Để mùa hè “năm COVID” không là khoảng trống của trẻ thơ

02/08/2021 - 06:36

PNO - Khi dịch bệnh ập đến khiến người lớn vất vả nhiều hơn thì mùa hè của những đứa trẻ cũng trở nên dị biệt, khó khăn một cách đáng thương…

 Trẻ ở quê: Chới với trong mùa hè quanh quẩn

Mỗi năm đến hè, trường học ở các tỉnh thường không tổ chức các hoạt động vui chơi hè; kể cả các lớp bồi dưỡng văn hóa như ở các thành phố lớn cũng không. Những đứa trẻ ở quê chỉ có thể đi học thêm các lớp dạy thêm của thầy cô. Mùa hè năm nay, dịch bùng phát, học sinh ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cấp tập thi học kỳ xong, trường bế giảng rồi nghỉ hè. Hình thức dạy học trực tuyến ở nhiều địa phương gần như chưa thể thực hiện. Những lớp dạy thêm của giáo viên cũng im ỉm vì dịch. Với những đứa trẻ ở quê, hơn hai tháng hè qua là một khoảng trắng, không được tham gia các hoạt động học tập hay vui chơi nào. 

Anh Thanh Tuấn (H.Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Con tôi học lớp Ba, cuối tháng Năm thi học kỳ xong, cô phát thưởng tại lớp là nghỉ hè luôn, còn không kịp dự lễ bế giảng năm học đúng nghĩa. Dịch nên chẳng thầy cô nào nhận dạy ở nhà, các con cũng không thể đi chơi như trước đây. Tháng Bảy, tỉnh thực hiện giãn cách nên con chỉ quanh quẩn trong nhà. Con chơi iPad, đồ chơi… rồi cũng chán. Tôi quay qua bắt con đóng vai thầy giáo dạy đứa em họ nhỏ hơn hai tuổi học bài, nhưng cũng không thể cho con mùa hè đúng nghĩa”. 

Ở nhiều tỉnh thành, học sinh gần như chỉ quanh quẩn trong nhà với đồ chơi, điện thoại…
Ở nhiều tỉnh thành, học sinh gần như chỉ quanh quẩn trong nhà với đồ chơi, điện thoại…

Còn chị Thùy Linh (chung cư Hoàng Quân, H.Bình Chánh, TP.HCM) kể: “Khi con vừa được nghỉ hè, thấy tình hình dịch ở TP.HCM phức tạp nên mình xin nghỉ làm một ngày đưa con về tỉnh Bến Tre gửi ông bà. Nghĩ là gửi đỡ một, hai tuần cho con hít thở không khí, khi dịch lắng xuống thì rước lên cho học các lớp kỹ năng hè, nên không gửi kèm đồ chơi hay các thiết bị công nghệ. Thế rồi, dịch càng lúc càng phức tạp, việc đi lại khó khăn nên con kẹt lại ở quê cho đến nay mà không được học hành hay vui chơi đúng nghĩa”. Nhưng điều chị lo hơn là mỗi khi điện thoại về thường thấy con “ôm” chiếc ti vi của ông bà. Con còn được ông bà cho chơi điện thoại, điều mà chị gần như cấm tiệt. Mùa hè này, con coi như “trắng” về giao tiếp xã hội và trải nghiệm, nhưng có thể sẽ bị bệnh khúc xạ khi xem ti vi nhiều và ghiền điện thoại…

Không chỉ mất trọn mùa hè, cậu bé N.T. còn phải bôn ba cùng cha mẹ trở về quê nhà ở tỉnh Nghệ An mà từ lúc sinh ra đến nay (tám tuổi) cậu bé chỉ được về tết đúng một lần. Chị Nguyễn Thanh P. (TP.Thủ Đức) chia sẻ, T. là con của em trai chị. Vợ chồng em trai vào tỉnh Bình Dương làm công nhân. Đợt dịch này, nhà máy dừng vì có ca nhiễm nên gần như thất nghiệp hơn một tháng. Tiền dành dụm không còn, tiền nhà trọ vẫn phải đóng, những ngày giãn cách xã hội đồ ăn, thức uống đắt hơn, ở lại cũng không biết cầm cự bao lâu nên hai vợ chồng và đứa con đèo nhau trên xe máy để về quê. 

TP.HCM: Thầy cô chủ động tạo mùa hè online

Ngoại trừ các lớp cuối cấp phải thi nên học online từ tháng Năm, còn lại học sinh các khối lớp tại TP.HCM gần như “ngủ đông” giữa mùa hè. Không học kỹ năng, ngoại khóa, càng không có các hoạt động tập thể, ngoài trời… Những đứa trẻ cũng phải nằm trong guồng khó khăn chung của thời cuộc. Khi mà các hoạt động hè gần “bất động” trong mùa hè COVID thì nhiều giáo viên, trường học chủ động tạo một mùa hè online. 

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh có một mùa hè tích cực
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh tích cực tham gia các thử thách để mùa hè ý nghĩa

Hiểu những đứa trẻ ở TP.HCM bị “nhốt” trong bốn bức tường sẽ cuồng chân thế nào nên cô giáo tiếng Anh Đặng Trần Phương Thảo, Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10, TP.HCM), đã nghĩ đến việc phải làm gì đó cho học sinh. Thế là hai câu lạc bộ tiếng Anh miễn phí cho học sinh lớp Hai, Ba và Bốn, Năm dạy qua chương trình trực tuyến Zoom ra đời từ tháng Sáu. Với tính chất câu lạc bộ, cô chọn lọc những bài học, chương trình mang tính học mà chơi đưa vào giảng dạy để trẻ không chán và dễ tiếp thu. 

Các lớp của cô Phương Thảo tạo ra những hoạt động vui, bổ ích, lồng ghép tiếng Anh giúp các em ôn luyện vốn từ, khả năng giao tiếp, tương tác với bạn bè. Lớp học của cô không chỉ thu hút học sinh trong trường mà dần dà còn có học sinh ngoài trường đăng ký tham gia. Nhiều phụ huynh chia sẻ, khi giúp con thao tác máy để học thấy con rất thích thú. Lớp học giống như một buổi sinh hoạt giao lưu, con được giao tiếp với bạn bè nên vui lên hẳn. Hơn nữa, các hoạt động đố vui đều bằng tiếng Anh cũng giúp con học được ít nhiều. 

Nếu như năm 2020, hoạt động hè của Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) bị đứt gãy vì dịch bệnh thì năm nay, các thầy cô không chấp nhận ngồi im nữa. Đây là một chương trình hoạt động hè đang tạo hiệu ứng tốt và thu hút khá đông học sinh tham gia.

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, chia sẻ: “Tôi nghĩ thầy cô phải tạo cho học sinh năng lực tự học và thích ứng với cuộc sống. Hoàn cảnh này phải tập quen với việc không phải lúc nào cũng có thể gặp thầy cô mới học. Vậy là tôi giao “đề bài” cho các giáo viên làm sao tiếp cận được học sinh để giải quyết những vấn đề này và tạo động lực. Ban đầu, một vài thầy cô thấy khó nhưng sau đó may mắn, có một số thầy cô có khả năng truyền cảm hứng, một vài thầy cô giỏi công nghệ… Vậy là hoạt động “Tôi tự giác - Tôi trưởng thành - Tôi hạnh phúc” ra đời”. 

Đây là chương trình được tổ chức dưới dạng một chuỗi thử thách bản thân học sinh. Hè là thời gian giáo viên được nghỉ ngơi nhưng buổi sáng, thầy cô chủ nhiệm các lớp tranh thủ dậy sớm và “kêu” học sinh của mình cùng thức dậy đọc sách hoặc tập thể dục… miễn sao duy trì nền nếp sinh hoạt bình thường, không để học sinh ỳ ra vì ở nhà. Giữa thầy cô và học sinh, giữa học sinh và học sinh thực hiện giao kèo, cam kết cùng nhau thực hiện các hoạt động như đọc sách, hoặc thử thách thiết kế game, thậm chí là nấu ăn, cùng làm giá từ đậu… Mỗi thành viên có trách nhiệm hoàn thành, chia sẻ bí quyết với bạn… 

Em Duy (lớp 6) vượt qua thử thách
Em Trần Quang Đăng Duy (học sinh lớp 6/8 Trường THPT Lương Thế Vinh) hoàn thành thử thách 3 tuần

Thành quả sẽ được chia sẻ vào group lớp để so sánh kết quả. Tuy là chương trình hè nhưng nhà trường cho biết sẽ có tổng kết, trao giải thưởng để học sinh hứng thú hơn. Những hoạt động này còn đăng trên fanpage của trường để tăng tính lan tỏa. 

Đặc biệt, chuỗi hoạt động này không chỉ là thách thức cho học sinh mà còn “kéo” cha mẹ vào cùng tham gia, kết nối tình cảm gia đình trong giai đoạn khó khăn này. Cô Bùi Minh Tâm chia sẻ: “Ban đầu cũng gặp không ít trở ngại, một số phụ huynh phản đối, như việc bắt học sinh thức dậy lúc 5 - 6 giờ sáng. Người thì bận đi làm cả ngày, về thì làm việc nhà lấy thời gian đâu quay phim, chụp hình cho con… Thế là các cô phải tinh tế giải thích với cha mẹ trường làm như vậy để tạo động lực sống và học tập cho các con, rồi âm thầm hướng dẫn các em làm việc nhà san sẻ vất vả với cha mẹ, biết nói những lời yêu thương với người thân. Thật may mắn khi có đội ngũ vừa chịu khó vừa tinh tế, nhiệt tình”. 

Với học sinh lớp Sáu vừa trúng tuyển vào trường, các thầy cô cũng không “bỏ quên” những học trò chưa biết mặt. Mỗi tuần đều có các lớp dạy online giúp học sinh làm quen chương trình lớp Sáu mới, làm gì với một ngày của bạn, dạy sơ đồ tư duy… 

 

Những hoạt động học sinh có thể tham gia miễn phí

Từ cuối tháng Sáu cho đến khi học sinh quay lại trường, Trường Song ngữ Quốc tế Hoàng Gia (Q.7, TP.HCM) tổ chức khóa hè miễn phí dành cho học sinh từ lớp Một đến lớp 12 trên toàn quốc. Với thời lượng 60 phút/buổi và bốn buổi/tuần, học sinh sẽ được tham gia các trải nghiệm như: hoạt động học tập và giao lưu tiếng Anh cùng giáo viên bản ngữ; hoạt động chia sẻ, bày tỏ quan điểm cá nhân; hoạt động rèn luyện thể dục thể thao và các hoạt động sáng tạo mỹ thuật, âm nhạc. Sau các hoạt động mỹ thuật, âm nhạc và thể thao, mỗi học sinh còn được thử thách bản thân với các cuộc thi online.

Chương trình Design for Change Vietnam tổ chức hàng trăm buổi trò chuyện online miễn phí cho các học sinh từ đầu mùa dịch đến nay. Đây là sáng kiến được đưa ra bởi phong trào DFC - là phong trào trẻ em và học sinh lớn nhất thế giới có mặt tại hơn 100 quốc gia, nhằm giúp các em duy trì những kết nối hữu ích và tinh thần lạc quan trong bối cảnh phong tỏa dài ngày.

 

 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI