựng. Các thành viên trong gia đình thì tất bật chuẩn bị tết, đôi khi vô tình bỏ qua các dấu hiệu tăng nặng bệnh của các cụ, nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe càng nhiều hơn.
Với người càng lớn tuổi, nguy cơ đối mặt với đột quỵ càng cao, việc gắng sức sẽ ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp. Do đó, người cao tuổi cần được chăm sóc, khám bệnh thường xuyên và có đủ thuốc uống trước, trong và sau tết.
Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến (Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức) cho biết thêm, trong những ngày tết, dù cố gắng đến đâu, người cao tuổi cũng khó tránh khỏi mệt mỏi, căng thẳng vì cảm thấy chậm chạp trước con cháu. Vì vậy, có khi các cụ không phải bệnh về thực thể mà bị rối loạn lo âu.
“Do đó, con cháu cần quan tâm, trò chuyện với ông bà, cha mẹ nhiều hơn. Trong bữa ăn, đôi khi chỉ cần hỏi “ngon không mẹ”, “món này cha thích không”… là người già đã thấy vui rồi” - thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến nói.
Điều quan trọng đối với việc chăm sóc người cao tuổi là cần có sự phối hợp của tất cả thành viên trong gia đình. Cha mẹ rất dễ tổn thương nếu thấy con, cháu phó mặc mình cho con dâu, người giúp việc hay chỉ một thành viên nào đó trong nhà. Khi tinh thần không thoải mái, stress, bệnh nền sẽ nặng hơn. Việc cố gắng đi lại, làm việc để chứng minh mình không vô dụng cũng khiến người già có nguy cơ té ngã...
Để người cao tuổi có được tinh thần, thể chất tốt nhất, người thân nên tạo cho các cụ sự an tâm, giúp các cụ thấy được vị trí quan trọng của mình trong gia đình. Những ngày tết, cần hạn chế tối đa sự thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày đối với người già.
Các bữa ăn ngày tết thường có nhiều dầu mỡ khó tiêu. Hãy chuẩn bị riêng cho các cụ món ăn nhiều rau xanh, chất xơ, trái cây… Sau khi ăn, thời gian nghỉ ngơi rất quan trọng, tránh thăm hỏi, chúc tết quá trễ làm cho các cụ thức khuya, dậy muộn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trong những ngày tết, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể. Duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Trước tết, các bác sĩ thường sắp xếp lịch khám thuận tiện cho người cao tuổi, vì vậy hãy nhắc các cụ tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đúng giờ và kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Con cháu thay phiên bên cạnh, quan sát các cụ, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Mỗi gia đình cần giữ liên hệ với các trạm y tế phường, xã, số điện thoại dịch vụ cấp cứu, các nhà thuốc hoạt động 24/7 phòng khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Phạm An