Để lịch sử trở thành môn “được học”

31/05/2022 - 06:17

PNO - Tầm quan trọng của việc học lịch sử không nằm ở lượng kiến thức chúng ta tiếp thu mà là tình yêu, khát khao tìm về nguồn cội, và niềm tự hào dân tộc.

 

Trong suốt thời gian học phổ thông, tôi không để tâm lắm đến môn lịch sử. Phần vì nội dung trong sách giáo khoa không hấp dẫn, phần vì tôi phải chép và học thuộc lòng rất nhiều. Thế rồi, mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ mùa hè năm lớp 11, tôi đến Singapore thăm các bạn của mình. 

Chuyến xuất ngoại đó khiến tôi nhận ra nhiều điều, trong đó, có nhận thức về việc học lịch sử. Các bạn dắt tôi đi tham quan trường học của mình. Điều làm tôi ngạc nhiên không phải là ngôi trường có cơ sở vật chất hiện đại hay chương trình học thú vị, mà chính ở các bạn. Các bạn giới thiệu trôi chảy về lịch sử hình thành của trường, lịch sử đất nước Singapore. Đến nỗi khiến tôi giật mình nghĩ liệu mình có làm được như vậy, nếu dắt các bạn đi tham quan trường của mình, tham quan TP.Đà Lạt quê hương tôi? Qua những câu chuyện, tôi thấy rõ tình yêu, niềm kiêu hãnh các bạn dành cho quê hương, đồng thời cũng nhìn thấy sự thiếu hụt trong hiểu biết của mình về chính vùng đất mình đang sống. Từ khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc học lịch sử không nằm ở lượng kiến thức chúng ta tiếp thu mà là tình yêu, khát khao tìm về nguồn cội, và niềm tự hào dân tộc. 

Hết cấp III, tôi theo học đại học ở Pháp. Ngoài giờ học, tôi làm phục vụ cho một nhà hàng Nhật Bản. Nhân viên nhà hàng đến từ nhiều quốc gia nên mỗi bữa ăn cùng nhau, chúng tôi lại bàn về văn hóa mỗi nước. Có lần, khi nghe tôi kể về mối quan hệ của Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ với Việt Nam trong quá khứ, mọi người lắng nghe hết sức thích thú. Tôi cảm thấy rất hãnh diện. Cũng vì cảm giác vui thích đó mà sau này, tôi luôn cố gắng dành thời gian cho lịch sử mỗi khi có dịp, như chịu khó nghe lược sử, tham quan bảo tàng mỗi nơi mình đến. Tôi nhận thấy rằng, lịch sử sẽ thú vị hơn nếu chúng ta được chọn thứ để tìm hiểu, được chủ động học, và trở thành người kể chuyện. Tôi nhớ rõ, mỗi khi nghe thầy cô giảng về những điều không có trong sách giáo khoa, hay được nghe những câu chuyện ngoài lề sự kiện lịch sử, đứa nào cũng tròn mắt ngồi nghe. 

Học sinh tiếp cận lịch sử qua sách vở và lời giảng của thầy cô. Vì vậy, người thầy là yếu tố quan trọng trong việc kích thích sự tò mò và bồi đắp tình yêu lịch sử cho học trò. Khơi gợi được điều đó, nghĩa là thầy cô đã giúp học trò tự thắp lên ngọn lửa của riêng mình. Khi đó, lịch sử trở thành môn “được học” chứ không phải “bị học”. 

Lê Mỹ Bình (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI