Chia sẻ tại diễn đàn, nhà báo Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hà Nội cho biết, hầu hết cơ quan báo chí đều có chuyên mục về bất động sản, mang đến nhiều thông tin cho bạn đọc về chính sách, luật pháp, nhu cầu thị trường, giá bán, thông tin quy hoạch... điều quan trọng nhất là người dân, bạn đọc rất kỳ vọng, tin tưởng vào những thông tin từ cơ quan báo chí.
“Vì vậy, cơ quan báo chí phải thông tin trung thực những chính sách về bất động sản, nhà ở. Tăng cường phản biện chính sách được cho là “điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát triển của thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp để nêu những khó khăn đến cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, cơ quan báo chí phải có sự độc lập, trung thực trong thông tin về thị trường, tránh những tác động không trong sáng khiến thông tin không chuẩn xác, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của người dân” - nhà báo Nguyễn Minh Đức kiến nghị.
Ngoài ra, khi phản ánh về quy hoạch, báo chí cần thông tin đa chiều, đầy đủ, khi nào dự án thực hiện, tác động thị trường thế nào, bao giờ đạt đến giá kỳ vọng của nhà đầu tư?... Cơ quan báo chí cần đề cập nhiều hơn nữa về thị trường nhà ở khu vực nông thôn, nhà ở xã hội, nhà ở bình dân cho người thu nhập thấp, vì đây là nội dung được nhiều người dân quan tâm và phục vụ nhu cầu thực.
|
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2022 sẽ có nhiều chuyển biến mới nên cần sự vào cuộc của báo chí để tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp |
Ông Đinh Thăng Long – Phó Giám đốc Công ty CP tư vấn và đầu tư TPLand Việt Nam chia sẻ, báo chí là một đơn vị vô cùng quan trọng vì khi báo chí viết về các dự án, sẽ giúp biết được đâu là dự án tốt đâu là dự án không tốt và cho khách hàng. Đây cũng là một cách giúp cho các khách hàng tiếp cận đến chủ đầu tư, dự án. Năm 2021 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sang năm 2022 thị trường bất động sản sẽ có nhiều chuyển biến mới, nên rất cần sự vào cuộc của cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm của đô thị hóa, nên thị trường bất động sản phát triển rất tốt, nhu cầu cao. Nhưng thực tế nhiều vấn đề cản trở vì chính sách không theo kịp với thực tế. Đơn cử như Luật Đất đai 2013 có sự ổn định trong một thời gian, nhưng đến nay bộc lộ rất nhiều bất cập. Hay việc pháp luật quy định về luật đấu thầu, nhưng Nhà nước lại không tạo ra được quỹ mặt bằng sạch, nếu doanh nghiệp tham gia bồi thường giải phóng mặt bằng thì địa phương thực hiện chỉ định thầu, nảy sinh sự không minh bạch, xuất hiện cơ chế xin – cho... Đặc biệt, công tác quản lý quy hoạch chưa thực sự hiệu quả, hầu hết dự án sau khi được phê duyệt đều phải điều chỉnh, do nhà quản lý thiếu góc nhìn về kinh tế, nên khi giao doanh nghiệp triển khai không hiệu quả phải điều chỉnh hoặc ngay cả những khu đất sạch giữa thành phố cũng không thể triển khai.
“Tôi cho rằng cần phải thay đổi về tư duy. Đặc biệt để thị trường bất động sản phát triển một cách minh bạch, bền vững thì cần phải thay đổi về mặt cơ chế, chính sách. Cơ chế, chính sách được xem là kim chỉ nam, xương sống của thị trường, sự thay đổi đó giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển và chính quyền các địa phương sẽ có căn cứ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Thời gian qua thị trường thiếu dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm chính là do cản trở về chính sách” – ông Nguyễn Thế Điệp cho hay.
TS. Nhà báo Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó ban tuyên truyền lý luận báo Nhân Dân chia sẻ, báo chí những năm vừa qua đã khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản cả nước nói chung. Hiện nay, ngành bất động sản ngày càng phát triển mạnh mẽ và đang ở thời điểm nóng nhất, với sự lên ngôi của hàng loạt dự án đầu tư mở rộng quy hoạch nhà ở, công viên. Vì vậy, muốn kinh doanh hiệu quả và đứng vững trong thị trường cạnh tranh gay gắt của ngành này, các doanh nghiệp cần tìm hiểu và xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả. “Báo chí không chỉ là cầu nối giúp phổ biến cơ chế chính sách, pháp luật từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng về tình hình bất động sản mà qua đó còn tranh thủ chuyển tải các phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng nhà đầu tư, doanh nghiệp người tiêu dùng đến cơ quan quản lý” – ông Phong nhận định.
Trước tình hình thực tế hiện nay, nhà báo Nguyễn Minh Đức kiến nghị các cơ quan báo chí cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, kiến nghị với Chính phủ để đưa ra chính sách dành cho dòng sản phẩm căn hộ bình dân vì một mặt giúp ổn định đời sống người dân, mặt khác sẽ giúp cho thị trường phát triển cân bằng, bền vững.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường tồn tại những nhà đầu cơ gây ra sốt giá, ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Thời gian qua một số địa phương đã có biện pháp siết chặt để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Từ đó, ông Đức kiến nghị: “Vấn đề cốt lõi ở đây là việc phải minh bạch thị trường bằng những thông tin cụ thể, như: Thông tin quy hoạch, dự án, số lượng giao dịch, giá bán, thông tin giao dịch hàng ngày... cần được công khai. Vậy nên rất mong Bộ Xây dựng và các địa phương quyết liệt hơn trong việc tổng hợp, cung cấp thông tin cho người dân”.
Bích Trần