PNO - Ngày 16/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội thảo về vai trò của tổ chức này trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, sau 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội), hệ thống MTTQ các cấp đã đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Hoạt động này diễn ra thường xuyên, định kỳ, bám sát các chương trình, kế hoạch của Đảng, chính quyền và những vấn đề mà xã hội, nhân dân quan tâm.
Hội thảo “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM - đánh giá, việc triển khai hoạt động giám sát theo đề án 06-ĐA/TU do Ban Thường vụ Thành ủy ban hành ngày 20/8/2021 mới có kết quả bước đầu, chưa tập trung giám sát và đề xuất xử lý dứt điểm những vấn đề bức xúc, kéo dài của dân. Các đoàn thể còn lúng túng trong việc xác định đối tượng và nội dung giám sát. Điều này là do trình độ hiểu biết của cán bộ đoàn thể về chính sách pháp luật chưa sâu, chưa có sự phối hợp theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát, việc phối hợp cung cấp thông tin giữa MTTQ và các cơ quan chức năng còn bất cập. Do vậy, cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng giám sát cho cán bộ MTTQ và các đoàn thể.
Theo bà Phạm Phương Thảo, không chỉ TPHCM mà nhiều địa phương cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giám sát, phản biện. Vẫn còn tình trạng e ngại hoặc lợi dụng dân chủ trong phản ánh, góp ý trực tiếp đối với cấp ủy, tổ chức Đảng về những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Một số phản ánh, kiến nghị của nhân dân chưa được xem xét kịp thời, thấu đáo. Hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng.
Đại diện Hội LHPN TPHCM cho biết, khi cần góp ý cho dự thảo văn bản, các cơ quan, đơn vị thường chỉ gửi công văn đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lấy ý kiến. Lẽ ra, khi có dự thảo văn bản về các chính sách có liên quan đến phụ nữ và trẻ em, các sở, ngành nên có văn bản đề nghị hội tổ chức góp ý, phản biện.
Phải giám sát được những vấn đề gai góc
Theo luật sư Trương Thị Hòa, để nâng cao vai trò phản biện của hệ thống MTTQ, cần chú ý đến phương pháp và phát huy tối đa vai trò của từng thành viên liên quan. Bà nói: “Tôi thấy các hội thảo đều có tham luận của Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên nhưng chưa thấy tham luận của Hội Doanh nghiệp TPHCM. Đối với thành phố chúng ta, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động phản biện, giám sát”.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Tất Thắng - Phó giám đốc Học viện Chính trị khu vực II - cho rằng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội và thực tế đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, sự tham gia này thường chỉ có hiệu quả với những vấn đề dân sinh, còn những vấn đề gai góc, sâu hơn thì hiệu quả chưa cao, như giám sát tập thể lãnh đạo, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan quan trọng hay giám sát tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy lãnh đạo, trong hệ thống chính trị.
Ông nói: “Tôi cho rằng, đó là do 2 nguyên nhân gồm cán bộ và kinh phí hoạt động. Công tác cán bộ - kể cả của MTTQ và các đoàn thể - đều nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, Đảng vừa là thành viên của mặt trận nhưng đồng thời lại là tổ chức lãnh đạo mặt trận. Lãnh đạo mặt trận cũng như các tổ chức kinh tế - xã hội cũng có những lúc ngại va chạm, nể nang, né tránh. Muốn giám sát tập thể lãnh đạo, người đứng đầu hoặc cơ quan liên quan đến kinh phí thì thường không được các nơi này bố trí kinh phí để làm”.
Do đó, ông Phạm Tất Thắng đề xuất, có cơ chế để phần kinh phí hoạt động của MTTQ và các tổ chức khác được đưa vào các quy định cứng, luật hóa và HĐND thành phố sẽ phê duyệt chung trong tổng thể, để tránh bị phụ thuộc. Đối với công tác cán bộ, cần cơ chế tương đối độc lập trong bố trí con người, nhân sự của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - đánh giá, hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế như chưa phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân; việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa kịp thời; hoạt động phản biện xã hội chủ yếu chỉ diễn ra ở cấp thành phố và quận, huyện... Để khắc phục những hạn chế này, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới công tác tiếp dân, tổ chức các cuộc đối thoại, gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo Đảng, chính quyền với người dân.
10 năm, tổ chức hàng ngàn cuộc giám sát
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, toàn thành phố có 312 ban thanh tra nhân dân với 2.184 thành viên. Trong giai đoạn 2013-2023, các ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức 6.375 cuộc giám sát, tập trung vào các nội dung như giám sát chính quyền thực hiện công tác chăm lo người nghèo, gia đình chính sách, việc thu chi các quỹ vận động, các nguồn thu trong dân, công tác cải cách hành chính, trật tự xây dựng… Qua đó, các ban đã kiến nghị, phản ánh bằng văn bản 1.273 nội dung đến các đơn vị chức năng và đã có 1.164/1.273 kiến nghị được giải quyết.
Toàn thành phố có 192 ban giám sát đầu tư của cộng đồng với 1.344 thành viên. Trong 10 năm, các ban này đã tổ chức 7.495 cuộc giám sát các công trình, qua đó kiến nghị, phản ánh bằng văn bản về 629 công trình đến các đơn vị chức năng để khắc phục tình trạng bụi, ngập nước, ô nhiễm môi trường, hố ga lún sụp, sự cố rò rỉ nước... Đã có 578/629 kiến nghị được giải quyết.
14g30 ngày 6/1/2025, chuyến bay Vietnam Airlines chở đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vừa giành ngôi vô địch ASEAN Cup 2024 đã về tới sân bay quốc tế Nội Bài.