Đề nghị bỏ dự án xây dựng thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A

17/05/2013 - 16:43

PNO - PNO - Ban Quản lý (BQL) Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai vừa chính thức gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị xem xét không cho triển khai xây dựng hai dự án...

 Hệ quả khó lường

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai xác nhận, hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ lấn chiếm khoảng 137,5 ha diện tích rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên nếu triển khai thực hiện.

De nghi bo du an xay dung thuy dien Dong Nai 6 va 6A

Hiện trạng sinh thái, môi trường tại dự án thủy điện Đồng Nai 2 - Di Linh là lời cảnh báo đắt giá đối với các dự án thủy điện 6 và 6A.

Ngoài việc mất diện tích rừng nói trên, BQL Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai cũng quan ngại khi các kết quả nghiên cứu cho thấy các tác động trực tiếp của các dự án thủy điện này đối với các dạng tài nguyên tại Khu dự trữ sinh quyển (rừng, đất ngập nước, động thực vật, dòng chảy...). Cụ thể, theo BQL Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, hai dự án thủy điện 6 và 6A sẽ tác động trực tiếp đến dòng chảy của sông Đồng Nai, trước tiên là hệ sinh thái đất ngập nước ở Vườn quốc gia Cát Tiên.

Đây là một dạng đất ngập nước ngọt nội địa điển hình ven sông độc đáo của Việt Nam, bao gồm các hệ thống phức tạp với các bàu (đầm), suối, sông Đồng Nai. Trong đó, bàu Sấu là một điển hình, được ví như “trái tim” của Vườn quốc gia Cát Tiên và đã được công nhận là vùng đất ngập mặn có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar). Các bàu nối với sông Đồng Nai bằng con suối Đắk Lua, tạo thành một hệ sinh thái mở.

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận vào ngày 19/6/2011, với vùng lõi bao gồm Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và trở thành Khu Dự trự sinh quyển thứ 580 của thế giới.

Khu Dự trữ sinh quyển có diện tích gần 970.000 ha, nằm trên địa bàn 5 tỉnh, gồm: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông. Với diện tích vùng lõi khoảng 172.502 ha rừng liền mạch, quốc tế đã coi đây là điểm đặc biệt về đa dạng sinh học.

Đặc biệt, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai cũng là khu rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam, với nhiều loại động thực vật quý, hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Bên cạnh đó, việc thay đổi dòng chảy của sông nếu các dự án thủy điện khởi động sẽ gây ngập úng vào mùa mưa,thiếu nước sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô đối với các cư dân vùng hạ lưu. Đặc biệt, hệ quả đáng quan ngại là sẽ làm biến dạng hình thái của sông, bàu. Đó là một khi dòng chảy trái với quy luật tự nhiên sẽ gây nhiều hậu quả khó lường, như: xói mòn đất, sụt lở bờ sông, lũ quét,…Chưa kể, việc chặn dòng sông Đồng Nai sẽ làm thay đổi môi trường sinh thái, dẫn đến các loài sinh vật sẽ khó thích nghi với môi trường mới, hạn chế khả năng sinh sản; làm thay đổi chất dinh dưỡng trong nước và nước sông có nguy cơ bị ô nhiễm.

Theo ông Nguyễn Thành Trí, trong trường hợp hai công trình thủy điện 6 và 6A vẫn được triển khai thì diện tích rừng bị xâm hại sẽ không phải là rừng nghèo và có nhiều loài thực vật quý, như: cẩm lai, trắc, mun, ba gạc, một số cây loại họ gừng…sẽ có nguy cơ bị “xóa sổ”. Hệ quả còn lớn hơn nhiều khi tác động trên sẽ cản trở sự di cư của một số loài thủy sinh (cá, tôm…) từ hạ lưu lên và ngược lại, làm giảm tính đa dạng sinh học ở cấp độ quần thể và loài.

Các báo cáo khoa học còn cảnh báo, việc xây dựng thủy điện trên sông Đồng Nai sẽ phá hủy sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã, quý hiếm, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng, như: bò tót, vượn đen má vàng, chà vá chân đen, khỉ đuôi lợn, cu li nhỏ, 98 loài chim, các loài thuộc họ trĩ (gà so cổ hung, công, gà lôi trắng,…). Trong đó, có một số loài mới đã và đang được tiếp tục phát hiện tại khu sinh quyển, như loài trà hoa đỏ (Camellia longii).

Đối với môi trường, việc xây dựng đập thủy điện cũng sẽ tạo điều kiện cho lâm tặc và phương tiện dễ dàng tiếp cận Vườn Quốc gia Cát Tiên để săn bắn thú rừng, khai thác lâm sản,…Đáng lưu ý, việc mở đường thi công, nổ mìn khai thác đá, vận chuyển vật liệu,…sẽ gây chấn động đến sinh cảnh các loài động vật hoang dã. Ước tính khoảng 850 tấn thuốc nổ sẽ được sử dụng trong vòng 3 năm, tương đương 0,8-0,9 tấn thuốc nổ mỗi ngày, cộng với ô nhiễm, tiếng ồn, khói bụi,…sẽ tác động lớn đến các loài động vật trong khu vực.

Vi phạm công ước quốc tế

Theo ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, do hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A dự kiến xây dựng trên Vườn quốc gia Cát Tiên - di tích quốc gia đặc biệt thuộc Khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận, vì vậy vấn đề không còn chỉ là riêng của Việt Nam nữa.

Theo ông Trí, mỗi dự án đều chiếm trên 50 ha đất rừng đặc dụng của Cát Tiên, nên hai dự án phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế. Cụ thể, từ 19/6/2011, Vườn quốc gia Cát Tiên chịu sự điều phối của Ủy ban quốc gia UNESCO và Chương trình Con người và sinh quyển thế giới (MAB) và công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã tham gia. Trong đó, bàu Sấu là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và nên chịu sự điều phối của Công ước quốc tế Ramsar (trước đó Việt Nam đã ký gia nhập công ước vào năm 1989).

De nghi bo du an xay dung thuy dien Dong Nai 6 va 6A

Vẻ đẹp Bàu Sấu (thuộc Vườn QG Cát Tiên). Nguồn ảnh: www.phuot.vn

Ngoài hệ quả vi phạm công ước quốc tế, hai đập thủy điện 6 và 6A còn vấp phải nhiều quy định hiện hành liên quan tại Việt Nam, như: Nghị quyết 49 của Quốc hội về dự án, công trình trọng điểm; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Đa dạng sinh học; Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009; Nghị định 109 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững đất ngập nước…

Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới, hiện hồ sơ đề cử đang được chỉnh sửa và trình UNESCO thẩm định. Sẽ khó thuyết phục được UNESCO chấp thuận nếu hai dự án thủy điện nêu trên được thực hiện.

Từ những quan ngại này, BQL Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai đã gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị xem xét không cho triển khai xây dựng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

THÀNH CÔNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI