Để Ngày xửa ngày xưa mãi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

26/05/2023 - 16:07

PNO - Càng gần đến ngày công diễn 27/5, chương trình Ngày xửa ngày xưa số 34 - vở kịch thiếu nhi Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai (kịch bản: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn) - lại càng “nóng”. Chưa bao giờ việc sở hữu một tấm vé Ngày xửa ngày xưa lại khó đến như vậy.

Thương hiệu khó thay thế

Ra mắt đúng ngày 1/6/2000 với vở Tấm Cám, ít ai ngờ một chương trình sân khấu thiếu nhi như Ngày xửa ngày xưa (NXNX) lại kéo dài qua năm thứ 23 mà vẫn được khán giả đón nhận nồng nhiệt như buổi ban đầu. Thị trường sân khấu thiếu nhi luôn rộng mở và đã từng có nhiều đơn vị tham gia với không ít tiền bạc và tâm huyết. Thế nhưng dù ai đến ai đi, mỗi dịp hè về, thiếu nhi TPHCM lại háo hức chờ đón vở diễn NXNX mới từ sân khấu IDECAF.

Trước nhu cầu khán giả tăng cao, sân khấu IDECAF đang sắp xếp để tăng suất diễn chương trình Ngày xửa ngày xưa 34
Trước nhu cầu khán giả tăng cao, sân khấu IDECAF đang sắp xếp để tăng suất diễn chương trình Ngày xửa ngày xưa 34

Chị Xuân Mai (quận 4) cho biết, nhiều năm liền, chị có nhiệm vụ “săn vé” và đưa các cháu đi coi NXNX. “Tôi đưa 2 cháu đi coi NXNX hồi cháu còn nhỏ xíu, nay đều đã vào cấp III. Theo chương trình nhiều năm như vậy, phải nói là bản thân người lớn mình coi còn mê, nói gì đến con nít. Các vở diễn NXNX được đầu tư toàn diện về cả nội dung lẫn hình thức và trong từng vai diễn, cuốn hút từ cảnh trí, phục trang, âm nhạc đến diễn xuất của nghệ sĩ. Đã coi NXNX được 1 lần là sẽ muốn coi nữa” - chị Xuân Mai nhận xét.

Tương tự, rất nhiều khán giả người lớn vẫn tranh coi NXNX cùng các em nhỏ. Phần lớn là những khán giả NXNX từ nhỏ và nay lớn lên, lập gia đình, tiếp tục đưa con đến với NXNX. “Sự hồn nhiên, trong trẻo ở NXNX không chỉ cần thiết để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ mà nhiều người lớn cũng cần thế giới thần tiên bay bổng đó để thấy mình trẻ lại, cảm xúc bớt chai sạn” - chị Ngọc Trúc (quận 3) chia sẻ lý do dù đã bước vào tuổi U40 vẫn xem NXNX là “món ăn tinh thần” không thể thiếu.

Đạo diễn Hoàng Duẩn - người gắn bó nhiều với sân khấu thiếu nhi - nhận định sự thành công của thương hiệu NXNX không phải ngẫu nhiên và nhất thời mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố: “Một nhà quản lý có nguồn lực tài chính và óc kinh doanh; một lực lượng nghệ sĩ giỏi nghề và biểu diễn chuyên nghiệp cho khán giả thiếu nhi; sự kiên định trong định hướng nghệ thuật đường dài và quan tâm đến các yếu tố phụ trợ như công tác truyền thông, kết nối quan hệ…”.

Đến nay, cách mà ê kíp NXNX đầu tư phục vụ cho khán giả thiếu nhi vẫn cho thấy đó là thương hiệu khó thay thế.

Ngày xửa ngày xưa 34 vẫn giữ chất hồn nhiên, trong trẻo:

 

Nỗ lực giữ niềm tin

Có vị trí gần như độc tôn nhưng cũng không hiếm lần NXNX gặp khó. Dễ thấy nhất là từ 2 số phục vụ khán giả thiếu nhi trong hè và tết Trung thu, từ năm 2014, mỗi năm chỉ còn 1 vở diễn tập trung vào dịp hè. 

“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thái Dương, nhà sản xuất chương trình NXNX - cho biết, tình hình khó khăn chung của sân khấu buộc NXNX phải tập trung nguồn lực, không dàn trải, để nâng cao chất lượng nhằm giữ chân khán giả, cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí hiện đại khác.

Cũng từ năm 2014 với vở diễn Cuộc chiến giữa ông kẹ và các bà mẹ, các vở NXNX đã công diễn không còn được phát hành đĩa vì sự hoành hành không thể kiểm soát của băng đĩa lậu. Chi phí cho quảng bá, truyền thông, các cách thức kéo khán giả đến rạp và giữ khán giả cho sân khấu ngày một tăng thêm…

“Là người trong cuộc, hơn ai hết, chúng tôi không được quyền chủ quan. Qua từng năm, tình hình xã hội biến đổi càng nhanh, thị hiếu khán giả hôm nay không chỉ khác vài năm trước mà có thể thay đổi theo từng “trend”. Vì thế, NXNX cũng phải tự đổi mới chính mình để bắt kịp thị hiếu người xem” - ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.

Là tác giả của nhiều kịch bản NXNX được đánh giá cao, như: Chuyện thần tiên xứ Phù Tang (2008), An Ly và thần băng giá (2011), Chúa tể muôn loài (2012)… và sắp tới là Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai, tác giả Quang Thảo cho biết, phong cách viết của anh đã thay đổi rất nhiều, từ văn phong đến xây dựng kịch tính, tâm lý nhân vật phải liên tục cập nhật. Anh đặc biệt quan tâm đến thế giới tuổi thơ ngày càng bị công nghệ hiện đại và mạng xã hội xâm chiếm. “Các bé ngày càng rời xa những điều lãng mạn trong cuộc sống. Đó cũng là những điều mà tôi và ê kíp NXNX mong muốn tìm lại và gửi đến các bé” - Quang Thảo chia sẻ.

Cũng theo tác giả Quang Thảo, chưa bàn tới nội dung, NXNX hấp dẫn khán giả nhất chính là hình thức với các yếu tố cảnh trí, trang phục và phong cách diễn. Bao năm qua, các thành viên, nghệ sĩ của chương trình đã luôn nỗ lực sáng tạo để mang đến những hình thức đổi mới cho NXNX. Với nhà thiết kế Phan Ngọc Tuấn là những buổi thâu đêm lên ý tưởng rồi lại thâu đêm cặm cụi may vá cho ra đời những bộ cánh “độc quyền”.

Với đạo diễn Đình Toàn là sự trăn trở không ngừng về những mảng dựng hấp dẫn trong điều kiện thiếu thốn kỹ thuật hỗ trợ. Đôi khi nghệ sĩ đã chấp nhận mạo hiểm như cú té lộn ngược từ trên lưới cao của chàng Sinbad trong vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Đại chiến nàng tiên cá (NXNX số 33) làm thót tim khán giả... 

“Phải rất yêu thiếu nhi thì những Thành Lộc hay Hữu Châu ở tuổi trên dưới 60 vẫn hết mình ca hát, nhảy múa, hoạt náo mang đến thật nhiều tiếng cười vui cho các em nhỏ. Chính lòng say nghề và tình yêu trẻ em là động lực để chúng tôi nỗ lực duy trì thương hiệu NXNX dù rất nhiều khó khăn. Đó cũng chính là niềm tin của khán giả mà người làm sân khấu thiếu nhi tự nhủ phải giữ gìn bằng mọi giá” - ông Huỳnh Anh Tuấn khẳng định. 

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI