Đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tránh tăng vốn sau khi nghị quyết thông qua

07/07/2022 - 09:48

PNO - Sáng 7/7, kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X bước vào ngày làm việc thứ hai với tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, các giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Liên quan công tác đầu tư công và thực hiện các dự án hạ tầng, đại biểu đề nghị UBND thành phố tăng cường chỉ đạo và có giải pháp cụ thể trong thực hiện đầu tư công. Trong đó, các sở, ngành cần xem lại trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác giải ngân.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa

Đại biểu đề nghị bố trí kinh phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng như cầu Nam Lý (TP.Thủ Đức) ngưng thi công đến nay đã 5 năm. Duy tu, sửa chữa một số tuyến đường bị hư hỏng, bảo trì camera lắp từ nguồn xã hội hóa trên địa bàn quận Tân Bình. Mở rộng đường Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Bứa, đường song hành vành đai 3 (quận 12). Nạo vét Kênh Rạch Sa (huyện Hóc Môn) và quan tâm đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh).

Đối với việc triển khai dự án đường Vành đai 3, theo các đại biểu HĐND thành phố, cần có giải pháp cụ thể đối với việc thực hiện dự án này. Qua đó, cần chính sách giá đền bù và vấn đề tái định cư hợp lý cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Chế độ chính sách tái định cư phải bố trí phù hợp với nhu cầu của người dân. Trước đây, nhiều dự án bố trí tái định cư không phù hợp dẫn đến việc người dân không đồng tình khiến dự án kéo dài. Chính sách về giá đền bù cần  phối hợp đồng bộ với các tỉnh có dự án đi qua.

Đối với Tờ trình số 2227/TTr-UBND ngày 4/7 của UBND TPHCM về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022, nguồn vốn ngân sách địa phương, các đại biểu lưu ý, với các dự án đầu tư đã có chủ trương thông qua, cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ngoài ra, theo nội dung tờ trình, nguyên nhân xin tăng vốn đầu tư cho các dự án xây dựng là do vướng giải phóng mặt bằng. Do đó, đại biểu đề xuất cần đánh giá tính toán lại cho rõ ràng, đặc biệt khả năng thực thi, tránh trường hợp lại tăng giá sau khi nghị quyết của HĐND thành phố được thông qua.

Trả lời ý kiến các đại biểu, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho hay, số lượng dự án và nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn tại thành phố rất lớn. Hiện Trung ương đã cho phép thực hiện 142 ngàn tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình giải ngân đầu tư công trên cả nước không đáp ứng như kỳ vọng (chỉ dưới 20%), riêng TPHCM là 19,5%. Tỷ lệ giải ngân chậm là do thủ tục điều chuyển vốn của các dự án nhóm A, B, C theo căn cứ vào các quy định, trình tự liên quan.

Theo sở, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng giải ngân đầu tư công. TPHCM có khoảng 3.500 dự án chuyển tiếp năm 2022, trong đó có hơn 1.000 dự án chuyển tiếp vướng tiến độ giải phóng mặt bằng, bồi thường, khó khăn về giá vật liệu… Một số dự án đang trong quá trình làm thủ tục hoặc điều chỉnh tổng vốn đầu tư để có cơ sở bố trí vốn nên chậm.

Nguyên nhân chủ quan còn nằm ở tình trạng các sở ngành, chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt trong các công tác liên quan bố trí vốn cho dự án. Ngoài ra, năng lực của nhà thầu cũng ảnh hưởng tiến độ giải ngân và thực hiện các dự án đầu tư công.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI