Đề nghị ngăn chặn việc "làm mới" các di tích

14/08/2024 - 17:46

PNO - Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị, bảo quản, tu bổ di tích phải đảm bảo giữ gìn bản sắc và phải có chế tài nếu xảy ra ảnh hưởng.

Chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội - cho biết, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững với từng loại hình di sản văn hóa. Quy định cụ thể các chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực; chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt về tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân người dân tộc thiểu số.

đề nghị ngăn chặn việc làm mới các công trình, di tích lịch sử mà không đảm bảo về lịch sử, kiến trúc
Bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị ngăn chặn việc làm mới các công trình, di tích lịch sử mà không đảm bảo về lịch sử, kiến trúc - Ảnh: Quốc hội

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo chỉnh lý theo hướng quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho các hoạt động. Dự thảo cũng quy định biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; các điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; nguồn nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; chế độ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực...

Có ý kiến đề nghị bổ sung chế độ miễn, giảm phí tham quan các công trình được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đối với người có công với cách mạng, học sinh, sinh viên, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, phái đoàn ngoại giao, người cao tuổi.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung quy định: miễn, giảm vé tham quan, học tập di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc sở hữu toàn dân. Đối tượng miễn giảm là trẻ em, học sinh - sinh viên, hộ nghèo người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra còn có nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Góp ý vào dự án luật, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề xuất có chính sách cho di sản sẽ hình thành trong tương lai. Theo đó, cần giữ gìn các di sản có tiềm năng trở thành di sản văn hóa trong tương lai như: tác phẩm điện ảnh, bộ phim nhựa sản xuất trong chiến tranh, di vật của lãnh tụ, dòng họ để giữ gìn các tiềm năng này. “Cần nghiên cứu phát hiện, xem xét bảo vệ và phát huy giá trị. Nếu không phát hiện sớm thì sau này theo thời gian mất đi khôi phục sẽ rất khó” - ông Cường nói.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo các di tích phải bảo đảm di tích giữ nguyên giá trị kiến trúc và thẩm mỹ, tăng khả năng chống đỡ trước tác động của môi trường.

“Bảo quản, tu bổ di tích phải đảm bảo giữ gìn bản sắc và phải có chế tài nếu xảy ra ảnh hưởng. Vì có di tích không tìm kiếm lại được hình dáng, màu sắc nữa” - bà Nguyễn Thanh Hải nói, đồng thời đề nghị ngăn chặn việc "làm mới" các công trình, di tích lịch sử mà không đảm bảo về lịch sử, kiến trúc.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI