Để miền Tây ngày càng hấp dẫn du khách

19/12/2024 - 06:23

PNO - Miền Tây Nam Bộ đang chuẩn bị đón khách du lịch mùa cao điểm tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Các doanh nghiệp lữ hành cũng đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị, tung ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn; các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch tích cực mời gọi khách bằng các gói khuyến mãi.

Miền Tây có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn với đảo ngọc Phú Quốc, mũi Cà Mau, Hà Tiên thập cảnh, Thất Sơn kỳ thú và nhiều sản phẩm du lịch xanh, làng nghề, chợ nổi, vùng sinh cảnh ngập nước, văn hóa bản địa, ẩm thực Nam Bộ, đờn ca tài tử độc đáo. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, cảnh quan xanh mát, các vườn cây trái trĩu quả, miền Tây mang lại trải nghiệm sống động cho du khách.

Thời gian qua, du lịch cộng đồng cũng phát triển mạnh ở một số địa phương như Cồn Sơn (TP Cần Thơ) với mô hình khai thác văn hóa bản địa và sinh thái. Sự sáng tạo trong các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan thiên nhiên, các làng nghề truyền thống, các lễ hội văn hóa độc đáo trong vùng đã góp phần định hình thương hiệu du lịch miền Tây.

Du lịch tiếp tục là mảng sáng trong bức tranh kinh tế, xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nhiều địa phương trong vùng đạt kết quả ấn tượng về thu hút du khách và doanh thu. Theo Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn vùng đã đón hơn 52 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt hơn 62.000 tỉ đồng. Những con số này cho thấy sức hấp dẫn của du lịch miền Tây.

Trong xu hướng sống xanh, miền Tây có cơ hội lớn để phát triển du lịch bền vững.
Trong xu hướng sống xanh, miền Tây có cơ hội lớn để phát triển du lịch bền vững.

Trong xu hướng sống xanh, miền Tây có cơ hội lớn để phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, du lịch miền Tây cũng đang có những hạn chế và đối diện nhiều thách thức. Tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên du lịch. Những năm qua, mặc dù các địa phương trong vùng nỗ lực đầu tư, cải thiện đáng kể về hạ tầng du lịch, nhưng sản phẩm du lịch của các tỉnh vẫn bị cho là trùng lắp, bắt chước, gây nhàm chán. Nhiều điểm đến còn cách trở do hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu các dịch vụ cơ bản. Khách ít quay lại, thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách thấp. Trung bình du khách chỉ lưu trú 1,5 ngày và chi tiêu khoảng 1,2 triệu đồng/ngày, thấp hơn nhiều so với Đà Nẵng, Nha Trang.

Do đó, chính quyền các địa phương và doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, xây dựng thêm các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc tế và đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí để kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Cần chú trọng phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, như hoạt động “tắm rừng” (forest bathing) hay tham quan các trang trại hữu cơ.

Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp cần hợp tác để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ và nghiệp vụ. Cần xây dựng thương hiệu du lịch vùng và các thương hiệu du lịch của các địa phương, vừa tạo sự phong phú, khác biệt, vừa đóng góp vào thương hiệu du lịch chung của vùng. Xây dựng thương hiệu du lịch cần gắn với việc đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá, xúc tiến hiệu quả.

Để du lịch miền Tây không chỉ đón được đông khách mà còn giữ chân họ lâu hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Chỉ khi có chiến lược phát triển bền vững, khai thác tối đa tiềm năng và khắc phục những hạn chế, miền Tây Nam Bộ mới có thể khẳng định vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thuy Nguyen 19-12-2024 10:47:16

    Du lịch miền tây rất hấp dẫn nhưng cần chú ý làm nhà vệ sinh cho sạch sẽ, đi du lịch thấy nhà vệ sinh dơ không còn muốn giới thiệu bạn bè, không muốn đi nữa.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI