1. Yêu nhau từ thời trung học, học chung đại học, ra trường đi làm vài năm, cha mẹ hai bên giục cưới. Lần lữa thêm vài năm để có nhà, có xe, ổn định cuộc sống. Dần dà, những điều Hưng nại ra làm cái cớ cũng dần thực hiện xong hết. Ừ, thì cưới, Hưng trả lời Huyền. Vậy là đám cưới diễn ra nhanh gọn, cưới xong cô dâu chú rể cũng chẳng đi hưởng tuần trăng mật.
Cuộc sống của Hưng - Huyền xem ra cũng chẳng xáo trộn gì nhiều. Bữa trưa cả hai ăn tại công ty, chiều tối ai về nhà nấy ăn cùng cha mẹ, rồi mới quay về căn nhà chung. Hưng lăn ra ôm chiếc máy vi tính chơi game, hoặc mở điện thoại lướt facebook. Huyền tranh thủ làm thêm công việc kế toán cho vài công ty nhỏ. Ai buồn ngủ thì đi ngủ trước. Sáng mai, lại lặp lại vòng quay cũ.
“Nhiều lúc, em nghĩ cũng chạnh lòng. Nếu cha mẹ không thúc ép, liệu anh ấy có muốn cưới em không? Mang tiếng vợ chồng son mà cuộc sống chẳng mặn nồng, cứ ơ hờ bên nhau”, Huyền than cùng chị bạn thân. Mẹ cô thì gạt đi: “Ôi dào, con cứ sinh cho nó một đứa con. Nhà cửa không có trẻ con nên lạnh lẽo thế đấy”. Nhưng chính vì lấn cấn không cảm thấy nhà mình là mái ấm, nên Huyền cứ chần chừ, không dám có con.
|
Ảnh mang tính minh họa: Internet |
2. “Mai anh muốn ăn gì?”; “Gì cũng được”. “Cánh gà chiên nước mắm nha anh, anh thích gà mà”. “Ừ”. “Hay mắm cá lóc chưng. Lâu rồi em không làm món này”. “Ừ”. “Sao cái gì anh cũng ừ hết vậy, nói chuyện với em mà anh cứ cắm đầu vào màn hình điện thoại, chẳng tôn trọng nhau gì cả…”. “Thì em cứ quyết mọi chuyện, anh sao cũng được”.
Hôm nào nhiều nhất là những câu đối thoại như vậy, còn lại thì chỉ vài ba lời cần thiết trao đổi. Cưới nhau mới ba năm mà những buổi trò chuyện giữa hai vợ chồng Hân - Lê cứ ngày càng kiệm lời như thế. Hai vợ chồng trẻ như trôi trong hai thế giới riêng. Lên giường ngủ thì lệch giờ, thảng hoặc cùng lên giường thì người ôm ti vi, kẻ ôm điện thoại. Hoặc có khi cả cùng hai ôm điện thoại lướt facebook. Họ khóc cười cùng người khác trên mạng ảo chứ không phải cùng nhau trong đời thật.
Dần dà, Hân - Lê tặc lưỡi cho qua những điều chướng mắt không phải vì bao dung mà là vì không muốn tranh cãi. Họ nhắm mắt làm ngơ cả điều tốt lẫn xấu của đối phương vì không muốn ghi nhận hay nhắc nhở nhau. Người nói - người nghe. Nói và nghe chỉ để trao đổi những gì tối thiểu cần thiết chứ không nói và nghe cho cùng một mối bận tâm. Cặp vợ chồng trẻ cứ thế mà xa nhau cho đến khi cả hai không còn gì chung nữa.
3. Ba năm chung sống, con trai Gia An 20 tháng tuổi, Phan Kim Phụng và Lý Thành Đạt (kiến trúc sư Công ty cổ phần Tư vấn kiến trúc xây dựng thành phố) trông vẫn như vợ chồng mới cưới đang trong thời kỳ trăng mật. Họ quấn quýt nhau không rời. Nói chuyện với nhau, ánh mắt hai vợ chồng luôn đong đầy yêu thương… Bạn bè của đôi vợ chồng trẻ kháo nhau: “Tụi mình ráng sống sao cho hạnh phúc như cặp Đạt - Phụng”.
Hỏi bí quyết, Phụng nhỏ nhẹ: “Vợ chồng quan trọng là người nói phải có người nghe. Lúc giận dỗi thì nên im lặng, chờ nguôi nguôi rồi hẵng nói, vì hai vợ chồng đều nóng và cộc tính. Có con rồi, tình cảm vợ chồng càng gắn bó hơn. Anh Đạt luôn giành việc thức đêm pha sữa, cho con bú, nên dẫu anh ấy không lãng mạn, ngọt ngào - các ngày kỷ niệm trong năm không hề tặng quà, chỉ hỏi vợ thích ăn gì rồi chở cả nhà đi ăn nhưng em vẫn thấy hài lòng.
Anh Đạt tánh hơi xuề xòa. Mà thật ra, đàn ông cũng không nên kỹ quá, phụ nữ sẽ bị ngột ngạt. Chúng em gặp được nhau là duyên may, nên rất bằng lòng với hiện tại. Có lần, em đọc bài báo, nói vợ chồng mỗi ngày phải dành 10 phút nói chuyện với nhau, mới giữ được hạnh phúc. Vợ chồng em là “trùm” nhiều chuyện, có chuyện gì cũng nhỏ to tâm sự…”.
4. Khi chúng tôi đang trò chuyện, điện thoại báo có tin nhắn. Gương mặt chị Lê Ngọc Hường (Chủ nhiệm Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng) bừng sáng. Chị cho xem tin nhắn của chồng, anh Lê Hoàng Tiến (Phó phòng Thiết kế Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ TP.HCM) vừa gửi bài hát “Tháng Tư về” cho chị nghe… Những niềm vui nho nhỏ xuất phát từ trái tim như thế, mỗi ngày anh Hoàng Tiến đều dành tặng chị trong suốt 16 năm hôn nhân.
Hôm thì gửi cho vợ hình hai cậu con trai. Lúc thì gửi bài viết cách chăm sóc trẻ tuổi teen. Cũng có khi anh nhắn chị, sau giờ làm tranh thủ đi cùng anh đến công viên chụp hình, trước khi cả hai cùng quay về đón con. “Trong hôn nhân, đừng đòi hỏi những điều lớn lao” - chị Ngọc Hường đúc kết. Duy trì bữa ăn tối là thời khắc quan trọng của cả gia đình. Biết chồng thích ăn cơm nhà, chị cố gắng tìm nguồn thực phẩm sạch từ nhiều nơi, nấu những món nóng sốt, tươi ngon.
Mỗi sáng đầu ngày, chị pha cho anh ly cà phê, lo bữa ăn sáng cho con trai lớn trong tiếng nhạc anh mở, luôn tinh ý chọn đúng gu chị. Cuối tuần, nhiều thời gian hơn, chương trình phục vụ âm nhạc sẽ được xoay tua, lần lượt đáp ứng sở thích từng thành viên trong gia đình. Phim ảnh cũng thế, anh tỉ mỉ tìm chọn từng loại phù hợp cho cả nhà. “Những sự chăm sóc bé tí ti đó đã khiến cuộc sống của chúng tôi giảm áp lực, trở nên phong phú hơn”, chị Ngọc Hường mãn nguyện.
Có quá sức không khi người ta chỉ cần dành ra những khoảng thời gian nhỏ để lắng nghe nhau, để nhìn nhau, để hiểu và vun đắp cho mái ấm dẫu trải nhiều năm tháng vẫn ấm áp tình yêu? Nếu bạn quay đi, nhìn sang hướng khác, để mặc bạn đời loay hoay thì dẫu mới cưới hôm qua, hôn nhân cũng sẽ ngủ đông, cằn cỗi.
Khánh Thủy