|
Bác sĩ khuyên người bị mụn trứng cá nên rửa mặt bằng nước ấm để các bã nhờn được hòa tan tốt hơn - Ảnh minh họa: Internet |
Mùa nắng nóng, đổ mồ hôi nhiều khiến tình trạng mụn trứng cá thêm nghiêm trọng, gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng tâm lý, tốn kém không ít thời gian và tiền bạc nếu điều trị sai cách. Báo Phụ Nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Lê Vi Anh - Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - về những bí quyết về điều trị, chăm sóc da khi bị mụn trứng cá.
Mụn trứng cá có thể gây… trầm cảm?
Phóng viên: Thưa bác sĩ, tại sao chúng ta lại dễ bị mụn trứng cá?
Bác sĩ Lê Vi Anh: Mụn trứng cá là bệnh lý viêm của bề mặt da thường gặp nhất. Khoảng 80% dân số xuất hiện mụn trứng cá ít nhất một lần trong đời. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng thường thấy nhất ở độ tuổi dậy thì, nam giới có xu hướng bị nặng hơn nữ giới. Mụn trứng cá chủ yếu xuất hiện trên mặt, cổ, lưng, ngực và vai.
Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá đã được xác định bao gồm các yếu tố chính như: bất thường sừng hóa nang lông, tăng tiết bã nhờn quá mức, quá trình viêm và sự hiện diện của vi khuẩn Propionibacterium acnes, từ đó dẫn đến các loại tổn thương da khác nhau.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân liên quan tới yếu tố gia đình như: di truyền, nội tiết, chế độ ăn uống làm tăng tiết bã nhờn. Các tổn thương không viêm do mụn trứng cá bao gồm mụn đầu đen hay comedones mở và mụn đầu trắng hay comedones kín. Tổn thương viêm bao gồm sẩn đỏ, mụn mủ, nốt, cục và nang. Trong đó, các tổn thương viêm sâu sẽ để lại những biến chứng nặng như sẹo khiến bệnh nhân mất tự tin, thậm chí trầm cảm.
* Hiện có những phương pháp nào điều trị mụn trứng cá an toàn, hiệu quả mà không để lại sẹo thâm, sẹo lõm, thưa bác sĩ?
- Các phương pháp điều trị mụn trứng cá sẽ tùy nguyên nhân tổn thương cũng như mức độ của bệnh. Phác đồ điều trị có thể chọn một trong các phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp với nhau nhằm gia tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị, gồm:
+ Các loại thuốc thoa tại chỗ như kháng sinh thoa tại chỗ, benzoyl peroxide, retinoid, acid azelaic…
+ Thuốc uống toàn thân như kháng sinh uống, isotretinoin, thuốc tránh thai.
+ Tái tạo da bằng hóa chất như glycolic, salicylic acid...
+ Lấy nhân mụn
+ Laser xung màu
+ Chiếu đèn LED
+ Quang động học
Tất cả các phương pháp này đều tác động lên cơ chế sinh bệnh của mụn trứng cá nhằm mục đích bình thường hóa quá trình sừng hóa nang lông tuyến bã, giảm tiết bã nhờn, kháng khuẩn, ức chế phản ứng viêm để hạn chế tối đa quá trình viêm sâu, tăng sắc tố sau viêm dễ dẫn đến sẹo lõm, sẹo thâm.
* Những người bị mụn trứng cá nhưng chưa có điều kiện để tới cơ sở y tế thăm khám cần chăm sóc da thế nào để tình trạng bệnh không nặng lên?
- Người bệnh nên rửa mặt hai lần một ngày hay sau những hoạt động thể chất đổ mồ hôi nhiều với sữa rửa mặt chứa acid salicylic (giúp giảm tiết nhờn và giảm sừng hóa nang lông tuyến bã). Việc đổ mồ hôi, đặc biệt là khi đội mũ hoặc nón bảo hiểm, có thể làm cho tình trạng mụn nặng hơn, nên rửa sạch da càng sớm càng tốt. Khi rửa mặt, sử dụng đầu ngón tay để thoa nhẹ nhàng trên da, không nên dùng dạng khăn lau thô ráp, miếng bọt biển lưới hoặc bất cứ thứ gì tương tự vì có thể gây kích ứng da.
Người bị mụn trứng cá nên rửa mặt bằng nước ấm vì nước ấm có thể hòa tan bã nhờn tốt hơn. Hãy nhẹ nhàng với làn da của bạn, sử dụng các sản phẩm dịu nhẹ, không chứa cồn. Không dùng sản phẩm gây kích ứng da hay sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý… Chúng có thể khiến da khô, đỏ và mụn xuất hiện nhiều hơn.
Khi đang bị mụn trứng cá, bạn cần tránh chà xát da, tẩy tế bào chết vì sẽ khiến tình trạng mụn trở nên nặng hơn. Nếu bạn sở hữu tóc dầu, hãy gội đầu hằng ngày vì bã nhờn từ tóc bám vào da mặt và lưng có nguy cơ làm mụn thêm nặng.
Hãy để làn da của bạn được chữa lành một cách tự nhiên. Nếu bạn tự ý lấy hoặc nặn mụn, thường xuyên chạm tay vào da, da của bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để sạch mụn còn bạn sẽ bị tăng nguy cơ viêm nhiễm và hình thành sẹo mụn.
Cần tránh nắng vì tia UV tăng nguy cơ tổn thương da, tăng sắc tố sau viêm và làm hại làn da của bạn. Ngoài ra, một số loại thuốc trị mụn còn khiến da rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời (làm da dễ bỏng nắng, thay đổi màu sắc da…).
Có thể sử dụng một số loại thuốc thoa trị mụn không kê toa, nhưng cần đến bác sĩ để được thăm khám khi tình trạng mụn nặng khiến bạn mất tự tin, trầm cảm hoặc những sản phẩm bạn đang sử dụng không hiệu quả.
Có nên peel da khi bị mụn?
* Thưa bác sĩ, người có làn da mụn nên tránh sử dụng những sản phẩm làm đẹp, thực phẩm hoặc các thói quen nào?
- Tránh dùng các sản phẩm chăm sóc da và tóc gốc dầu, sản phẩm trang điểm có độ bám cao, mỹ phẩm có chứa paraben, cồn. Chỉ nên sử dụng những sản phẩm có các chất không gây bít tắc lỗ chân lông, không tạo cồi mụn. Sử dụng chung dụng cụ trang điểm hay không tẩy trang sạch trước khi ngủ là tác nhân làm cho mụn thêm nặng. Nhiều người đã sai lầm khi dùng các sản phẩm chăm sóc da làm khô da quá mức, tẩy tế bào chết quá thường xuyên, không bảo vệ da khi tiếp xúc ánh nắng.
Các dạng mụn trứng cá thường gặp - Mụn đầu trắng: mụn dưới da, nhỏ và li ti, da có lỗ chân lông kín. - Mụn đầu đen: xuất hiện trên bề mặt da và có màu đen, da có lỗ chân lông mở. Đây là hệ quả của sự oxy hóa mụn đầu trắng trên bề mặt da. - Mụn mủ: xuất hiện rõ trên bề mặt da, có màu đỏ và có mủ trắng ở đầu. Loại mụn này thường sưng tấy và để lại thâm sau khi lấy nhân mụn. - Mụn hạch: nhìn rõ trên bề mặt da, thường có các khối u lớn, cứng dưới bề mặt da, gây đau và khó chịu. - U nang: xuất hiện rõ trên bề mặt da, mụn to, là các cục u sưng viêm và nhiều mủ dưới bề mặt da, có thể gây ra sẹo trên da khi lấy nhân mụn. |
Tránh chế độ ăn chứa nhiều đường, tinh bột như bánh mì trắng, khoai tây chiên, bánh ngọt, cơm trắng, uống nhiều sữa tươi và chất béo. Người bị mụn nên kiên trì theo chỉ định của bác sĩ, tránh thay đổi và sử dụng quá nhiều loại sản phẩm trị mụn.
Ngoài ra, thức khuya và thường xuyên căng thẳng là điều nên tránh với những ai hay bị mụn trứng cá.
* Khi bị mụn trứng cá, có thể thực hiện peel da (tái tạo da mặt bằng hóa chất) không? Nếu có thì tần suất và cách làm như thế nào là phù hợp?
- Peel da hay tái tạo da mặt bằng hóa chất là một trong những phương pháp được dùng để trẻ hóa da. Đây là phương pháp dễ thực hiện, có hiệu quả trong điều trị rám má, mụn trứng cá, sẹo mụn, nếp nhăn...
Các hoạt chất thường được sử dụng để tái tạo da là glycolic acid, trichloroacetic acid, salicylic acid… với nhiều nồng độ khác nhau. Đây là quá trình sử dụng tác động của các chất hóa học lên da, nhằm làm tróc lớp thượng bì hoặc lớp bì để kích thích quá trình lành thương tự nhiên của da.
Tùy tình trạng làn da của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định loại hóa chất với nồng độ và độ sâu khác nhau để điều trị. Để làm tăng và duy trì hiệu quả điều trị, bệnh nhân có thể cần thực hiện phương pháp này từ 3-5 lần, mỗi lần cách nhau từ 2-4 tuần.
Thanh Huyền (thực hiện)