|
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương đề nghị giải pháp để đảm bảo có học sinh, có lớp học thì phải đủ giáo viên - Ảnh: Q.H |
Thiếu giáo viên trầm trọng
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (tỉnh An Giang) cho hay, cả nước đang thiếu 95.000 giáo viên các cấp và thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương, cấp học. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã nỗ lực khắc phục tình trạng này nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi. Trong khi đó, ngành giáo dục cũng đang tinh giản 10% biên chế hằng năm, gây ra tình trạng bất hợp lý và khó khăn cho ngành giáo dục.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương kiến nghị Chính phủ nghiên cứu giải pháp đảm bảo lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức quy định theo hướng “có học sinh, có lớp học thì phải có đủ giáo viên”, đồng thời cân nhắc về việc giảm 10% biên chế, không nên tinh giản một cách cứng nhắc như các ngành khác.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (tỉnh Quảng Bình) cho hay, trong quá trình tiếp xúc cử tri, bà nghe rất nhiều phản ánh liên quan tới tình trạng thiếu giáo viên. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ trong phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vào tháng 2/2022, ngành giáo dục thiếu gần 95.000 giáo viên phổ thông và mầm non; không tuyển được giáo viên một số môn theo chương trình mới; nhiều giáo viên nghỉ việc và chuyển việc sau đại dịch COVID-19; đời sống của một bộ phận giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà, cần phải có đánh giá và điều chỉnh chính sách.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu là thu nhập. Ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chưa tương xứng với chủ trương mà Nhà nước đã đặt ra.
Bà đề nghị nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất, trong đó có chính sách tốt hơn đối với nhà giáo. Bà nói: “Nhà giáo đóng vai trò quyết định đối với sự thành bại của đổi mới giáo dục. Vì vậy, cần quan tâm tới chính sách cho nhà giáo. Chính phủ cần có giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ưu tiên biên chế cho ngành giáo dục, quan tâm đến chính sách đào tạo đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non
|
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị tăng lương cho giáo viên, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non - Ảnh: Q.H |
Phản hồi ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu hàng loạt lý do dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên nhiều cấp học. Theo thống kê, từ nay tới năm 2026, cả nước cần bổ sung 107.000 giáo viên. Con số này còn có thể biến động trong tình hình giáo viên nghỉ việc.
Theo Bộ trưởng, thiếu giáo viên là do từ nhiều năm trước, lượng giáo viên đã không đủ. Trong khi đó, có một số giáo viên bỏ việc, giảm biên chế, nhiều nơi không tuyển thêm giáo viên trong nhiều năm, số tuyển mới ít hơn số nghỉ hưu. Do triển khai một số môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới nên số giáo viên cũng cần tăng lên.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, chỉ riêng số lượng giáo viên của các môn học mới, tính tới năm 2025-2026, cả nước thiếu hơn 26.000 người. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên còn do có dân số dồn về các khu đô thị, khu công nghiệp, do dịch bệnh khiến các trường đóng cửa, do tăng thời gian dạy mầm non từ một buổi lên hai buổi... Đặc biệt, thiếu giáo viên còn do biến động dân số tự nhiên.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin: “Tháng 9/2015, cả nước có trên 19 triệu học sinh nhưng tới tháng 9/2022, con số này tăng lên trên 23 triệu. Vào tháng 9/2015, có 1,156 triệu giáo viên và tháng 9/2022 có 1,227 triệu. Như vậy, tổng số giáo viên tăng hơn 100.000 trong khi số học sinh đã tăng hơn 3 triệu người”.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ Chính trị, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu tới năm 2026. Riêng năm 2022, ngành được duyệt hơn 27.000 chỉ tiêu. Hiện các đơn vị bắt đầu công việc tuyển dụng. Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu cũ nhưng chưa tuyển được.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị tăng lương để giải quyết đời sống và tâm lý giáo viên. Theo ông, giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, chiếm trên 40%. Do đó, Quốc hội cần xem xét, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non, cụ thể là tăng phụ cấp cho nhóm này tương tự như với nhóm y tế cấp cơ sở hoặc ít nhất cũng tăng từ 35% lên 70%, ngang với mức cũ của y tế cơ sở.
Ông Nguyễn Kim Sơn cũng tán thành ý kiến của các đại biểu rằng cần cân nhắc việc giảm biên chế 10% hằng năm. Bên cạnh đó, cần phải giám sát, thanh tra, kiểm tra để tránh sai sót trong tuyển chọn giáo viên, khiến giáo viên có tâm lý e ngại tham gia các cuộc thi tuyển này.
Minh Quang