Đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên

17/05/2024 - 19:33

PNO - Chứng chỉ hành nghề giúp phân biệt giữa người đủ tư cách dạy học với những người không đủ tư cách dạy học nhưng tự nhận là 'nhà giáo'.

Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo do Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT diễn ra chiều ngày 17/5.

Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, một trong những quy định được nêu tại dự thảo Luật Nhà giáo là việc sẽ cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên. Đây sẽ là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp cho những người đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Như vậy, những người đương nhiên được cấp chứng chỉ không cần qua sát hạch gồm 1,6 triệu giáo viên các trường công lập và ngoài công lập đã được tuyển dụng vào ngành trước khi luật có hiệu lực.

Đối với các nhà giáo đã về hưu chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu có nguyện vọng cũng có thể xin cấp chứng chỉ này để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Đối với những giáo viên tuyển mới sau khi luật có hiệu lực thi hành sẽ phải trải qua một kỳ sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề.

Sẽ cấp chứng chỉ nhà giáo cho giáo viên. Ảnh minh họa
Sẽ cấp chứng chỉ nhà giáo cho giáo viên. Ảnh minh họa

Theo ông Đức, để trở thành giáo viên có hai nguồn bao gồm: Sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm và người tốt nghiệp ngành khác, đạt trình độ theo quy định và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Tất cả những đối tượng này đều phải thực hiện việc thực tập trong thời gian 1 năm, sau đó sẽ được đánh giá hoàn thành, được cơ quan tuyển dụng cho tuyển dụng.

Trong cấu trúc mô-đun đào tạo nghề sẽ có những mô-đun đã được đào tạo trong các trường đại học sư phạm. Vì thế, với những sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm khi tham gia các khóa đào tạo này sẽ không phải học những nội dung trùng lặp và được rút ngắn thời gian đào tạo để sớm được cấp chứng chỉ hành nghề.

“Chứng chỉ hành nghề này nhằm nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo khi nhà giáo được phân biệt với nghề khác, đặc biệt phân biệt giữa người đủ tư cách dạy học với những người không đủ tư cách dạy học nhưng tự nhận là "nhà giáo", và hiện tượng này đang rất phổ biến, nhất là trên mạng xã hội”, Tiến sĩ Vũ Minh Đức nhấn mạnh thêm mục đích của việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Trong thời gian sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến dư luận, chuyên gia, tập trung chủ yếu vào hai nội dung chính, gồm: chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo và việc nghiên cứu nhóm đối tượng nhân sự giáo dục khác hoạt động trong cơ sở giáo dục (nhân viên thiết bị thí nghiệm, thư viện, giáo vụ, tư vấn học sinh…) có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà giáo hay không?

Được biết, Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều; trong đó khẳng định nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước và là lực lượng nòng cốt của ngành giáo dục.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI