Theo Sở Xây dựng TPHCM, tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của TP. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP thời gian qua vẫn có sự phát triển dù bị ảnh hưởng suy giảm chung và đã khắc phục được một số hạn chế của thị trường trong những năm qua, bước đầu đã đi vào phát triển theo chiều sâu.
Tuy nhiên, hệ thống các quy định pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ gây khó khăn trong việc có giải pháp ngăn chặn và đề xuất giải pháp xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản, có thể hình thành những điểm nóng, phức tạp.
Cụ thể, dự án chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán… Các đơn vị môi trường bất động sản, phát triển dự án, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh… đã ký hợp đồng mua bán nhà ở với khách hàng, mà trước đó doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản theo quy định.
|
Dự án Hausbelo (thành phố Thủ Đức) dù chưa hoàn chỉnh pháp lý nhưng vẫn tràn lan thông tin rao bán trên mạng |
Trường hợp một căn hộ bán cho nhiều người là xuất phát từ sự bất cập của các quy định cũ Luật Nhà ở 2005, Nghị định 90/2006 của Chính phủ tạo điều kiện và giao nhiều thẩm quyền cho chủ đầu tư như phê duyệt thiết kế kỹ thuật, miễn phí xây dựng khi được phê duyệt dự án, nghiệm thu hoàn thành công trình, huy động vốn, .. không qua kiểm soát của cơ quan Nhà nước.
Đồng thời, quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang ở trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, giải quyết chậm của một số cơ quan quản lý Nhà nước, chưa đảm bảo các quy trình phối hợp liên thông, đồng bộ. Do đó, Nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong các thủ tục về đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị, đất đai, nhà ở.
Về hình thức huy động vốn cho nhà phát triển được quy định cụ thể tại Luật nhà ở, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhằm bảo đảm năng lực của chủ đầu tư trong nhà phát triển nhà ở thương mại, hạn các chủ đầu tư yếu kém, huy động vốn tràn lan và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà. Riêng đối với các trường hợp giao kết hợp đồng dưới các hình thức đặt cọc, giữ chỗ, đăng ký, ... mà chủ đầu tư không sử dụng vốn để thực hiện xây dựng nhà ở nhưng việc đặt cọc phù hợp với pháp luật về dân sự.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư hiện nay nhận tiền ứng trước, đặt cọc, thỏa thuận giữ chỗ cho khách hàng với số tiền rất lớn, có trường hợp chiếm 80% giá trị căn hộ. Việc xác định mục đích sử dụng tiền đặt cọc của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, không thuộc quyền thẩm quyền của Sở Xây dựng, khó khăn trong việc xử lý phạm vi đối với chủ đầu tư trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành tăng cường công tác tuyên truyền, công khai thông tin pháp lý các dự án nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các hoạt động kinh doanh bất động sản trái pháp luật như: một căn hộ bán cho nhiều người; huy động vốn của khách hàng qua hình thức đặt cọc, giữ chỗ…
Kiến nghị Công an TPHCM theo dõi sát sự phát triển của thị trường bất động sản; điều tra, xử lý các đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật về các dự án bất động sản, các hạ tầng kỹ thuật đô thị, các chủ đầu tư hoạt động vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự… hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản.
Bích Trần