Để ngư dân yên tâm vươn khơi

19/06/2014 - 14:50

PNO - PNO - Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho ngư dân để phát triển kinh tế, điều này đã đem lại những kết qua thiết thực. Tuy nhiên, hiện nay ngư dân Lý Sơn vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

De ngu dan yen tam vuon khoi
Là địa phương có thế mạnh khai thác hải sản, nhưng Lý Sơn chỉ có một cơ sở sửa chữa tàu thuyền

Cái khó của ngư dân hiện nay là việc tàu cá đánh bắt xa bờ chưa tương xứng, đa số là tàu vỏ gỗ truyền thống, công nghệ và kỹ thuật khai thác còn hạn chế, thô sơ, thông tin về ngư trường không đầy đủ, trữ lượng hải sản đang dần cạn kiệt. Bên cạnh đó, dịch vụ hậu cần nghề cá còn thiếu và yếu, trong khi sản phẩm hải sản sau đánh bắt của ngư dân bị tư thương thao túng, ép giá và giá vật tư thiết yếu phục vụ khai thác xa bờ ngày càng tăng.

Theo UBND huyện Lý Sơn, các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành khai thác hải sản như bến cá, cảng cá . . . tuy được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, sức cạnh tranh của sản phẩm hải sản trên thị trường còn thấp nên ngư dân gặp nhiều khó khăn. Vấn đề tranh chấp ngư trường đánh bắt, tàu bị nước ngoài bắt giữ, bị đâm chìm, thiên tai bão gió… không chỉ gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản mà còn ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, tâm lý bất ổn đối với ngư dân.

Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Hải, thời gian qua, tuy lượng tàu thuyền của ngư dân tăng nhưng phần lớn là thuyền nhỏ, dưới 90 CV đánh bắt hải sản ven bờ; cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhiều yếu kém, làm giảm chất lượng sản phẩm. Vũng neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa gắn với đầu tư cơ sở dịch vụ hậu cần nên hiệu quả không cao. Các chính sách hỗ trợ ngư dân chỉ giải quyết được những khó khăn trước mắt nên sinh kế của ngư dân cũng thiếu bền vững, ảnh hưởng đến thu nhập và sản xuất.

De ngu dan yen tam vuon khoi
Các chính sách hỗ trợ ngư dân chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt 

Trong chuyến làm việc tại đảo Lý Sơn vào tháng 4/2014. Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, việc thực hiện hỗ trợ phát triển tàu cá chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế của ngư dân. Đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên và lao động lành nghề chưa được đào tạo bài bản nên không đủ khả năng vận hành sử dụng phương tiện lớn, hiện đại. Tiến độ đầu tư nâng cấp cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân nên ảnh hưởng đến phát triển ngành khai thác hải sản.

Thực tế cho thấy, các chính sách về vay vốn tín dụng để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ chỉ đáp ứng được số ít nhu cầu của ngư dân. Chính phủ đang tiếp tục đầu tư hỗ trợ cho ngư dân đóng mới tàu vỏ thép có công suất lớn, ngư cụ hiện đại, với chính sách hỗ trợ phù hợp điều kiện kinh tế của ngư dân, thủ tục cho vay thông thoáng hơn. Chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho tàu cá khai thác ở vùng biển xa chưa phù hợp, còn tình trạng bình quân so với mức tiêu hao nhiên liệu giữa các tàu công suất lớn và nhỏ. Nhà nước cần tăng cường công tác hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ thiệt hại đối với các phương tiện bị mất, bị hư hỏng nặng do thiên tai và nhân tai. Cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút con em ngư dân theo học nghề khai thác hải sản tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề để tạo nguồn nhân lực hoạt động nghề cá trên biển...

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Về bài toán giải quyết nguồn vốn vay tín dụng để ngư dân đầu tư vào đổi mới phương tiện từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép, nhằm đổi mới kỹ thuật đánh bắt, cải thiện đời sống ngư dân, cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản chế biến xuất khẩu, đồng thời phải chọn lĩnh vực chiến lược để tập trung đầu tư. Song song với những công việc trên, nên sớm xây dựng cơ sở chế biến hải sản tại địa phương, nhằm giải quyết đồng bộ từ khâu xây dựng cảng, nơi neo đậu tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng nhà máy chế biến, cơ sở hạ tầng … đáp ứng nhu cầu bức thiết của ngư dân, để ngư dân yên tâm làm nghề.

VĂN MỊNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI