Để miền Tây Nam bộ không còn là “vùng trũng”

27/04/2022 - 06:51

PNO - Miền Tây Nam bộ - vùng đất châu thổ thường gắn những cụm từ trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào - nhưng mãi cho đến nay, miền đất này vẫn bị xem là “vùng trũng” với hạ tầng giao thông thiếu và yếu, sức cạnh tranh thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế và năng suất lao động ở mức thấp...

Ứng phó tình trạng nhiễm mặn

Chiều 26/4, bà Đặng Thị Lũy - 76 tuổi, ở ấp Bình Huề 2, xã Đại Hòa Lộc, H.Bình Đại, tỉnh Bến Tre - đẩy chiếc xe đạp cà tàng lên trụ sở xã chở nước ngọt về sinh hoạt. Đây là hình ảnh khá quen thuộc ở vùng đất nhiễm mặn cuối hạ nguồn sông Tiền. 

Công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (tại tỉnh Kiên Giang) vừa đưa vào vận hành được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Từ Nhân
Công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (tại tỉnh Kiên Giang) vừa đưa vào vận hành được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Từ Nhân

Cũng xách trên tay bình nước nặng trĩu, ông Đặng Văn Quýt, 75 tuổi (ngụ cùng xã) bày tỏ: “Những năm trước, vào mùa hạn mặn, ở vùng ven biển rất khó khăn về nguồn nước sạch sinh hoạt. Các giếng nước ngầm đều đã bị nhiễm mặn. Năm nay tình hình nhiễm mặn cũng không giảm nhưng bà con ở đây đã quen dần, không còn lo lắng như trước”.

Ông Trương Công Lý - Chủ tịch UBND xã Đại Hòa Lộc - cho biết 600 hộ dân ấp Bình Huề 2 chịu ảnh hưởng nặng từ biến đổi khí hậu, hạn hán. Theo ông, hạn mặn kéo dài khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tính riêng tháng 2/2022, độ mặn tại các kênh, rạch tự nhiên là trên 12‰ (tăng 4‰ so với cùng kỳ năm trước). Độ mặn của các nhà máy cung cấp nước sạch từ 2 - 4‰ (tăng 1 - 2‰ so với cùng kỳ năm ngoái). Với thực trạng này, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch về thủy lợi, khuyến cáo người dân trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu…

Chiều muộn, bà Trần Thị Hè - 51 tuổi, ở ấp Tân Thị, xã Tân Xuân, H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre - đẩy chiếc xe trên đường đan dọc hồ Kênh Lấp, chở bó cỏ to về nuôi đàn bò bốn con. Hồi cuối năm 2019, hồ Kênh Lấp chính thức được đưa vào sử dụng, dài gần 5km, tổng diện tích hơn 60ha, chứa khoảng một triệu mét khối nước ngọt. 

Vốn là con kênh đào được lấp hai đầu, hồ Kênh Lấp được xây dựng sau đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016. Ông Giả Văn Điện - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân - thông tin khi hồ Kênh Lấp vận hành, quy hoạch thủy lợi tại địa phương này cơ bản đã hoàn chỉnh. Nước sinh hoạt cho người dân do nhà máy lọc từ nguồn cống Ba Lai. Toàn xã có 1.777ha đất nông nghiệp, những ruộng trồng lúa kém hiệu quả thì bà con chuyển qua trồng cỏ nuôi bò, đời sống kinh tế ngày càng khấm khá hơn. Xã có 3.555 hộ với hơn 15.300 nhân khẩu, hiện chỉ còn 750 hộ nghèo. 

Tháo gỡ “điểm nghẽn” liên kết vùng

Hồi cuối tháng 3/2022, sự kiện khởi công cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre với vốn đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng thu hút sự quan tâm của người dân cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhờ có những cây cầu, người dân ở ĐBSCL đỡ vất vả trong việc đi lại. Điển hình là nhờ chiếc cầu bắc trên cống Ba Lai - cống đập ngăn cửa sông đầu tiên và duy nhất của chín dòng Cửu Long - mà 20 năm qua, bà con xã Đại Hòa Lộc qua lại xã Tân Xuân được. 

Chiều 5/3/2022, tại H.Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khánh thành hệ thố ng công trì nh thủ y lợ i Cá i Lớ n - Cá i Bé giai đoạn 1. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam về quy mô, khẩu độ thông nước; công trình này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long ẢNH: DƯƠNG GIANG-TTXVN
Chiều 5/3/2022, tại H.Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khánh thành hệ thố ng công trì nh thủ y lợ i Cá i Lớ n - Cá i Bé giai đoạn 1. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam về quy mô, khẩu độ thông nước; công trình này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Dương Giang -TTXVN

Từ năm 2002, cống đập Ba Lai được đưa vào sử dụng, là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất ĐBSCL lúc bấy giờ. Dài hơn nửa cây số, cống Ba Lai gồm 10 cửa, vận hành bằng van tự động hai chiều, phục vụ cho trên 115.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản và kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ.

TP.Cần Thơ có vị trí trung tâm của vùng, được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ là đô thị động lực của vùng, nhưng nhiều năm qua, địa phương này chưa phát huy được vai trò của mình bởi việc kết nối giao thông với TPHCM còn hạn chế. Cần Thơ thiếu cơ sở công nghiệp quy mô lớn nên nguồn thu rất hạn hẹp, không có nguồn lực tài chính để đầu tư cho phát triển. Do đó, ngay khi Quốc hội thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ, chính quyền TP.Cần Thơ đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện nghị quyết. 

Hiện tại, Cần Thơ tập trung ba dự án quy mô lớn là Trung tâm Liên kết sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Năng lượng Ô Môn và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore nhằm tạo “đòn bẩy” phát triển. Ông Lê Quang Mạnh - Bí thư Thành ủy TP.Cần Thơ - cho biết Trung tâm Liên kết sản xuất nông nghiệp sẽ đặt gần cảng hàng không quốc tế TP.Cần Thơ để đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản. Trung tâm Năng lượng Ô Môn dự kiến có năm nhà máy với công suất 4.500MW, tổng mức đầu tư trên 11 tỷ USD. Hiện nhà máy Ô Môn I đã đi vào hoạt động, nhà máy Ô Môn II đã cấp phép cho nhà đầu tư Nhật Bản, nhà máy Ô Môn IV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và nhà máy Ô Môn V đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xin đầu tư.

Nhờ có hồ chứa nước ngọt, kênh Lấp (H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre) người dân địa phương bớt nhọc nhằn trong việc tìm nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu
Nhờ có hồ chứa nước ngọt, kênh Lấp (H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre) người dân địa phương bớt nhọc nhằn trong việc tìm nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu

Cũng theo ông Lê Quang Mạnh, trung bình mỗi nhà máy trong Trung tâm Năng lượng Ô Môn được đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD, giúp tạo nguồn thu cho ngân sách rất lớn. Trong thời gian xây dựng, trung tâm sẽ tạo ra nguồn thu cho ngân sách khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, cụm nhà máy năng lượng nêu trên sẽ góp phần rất lớn cho phát triển của TP.Cần Thơ nói riêng và miền Tây Nam bộ nói chung. 

Nguyên nhân khiến các địa phương vùng ĐBSCL khó “cất cánh” là thiếu liên kết, từ đó mất đi những cơ hội từ các nhà đầu tư. “Vai trò trung tâm của TP.Cần Thơ bị mờ nhạt là do bị hạ tầng giao thông kìm hãm, thiếu những tuyến đường kết nối nội vùng, liên vùng và những tuyến đường để đưa hàng hóa xuất khẩu đi các nước” - ông Lê Quang Mạnh nhận định.

Chiếm 12% diện tích canh tác cả nước với dân số gần 20 triệu người, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 70% sản lượng trái cây của cả nước, góp phần quan trọng vào xuất khẩu nông sản, thủy sản.

Đầu tháng 3/2022, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 27/4, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được chính thức đưa vào sử dụng, với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Cao tốc này dài 51km, rộng 16m, gồm bốn làn xe (sẽ mở rộng lên sáu làn), giúp giảm tải cho Quốc lộ 1, rút ngắn thời gian từ TPHCM đi Mỹ Thuận từ 3 giờ xuống còn 1 giờ 45 phút. 

Từ Nhân

Vào tháng 3/2022, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức khánh thành công trình cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé với số vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 3.300 tỷ đồng. Dự kiến, sau khi đưa vào hoạt động, gần 350.000ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc năm tỉnh (Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng) sẽ được hưởng lợi từ công trình này. Dự khánh thành công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cùng với các công trình khác, công trình Cái Lớn - Cái Bé sẽ góp phần phát triển ĐBSCL nhanh và bền vững

Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng

Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới lần này là để tạo ra một bước đột phá mới trong phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới. 

Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực nghị quyết này, Tổng Bí thư đề nghị, cần nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, từ đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, toàn vùng, từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước theo phương châm “cả nước vì vùng và vùng vì cả nước”; phải khơi dậy, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tính chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong vùng; đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách phát triển vùng; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng…

Doanh nghiệp ở TPHCM ký kết hợp tác 1.165 dự án với đồng bằng sông Cửu Long

Theo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 120-NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu mà UBND TPHCM vừa gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua TPHCM đã ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh thành ĐBSCL nhằm hỗ trợ các địa phương này khai thác tốt nguồn lực đầu tư, phát huy những lợi thế của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Các doanh nghiệp của TPHCM đã ký kết hợp tác tại 13 địa phương với 1.165 dự án, tổng giá trị ước khoảng 279.503 tỷ đồng, tạo điều kiện để hình thành hệ thống mạng lưới sản xuất tiêu thụ hàng hóa nội địa giữa các doanh nghiệp TPHCM với các địa phương và tạo nguồn xuất khẩu nông lâm thủy sản cho thành phố; đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp của TPHCM chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm, xây dựng phát triển nông thôn mới ở các tỉnh.

Trong những năm gần đây, TPHCM tổ chức các chợ phiên nông sản an toàn với sự tham gia của các tỉnh, thành trong đó có các tỉnh vùng ĐBCSL như: Long An, Tiền Giang, Cà Mau. Ngoài cung cấp hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc sản phẩm tham gia chuỗi tại chợ phiên, các đơn vị còn ký kết các đơn đặt hàng tiêu thụ sản phẩm. Đầu năm 2022, TPHCM triển lãm mô hình nông nghiệp tại hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2021. Triển lãm giới thiệu các mô hình, sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả, năng suất cao, bền vững, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới…

Một số công trình giao thông kết nối TPHCM với các tỉnh, thành ĐBSCL đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giao thương của ĐBSCL và TPHCM. Hiện tại, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai thi công và tiếp tục kêu gọi nguồn vốn đầu tư, từng bước hoàn chỉnh tuyến Vành đai 3, Vành đai 4. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ nhằm nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ TPHCM đến các tỉnh ĐBSCL.

Sơn Vinh

 

Xâm nhập mặn giảm nhưng nông dân vẫn nên thận trọng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng dòng chảy từ tháng 1 đến tháng 2/2022, dòng chảy trên sông Mê Kông biến đổi chậm; từ đầu tháng Ba, dòng chảy trên sông Mê Kông tăng mạnh do đập thủy điện ở Trung Quốc tăng xả.

Trong 15 ngày đầu tháng Tư, lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế tăng dần và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Dự báo, 15 ngày cuối tháng Tư, lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế tăng dần và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 20%. Tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long từ tháng Tư đến tháng Sáu ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 30%.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo dòng chảy bình quân về ĐBSCL từ tháng Tư đến cuối mùa khô ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, do ảnh hưởng của xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc và hạ lưu vực Mê Kông. Điều này sẽ có tác động tích cực đến giảm xâm nhập mặn ở các tháng Tư và Năm nếu không có gì bất thường từ vận hành giảm xả nước ở các thủy điện.

Xâm nhập mặn ở tháng Tư có xu thế giảm dần. Tuy vậy, các khu vực ven biển, cửa sông vẫn còn ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là vào những ngày triều cao. Để phòng tránh các thiệt hại do hạn mặn gây ra, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, các vùng cách biển 30 - 35km nên chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc mưa diện rộng mới xuống giống vụ hè thu tiếp theo. Đồng thời phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi, cập nhật lịch vận hành, tranh thủ lấy ngọt (khi độ mặn ngoài sông cho phép) để tích trữ nước ao, ruộng, mương liếp. Đặc biệt, khi tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn quả cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước khi tưới.

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI