Để máy điều hòa bớt thiêu đốt hành tinh

27/06/2023 - 06:00

PNO - Khi các đợt nắng nóng càn quét vào mùa hè, hàng tỉ người sẽ rất cần có máy điều hòa không khí. Thế nhưng, cùng với sự mát mẻ, thoải mái mang lại, tác động của máy điều hòa không khí với mạng lưới năng lượng và nguy cơ biến đổi khí hậu cũng tăng lên.

Một người bán hàng ngồi cạnh máy điều hòa ở Chhattisgarh, Ấn Độ -  ẢNH: BLOOMBERG
Một người bán hàng ngồi cạnh máy điều hòa ở Chhattisgarh, Ấn Độ - Ảnh: Bloomberg 

4% lượng khí thải nhà kính từ máy điều hòa không khí 

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), điều hòa không khí và quạt điện chiếm khoảng 1/5 lượng điện tiêu thụ của các tòa nhà trên toàn thế giới. Ước tính từ Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, số máy điều hòa không khí trên toàn cầu chịu trách nhiệm cho khoảng 4% lượng khí thải nhà kính của thế giới.

Nói cách khác, biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên, nhu cầu làm mát theo đó cũng tăng lên. Rồi thì việc ngày càng có nhiều hơn máy điều hòa không khí lại tác động xấu khiến trái đất ngày càng nóng hơn. Vòng xoáy trên đã thúc đẩy các nhà chuyên môn nỗ lực tìm cách cân bằng nhu cầu làm mát với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. 

Theo IEA, khoảng 10 máy điều hòa không khí sẽ được bán ra mỗi giây từ nay đến năm 2050. Nhu cầu về máy điều hòa không khí đang tăng cao ở những thị trường có thu nhập và nhiệt độ đều tăng, những nơi đông dân cư như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Ước tính, thế giới sẽ có thêm 1 tỉ máy điều hòa không khí trước năm 2030 và thị trường điều hòa không khí sẽ tăng gần gấp đôi trước năm 2040.

Những công ty sản xuất thiết bị làm mát đang gặp khó khi các quốc gia hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn. Một trong những chất làm mát phổ biến nhất trong máy điều hòa không khí là hydrofluorocarbons (HFC) có khả năng tác động gây biến đổi khí hậu cao gấp 1.000 lần so với CO2. Vào năm 2016, hơn 170 quốc gia đã đồng ý loại bỏ dần công nghệ HFC, bắt đầu từ năm 2019, với các quốc gia công nghiệp giàu có sẽ thực hiện những cắt giảm sâu đầu tiên. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại là các lựa chọn thay thế HFC có giá đắt đỏ hơn và điều đó dẫn đến sự phản đối ngay cả ở các nước giàu có.

Chỉnh nhiệt độ điều hòa không khí cao hơn

Đáng quan tâm, trong số 3,5 tỉ người sống ở vùng khí hậu nóng, chỉ có khoảng 15% sở hữu điều hòa không khí vào năm 2021. Tỉ lệ đó còn thấp hơn ở vùng châu Phi cận Sahara và Nam Á. Không được tiếp cận với hệ thống làm mát trong nhà khiến phần lớn dân số toàn cầu có nguy cơ cao bị sốc nhiệt do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xấu đến năng suất lao động và sức khỏe.

Dữ liệu từ IEA cho thấy, từ 2002-2021, số ca tử vong liên quan đến nhiệt ở người trên 65 tuổi trên thế giới ước tính khoảng 300.000 ca. Mới đây, Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết, gần 200 người đã thiệt mạng ở miền trung nước này do đợt nắng nóng lên đến 40-43 độ C. Ở nhiều khu dân cư của tầng lớp lao động ở Delhi, điều hòa không khí là vấn đề sống còn đối với nhiều người.

Piyu Haldar - một người giúp việc - cho biết, căn lều của cô biến thành lò nung vào mùa hè. Trước khi đi ngủ, Haldar và chồng thường tạt nước lên giường để làm mát. Khi con trai của họ chào đời vào năm 2016, cậu bé bị sốt do nắng nóng. Điều đó thúc đẩy đôi vợ chồng quyết định ngừng mua quần áo, cắt giảm các bữa ăn, vay nợ và làm thêm việc để mua một chiếc điều hòa không khí. Piyu cho biết, kể từ khi mua máy điều hòa, vợ chồng cô cảm thấy khỏe hơn và Yasir không còn bị bệnh vì nóng nữa.

Vince Romanin - Giám đốc điều hành của Gradient, công ty phát triển hệ thống điều hòa không khí tại Mỹ - cho biết: "Mọi người sẽ cần điều hòa không khí. Nhiệm vụ của chúng tôi là tập trung vào các cộng đồng dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy thị trường phát triển công nghệ mới giúp chúng ta khử các bon trên diện rộng".

Ngoài ra, các chuyên gia tin rằng, nỗ lực chống biến đổi khí hậu không chỉ đến từ công nghệ điều hòa không khí mới. Thay đổi hành vi, chẳng hạn như chỉnh tăng nhiệt độ điều hòa lên một chút, có thể giúp tiết kiệm rất nhiều năng lượng. Vào mùa hè năm 2022, Tây Ban Nha cấm các không gian công cộng, như trung tâm mua sắm và sân bay, đặt nhiệt độ làm mát dưới 26 độ C. Ý và Hy Lạp cũng hạn chế sử dụng điều hòa không khí ở nơi công cộng.

Những thay đổi trong thiết kế tòa nhà và khu vực cộng đồng, như thêm cây xanh cho đường phố hay mái hiên trên cửa sổ, cũng có thể tác động lớn đến nhu cầu làm mát. Bà Rachel Kyte - Hiệu trưởng Trường đào tạo sau đại học Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) - nhận định: "Cần có sự cân bằng giữa đổi mới công nghệ, hiệu quả kiểm soát nhiệt độ, lập kế hoạch chính sách, hành vi tiêu dùng và nhận thức ngày càng tăng về biến đổi khí hậu". 

 Tấn Vĩ (theo CS Monitor, Washington Post, IEA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI