Để Liên hoan phim Việt Nam thành thương hiệu quốc gia: Giấc mộng trầm kha

17/07/2020 - 10:06

PNO - Nhiều ý kiến được đưa ra ở Hội thảo chuyên đề "Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia – Liên hoan Phim Việt Nam" tổ chức vào ngày 16/7. Một vài giải pháp nhận được sự đồng tình, nhưng liệu có “đâu lại vào đấy”, khiến việc xây dựng Liên hoan phim Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia vẫn chỉ là giấc mơ?

Nhìn đâu cũng thấy khó

Liên hoan phim (LHP) Việt Nam đã trải qua 21 kỳ tổ chức, tính từ lần đầu tiên vào tháng 8/1970 đến năm 2020. Đây là sự kiện điện ảnh nhận được nhiều quan tâm của công chúng và giới làm phim, nghiên cứu nhưng theo thời gian, mọi hứng khởi ban đầu dần mất đi khi cách tổ chức có phần cũ kỹ, thiếu sáng tạo, chưa tiệm cận với sự phát triển của điện ảnh đương thời.

Nhiều năm liền, các nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên không còn mặn mà xuất hiện tại sự kiện điện ảnh quan trọng trong nước như trước. Sự kém thu hút, rệu rã của một giải thưởng qua nhiều kỳ là điều ai cũng thấy, thậm chí, có ý kiến cho rằng nếu không đủ sức, LHP Việt Nam có thể dừng lại để tìm ra những giải pháp tổ chức hiệu quả, trang trọng, chuyên nghiệp hơn.

Hai Phượng và những bộ phim tham gia LHP Việt Nam các năm đều cần một hội đồng giám khảo công tâm, tiệm cận xu hướng phát triển của điện ảnh đương thời.
"Hai Phượng'' và những bộ phim tham gia LHP Việt Nam các năm qua đều cần một hội đồng giám khảo công tâm, tiệm cận xu hướng phát triển của điện ảnh đương thời.

Cho đến khi Hội thảo chuyên đề Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia – Liên hoan Phim Việt Nam diễn ra (ngày 16/7), các ý kiến từ những người trong ngành mới được nói ra.

Hội thảo này được tổ chức theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019. Cụ thể, Thủ tướng phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ 2020 đến 2030, trong đó giao cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng và thực hiện. Ở lĩnh vực văn hoá, điện ảnh là ngành mang tiềm năng lớn trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam. Do đó, sự kiện LHP Việt Nam được chọn để xây dựng thương hiệu quốc gia.

“Vì sao trong khoảng 10 năm trở lại, sự quan tâm của giới làm phim dành cho LHP Việt Nam hay giải Cánh diều không còn nhiều hào hứng? Vấn đề nằm ở uy tín, chất lượng giải thưởng không cao; thiếu diễn đàn dành cho những người trẻ làm điện ảnh và một số vấn đề khác.

Phần lớn những cá nhân dự giải, phải thẳng thắn nói rằng mục đích nhắm đến là huy chương, giải thưởng để bổ sung hồ sơ xin xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân. Còn với các doanh nghiệp tư nhân, họ tham dự để giữ mối quan hệ với đơn vị kiểm duyệt, quản lý của Cục Điện ảnh” - diễn viên, nhà sản xuất Hồng Ánh cho biết.

Buổi ra mắt phim
Buổi ra mắt phim ''Truyền thuyết về Quán Tiên'' nằm trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ 21.

Theo diễn viên Hồng Ánh, có quá nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận thẳng thắn để tìm kiếm giải pháp phù hợp, nếu muốn nâng tầm LHP Việt Nam. Điều tiên quyết là Cục Điện ảnh và các đơn vị liên quan phải chịu nhìn nhận thiếu sót trước khi tìm ra biện pháp, cách thực hiện.

Đồng quan điểm với diễn viên Hồng Ánh còn có ý kiến của đạo diễn Lê Thanh Sơn, đạo diễn Leon Quang Lê và nữ diễn viên – nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh. Tất cả đều cho rằng có quá nhiều vấn đề từ công tác tổ chức cần được chuyên nghiệp hơn đến việc phải trẻ hoá thành phần ban giám khảo, tăng số lượng hoạt động được tổ chức trong sự kiện, tổ chức sân chơi dành cho đội ngũ làm phim trẻ... Nghệ sĩ mong LHP Việt Nam phải lấy lại được uy tín, niềm tin với khán giả và giới làm phim, điều đó là trách nhiệm của Cục Điện ảnh và các đơn vị liên quan.

Đạo diễn Leon Quang Lê nói rằng khi giành được giải Bông sen vàng tại LHP lần thứ 21, nhiều người trong nghề không coi trọng giải thưởng mà phim được nhận, họ nói giải thưởng không có ý nghĩa.

“Đã đến lúc chúng ta không chỉ khen nhau và giậm chân tại chỗ mà phải nhìn thực tế, công tâm vinh danh những tác phẩm xứng đáng nhằm lấy lại niềm tin của khán giả. Những giải thưởng vinh danh đêm trước, hôm sau đã nghe những ý kiến trái chiều mãnh liệt, thiếu công tâm. Đôi khi ban tổ chức lại rải đều giải thưởng vì sợ nhiều trường hợp không đoạt giải, năm sau, họ không tham dự giải nữa. Điều này phải dừng lại” - đạo diễn Leon Quang Lê chia sẻ.

Chú trọng phát triển đường dài

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, để thay đổi diện mạo của LHP Việt Nam, xây dựng sự kiện thành thương hiệu quốc gia không phải một sớm, một chiều mà thành. Có thể, Cục Điện ảnh và các cơ quan liên quan phải mất 5 - 10 năm để thực hiện nhưng theo ông, sự thay đổi là cần thiết và trước mắt, LHP Việt Nam lần thứ 22 diễn ra năm 2021, sẽ là kỳ liên hoan có nhiều thay đổi.

“Các ngành nghệ thuật luôn cần đổi mới nhưng với điện ảnh, nhu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn. Với kỳ LHP Việt Nam lần thứ 22 tổ chức tại Thừa Thiên – Huế, sẽ có 2 đổi mới trước mắt về ban giám khảo và thành phần khách mời tham dự LHP. Cụ thể, ban giám khảo sẽ được trẻ hoá,  không chỉ trẻ về tư duy nghệ thuật mà còn trẻ về độ tuổi. Giám khảo của LHP Việt Nam phải là những nghệ sĩ đang sống, làm việc trong môi trường điện ảnh, không phải là người có thành tựu của một thời quá vãng. Điều này cũng được áp dụng đối với thành phần khách mời tham dự thảm đỏ, tham dự LHP” - ông Vi Kiến Thành khẳng định.

Thông báo của Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận được sự ủng hộ của phần lớn những người tham dự hội thảo vì ngoài 2 thay đổi trên, còn nhiều sự thay đổi khác của kỳ LHP tiếp theo mà ông Vi Kiến Thành chưa tiết lộ. Tuy nhiên, chỉ còn gần 1 năm rưỡi nữa sự kiện diễn ra, mọi sự thay đổi nếu không nhanh chóng, sẽ không kịp.

Ê-kíp thực hiện phim Song lang nhận giải thưởng tại kỳ LHP Việt Nam lần thứ 21.
Ê-kíp thực hiện phim "Song lang '' nhận giải thưởng tại kỳ LHP Việt Nam lần thứ 21.

Tại hội thảo, ông Trần Nhất Hoàng – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết trong thời gian tới, có nhiều vấn đề mà LHP Việt Nam cần phải thay đổi, học hỏi LHP các nước để nâng tầm chất lượng, uy tín. Trong đó, ông Hoàng cho rằng địa điểm tổ chức LHP phải cố định, không nên thay đổi giữa nhiều tỉnh thành để xây dựng thương hiệu thành phố/tỉnh thành điện ảnh; tăng hạng mục giải thưởng để thu hút sự tham gia của lực lượng làm phim trẻ; đẩy mạnh công tác truyền thông; chọn sứ giả đại diện cho LHP để tăng cường hoạt động quảng bá...

Trong những chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế có ý kiến rằng nên thêm chương trình tôn vinh sự tham gia của những cá nhân quốc tế đối với điện ảnh Việt Nam. Ví dụ trong phim có sự đóng góp của các đạo diễn, quay phim, nhà sản xuất âm nhạc người nước ngoài thì nên có sự vinh danh họ, để chính họ là một kênh giúp quảng bá điện ảnh Việt ra quốc tế. 

Phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ được ký vào năm 2019 và đến nay, công tác lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo mới được tiến hành. Cho tới khi dự thảo thành đề án thực hiện sẽ còn một khoảng xa để mọi thủ tục được thông qua.

Tại hội thảo, đạo diễn Leon Quang Lê có nói đùa rằng trước khi tham dự, anh hỏi đồng nghiệp về những cuộc hội thảo trước có tạo ra thay đổi nào không thì họ đồng loạt trả lời: "Không". Điều đó cho thấy niềm tin với những cuộc hội thảo vốn đã luôn hoang mang, mơ hồ, do vậy, điều duy nhất được kỳ vọng ở hội thảo Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia – Liên hoan Phim Việt Nam là ngay sau đây, mọi công tác chuẩn bị cho dự thảo được nhanh chóng hoàn thành và những đổi mới ở LHP Việt Nam 22 như lời hứa của Cục trưởng Cục Điện ảnh, trở thành sự thật.  

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI