Đề minh họa nhiều sai sót, học sinh lo bị thiệt thòi

17/05/2017 - 08:31

PNO - Đề minh họa của môn địa lý, hóa, ngữ văn… đều lần lượt bị phát hiện có sai sót hoặc chưa chuẩn, gây bức xúc cho giáo viên và gần một triệu thí sinh trên cả nước.

Đề minh họa kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định là gần giống với đề thi thật, nhất là về cấu trúc đề, số trang, số câu hỏi… giúp học sinh (HS) có căn cứ để ôn tập, làm quen với những thay đổi của kỳ thi năm nay. Thế nhưng, đề minh họa của môn địa lý, hóa,  ngữ văn… đều lần lượt bị phát hiện có sai sót hoặc chưa chuẩn, gây bức xúc cho giáo viên (GV) và gần một triệu thí sinh (TS) trên cả nước.

De minh hoa nhieu sai sot, hoc sinh lo bi thiet thoi
Học sinh Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) trong buổi thi thử vào sáng 16/5 nhằm tập dượt cho kỳ thi THPT quốc gia

Đề chưa chuẩn, gây nhiều tranh cãi

Thầy Nguyễn Đình Độ - Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, Q.Tân Phú, TP.HCM - dẫn chứng,  đề minh họa môn hóa học có sai sót ở câu 74. Cụ thể, đề thi đã ra một bài toán với hai phương án trả lời đều đúng. Về nguyên tắc, đề thi trắc nghiệm chỉ duy nhất có một kết quả đúng. Với hai lựa chọn đúng, vậy TS chọn câu nào thì được tính điểm?

Ngay đề minh họa môn ngữ văn - môn thi duy nhất vẫn giữ nguyên phương thức thi tự luận - cũng khiến nhiều HS và GV tâm tư. Sau khi cho HS tham khảo và làm bài thử, thầy Đỗ Đức Anh - GV Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM - quan ngại: “Nếu đề thi thật có cấu trúc như đề minh họa thì sẽ gây khó khăn và áp lực lớn cho HS. Đề chỉ làm trong 120 phút nhưng khá dài, nhất là câu nghị luận văn học, khiến HS khó lòng giải quyết thấu đáo hết bài luận. Thêm nữa, việc Bộ chuyển bài nghị luận xã hội từ bài văn 600 từ thành đoạn văn 200 từ cũng khiến nhiều HS hoang mang. Để bày tỏ ý kiến, quan điểm về một vấn đề xã hội mà chỉ có 200 từ thì sẽ khó tải hết ý”. 

Gây nhiều tranh cãi nhất đến thời điểm này là đề minh họa môn địa lý - lần đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm. Đánh giá cao sự phân loại của đề, nhưng cô Nguyễn Thị Thúy Hằng - GV môn địa lý Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM - cho rằng, câu 44 có vẻ chưa ổn, cần phải điều chỉnh.

“Tuyến đường giao thông xuyên suốt cả nước trước đây có tên là quốc lộ 1 nhưng sau này có hình thành thêm một số quốc lộ 1 khác như 1K, 1B… nên đã đổi thành quốc lộ 1A. Quốc lộ 1A là khái niệm chính xác, hiện trong sách giáo khoa lẫn atlat đều sử dụng tên gọi quốc lộ 1A để chỉ tuyến đường này. Việc đề đưa vào khái niệm quốc lộ 1 có thể gây hoang mang cho nhiều HS không nắm được lịch sử đổi tên của tuyến đường này” - cô Hằng chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thuật - giảng viên môn địa lý Trường đại học Đồng Nai - cho rằng đề thi môn địa lý không bám sát thực tế. Cụ thể, câu 55 “Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 15, cho biết các đô thị nào sau đây có quy mô dân số trên 1 triệu người? A. TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. B. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng. C. Hải Phòng, Cần Thơ, Hà Nội. D. Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.

“Số dân Đà Nẵng năm 2015 đã trên một triệu, Hải Phòng trên hai triệu, còn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì khỏi phải nói. Vậy đáp án nào đúng? Đã sử dụng số liệu để hỏi HS thì số liệu cần bám sát thực tế” - ông Thuật đề nghị.

Cũng theo ông Thuật, câu 62 có đáp án đưa ra không rõ ràng. Trong câu này, với bảng số liệu về số lượng bò của trung du và miền núi Bắc bộ, Tây Nguyên giai đoạn 2005-2014, đề yêu cầu “căn cứ vào bảng số liệu, cho biết nhận xét nào sau đây đúng về số lượng bò giữa trung du và miền núi Bắc bộ và Tây Nguyên, giai đoạn 2005-2014? A. Trung du và miền núi Bắc bộ tăng nhanh hơn Tây Nguyên; B.Tây Nguyên lớn hơn trung du và miền núi Bắc bộ; C.Tây Nguyên tăng ít hơn trung du và miền núi Bắc bộ; D.Trung du và miền núi Bắc bộ lớn hơn Tây Nguyên”. 

Các phương án đưa ra cho thấy: nếu phương án A là đúng thì phương án C cũng không sai!

Cần công khai đề, đáp án 

Lần đầu tiên, TS phải dự thi các bài thi theo dạng tổ hợp; rồi các môn toán, sử, địa, giáo dục công dân cũng đầy lạ lẫm với hình thức trắc nghiệm, khác với chương trình học lâu nay. Học trò lo lắng đã đành, thầy cô cũng lo. Vì vậy, đề minh họa do Bộ công bố giống như là kim chỉ nam duy nhất để GV và HS cả nước bấu víu.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng đã khẳng định, đề minh họa được công bố nhằm giúp HS có định hướng để ôn tập và làm quen với những đổi mới của đề thi so với các năm trước. Vậy nên, khi đề công bố với nhiều sai sót, dư luận hụt hẫng, còn TS thì chới với. 

Đề minh họa đã để lại nhiều nghi vấn cho giới chuyên môn. Thầy Đỗ Đức Anh băn khoăn: “Bộ không công bố đáp án thì không biết chuẩn chung của lần đánh giá này thế nào. GV phải tự mày mò”.

Tương tự, thầy Nguyễn Đình Độ đặt câu hỏi: “Với những sai sót ở đề thi minh họa, không thể đảm bảo 100% đề thi thật không sai sót. Nhưng nghe nói năm nay Bộ sẽ không công bố đề thi chính thức, vậy nếu có sai sót thì ai phát hiện? TS sẽ bị thiệt thòi mà không hay biết”. Ông Độ đề nghị Bộ phải công bố đề thi và đáp án, để đảm bảo “độ khó giữa 24 mã đề, chỉ thay đổi số liệu”. Có như vậy, TS trong cùng phòng thi không thể quay cóp bài bạn, mà vẫn đảm bảo sự công bằng cho TS. 

Đề minh họa như trên chẳng những không giúp HS có thêm định hướng ôn tập mà còn hoang mang thêm. Em Ngọc Hạ - HS lớp 12 Trường THPT Nhân Việt, Q.Tân Phú, TP.HCM - lo lắng: “Đề nhiều lỗi như vậy, HS thiệt rồi. Mỗi môn trắc nghiệm có đến 24 mã đề, nếu lỡ em làm đề có câu bị sai mà 23 bạn khác không bị sai thì có phải em chịu thiệt không? Chưa kể, ai đảm bảo là 24 đề này có độ khó ngang nhau? Sao em thấy hên xui quá, xét vào đại học phải tranh nhau từng 0,25 điểm mà kiểu này thì dễ bị rớt oan lắm”. 

Đây là nỗi lo lắng của hầu hết TS chuẩn bị bước vào “trận đánh lớn” sau 12 năm đèn sách.

“Sao em thấy hên xui quá! Xét vào đại học phải tranh nhau từng 0,25 điểm mà đề ra kiểu này thì dễ bị rớt oan lắm!” - Ngọc Hạ, HS lớp 12 tại TP.HCM âu lo.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI