Đề nghị xây dựng luật nhằm tôn trọng quyền chuyển đổi giới tính của công dân

10/04/2023 - 10:34

PNO - Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã trình bày tờ trình đề nghị xây dựng Luật bản dạng giới.

 

ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới
ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới

Sáng 10/4, tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đã trình bày tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới.

Trước đó, ngày 28/2/2023, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã có Tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật Bản dạng giới gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội, kết luận của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tại phiên họp toàn thể ngày 30/3/2023, ý kiến tại cuộc họp của Bộ Tư pháp, ĐBQH đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và thể hiện tại Tờ trình số 27/TTr-CP ngày 4/4/2023, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 22.

Theo ĐBQH, bản dạng giới là một cảm nhận bền vững tự thân của cá thể về giới tính của mình mà chỉ tự họ nhận ra trong quá trình sống, không phụ thuộc vào giới tính bên ngoài khi mới sinh ra của họ.

Tại Việt Nam, do chưa có văn bản luật quy định cụ thể về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính nên chưa có nghiên cứu, khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về bản dạng giới và người chuyển giới; chưa có bộ tiêu chí để thống kê số liệu chính xác về người chuyển giới dẫn đến việc thu thập số liệu về người chuyển giới tại Việt Nam gặp khó khăn.

Từ đó, ĐBQH đề xuất xây dựng Luật Bản dạng giới, khẳng định các dạng giới khác là một cấu phần tất yếu của xã hội bên cạnh 2 giới tính truyền thống là nam và nữ; đảm bảo những người không hợp giới được sống bình đẳng trong xã hội; khẳng định, tôn trọng quyền chuyển đổi giới tính của công dân.

Luật bản dạng giới giúp hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mới. Nội luật hóa các quy định, nguyên tắc quốc tế về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính bằng đạo luật của Quốc hội.

Luật thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính không phải là bệnh lý hay rối loạn tâm thần, lệch lạc về hành vi, nhận thức và lối sống…; phải được tôn trọng bằng pháp luật như một phạm trù về nhân quyền trong xã hội văn minh; khuyến khích người chuyển giới có thái độ và hành vi tích cực, hòa đồng với xã hội.

Luật cũng thể hiện giá trị nhân bản, nhân văn và nhân đạo cao cả của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; bảo vệ cộng đồng yếu thế và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Mặc dù có rất nhiều dạng giới khác nhau, tuy nhiên, để phù hợp với văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam và hệ thống pháp luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ tập trung vào 2 dạng giới nam và nữ.

Theo đó, Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ; cơ quan có thẩm quyền, thực hiện xác nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân thực hiện can thiệp y học.

Ủy ban thường vụ họp phiên thứ 22, sáng ngày 10/4
Ủy ban thường vụ họp phiên thứ 22, sáng ngày 10/4

ĐBQH đưa ra 3 chính sách trong đề xuất xây dựng Luật. Thứ nhất là quyền chuyển đổi giới tính của công dân. Theo đó, cần khẳng định công dân có quyền chuyển đổi giới tính, đồng thời đưa ra những tiêu chí để công dân thực hiện quyền này, như: công dân đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; có tình trạng hôn nhân độc thân; không đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Thứ hai là quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân. Công dân đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi; có quyền đề nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền thực hiện thủ tục công nhận giới tính mới thông qua việc đăng ký thay đổi hộ tịch.

Thứ ba là quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân. Trong đó quy định người dân có quyền lựa chọn hình thức can thiệp y học; điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện can thiệp y học; các nguyên tắc bắt buộc khi thực hiện can thiệp y học.

Về tiến độ, theo tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 vào tháng 3/2023; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024; trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI