Tám mùa lễ hội: Kỳ vọng có quá xa
Lễ hội Áo dài TP.HCM vừa bước sang tuổi thứ tám. Sở Du lịch TP.HCM mong muốn đưa lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch khi nhắc đến thành phố, đặc biệt trong thời điểm tháng Ba, tháng Tư hằng năm.
Các lễ hội mang lại một nguồn lợi không nhỏ cho kinh tế nhiều quốc gia. Lễ hội té nước Songkran của Thái Lan năm 2019 thu hút 3,1 triệu khách trong nước và gần 600.000 khách du lịch quốc tế. Lễ hội hoa anh đào năm 2019 tại Nhật hút 5 triệu du khách, đóng góp 2,7 tỷ USD vào kinh tế. Năm 2021, vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nguồn thu từ lễ hội này cũng đạt 1,45 tỷ USD.
Từ thực tế trên, mong muốn đưa Lễ hội Áo dài thành sản phẩm thu hút du khách là chính đáng. Tuy nhiên, qua bảy mùa tổ chức, cần nhìn lại lễ hội đã làm được gì, để thấy mong muốn này có dễ thực hiện không?
|
Ngành du lịch TP.HCM mong muốn sẽ đưa Lễ hội Áo dài thành sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM - ẢNH: Q.THÁI |
Nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng - một trong những người đã đồng hành cùng lễ hội suốt tám mùa - nhận định: “Thứ nhất, lễ hội đã góp phần làm thay đổi quan niệm áo dài được mặc định dành cho nữ giới. Nam giới mặc áo dài bị cho là thiếu mạnh mẽ. Nhưng nay, chiếc áo dài không còn chịu định kiến đó nữa. Thứ hai, lễ hội giúp nghề may áo dài duy trì và phát triển, không bị mai một như nhiều nghề truyền thống khác. Thứ ba, trong mắt bạn bè quốc tế, TP.HCM, Việt Nam bên cạnh phát triển kinh tế, cũng chú trọng giữ gìn văn hóa”.
Bấy nhiêu để phát triển thành sản phẩm du lịch được hay không, có lẽ không khó để có câu trả lời. Chúng tôi đã hỏi một số công ty du lịch, lữ hành tại TP.HCM rằng Lễ hội Áo dài có nằm trong danh sách những điều đặc biệt để giới thiệu du khách khi đến đây hay không? Có đơn vị từ chối trả lời, vì không theo sự kiện này từ đầu. Đơn vị khác nói có giới thiệu, nhưng cũng không xếp vào vị trí ưu tiên. Trong khi đó, đây là một trong những kênh quan trọng để đưa lễ hội đến với du khách quốc tế.
Anh Trường Giang (28 tuổi) - một hướng dẫn viên du lịch - nói có biết Lễ hội Áo dài TP.HCM, nhưng không giới thiệu đến du khách. Anh lý giải: “Qua một số năm làm việc với khách nước ngoài, tôi nhận thấy họ thích những nét văn hóa đời thường, hoặc những nơi, sự kiện mang chiều sâu văn hóa, lịch sử. Lễ hội này được tổ chức mang tính trình diễn là chủ yếu. Một số triển lãm ảnh, hiện vật không có tính kết nối cao. Vì thế, rất khó giới thiệu”.
|
Diễu hành áo dài trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.HCM 2022 - ẢNH: THÀNH LÂM |
Đường đi thế nào
Không phủ nhận sự nỗ lực của ban tổ chức (BTC) lễ hội trong tám mùa qua để hình thành một thương hiệu ít nhất đã được người dân nhớ đến, góp thêm màu sắc cho đời sống văn hóa tại TP.HCM. Nhưng để đưa lễ hội thành sự kiện du lịch nổi bật hẳn còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện.
Bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam) - một trong những người đồng hành với lễ hội suốt nhiều mùa qua - cho rằng: “Truyền thông, quảng bá đến du khách là hoạt động ưu tiên hàng đầu. Thông thường, việc này phải diễn ra trước ít nhất sáu tháng. Nhưng chúng ta thường làm hơi vội, đợi khi có kế hoạch, kịch bản cụ thể mới giới thiệu. Thực ra chỉ cần tư liệu của mùa trước là có thể quảng bá được rồi. Phương tiện thì rất đa dạng: mạng xã hội, tạp chí, báo quốc tế về du lịch…”.
Công tác quảng bá lễ hội cũng chưa phát huy hết các nguồn lực hiện có. Các mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube… là kênh quảng bá hiệu quả. Fanpage Lễ hội Áo dài TP.HCM hiện có khoảng 25.000 người theo dõi. Trong khi đó, tổng số người dùng mạng xã hội này tại Việt Nam (tính đến tháng 6/2021) là 76 triệu người, chiếm 70% dân số! Vậy mà chỉ khi sự kiện năm nay được khởi động lại mới đăng bài, hình ảnh gửi đến công chúng, bài viết gần nhất là cuối tháng 3/2021. Trong khi đó, muốn duy trì sự kết nối của người dùng, việc tương tác phải diễn ra thường xuyên. Bà Vân nhấn mạnh, hình ảnh, video quảng bá phải đạt được tính thẩm mỹ cao, đẹp mắt, hợp xu hướng. Nhưng tư liệu được BTC lưu giữ, chưa thấy đáp ứng đủ tiêu chí này.
|
Áo dài xuống phố trong những ngày diễn ra Lễ hội |
Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Trần Thế Dũng - Tổng Giám đốc điều hành Fiditour - cho rằng một sản phẩm du lịch văn hóa phải đáp ứng được sự độc đáo, tính đặc thù, chỉ có thể tìm thấy ở địa phương mà không có ở nơi khác. Đối chiếu với lễ hội hiện tại, hình ảnh áo dài vẫn chưa kể được một câu chuyện văn hóa thực sự thú vị. Hầu như các hoạt động chỉ dừng ở mức trình diễn là chủ yếu. Sau hai đến ba hoạt động đầu tiên, sức hút của sự kiện giảm dần. Các hoạt động được trải rộng, thời gian dài, nhưng thiếu chiều sâu.
NTK Sĩ Hoàng chia sẻ: “Đời sống thực sự của chúng mới là điều du khách quan tâm. Hình ảnh nữ sinh mặc áo dài trắng là đẹp nhất, ấn tượng nhất mà du khách không thể tìm thấy ở đâu được. TP.HCM hoàn toàn có thể xây dựng được với hàng trăm trường THCS, THPT. Nhưng khi lễ hội diễn ra, hình ảnh này không hề xuất hiện. Hay bỗng một ngày tiểu thương chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định… đều diện áo dài (áo có thể may tà, tay ngắn hơn để phù hợp tính chất công việc) có phải thật dễ thương, độc đáo không?
TP.HCM cũng là nơi tập trung rất nhiều thương hiệu, nhà may áo dài nổi tiếng với đầy đủ phong cách từ xưa đến nay. Chúng ta có thể kết nối chất liệu này để tạo thành một tour tham quan, tìm hiểu nghề may áo dài hay không? Hãy làm những điều kích thích sự tò mò, thích thú của du khách. Chúng ta cần có một kế hoạch tổng thể, dài hơi”.
Theo bà Vân, qua các kỳ lễ hội, chủ yếu vẫn là sự bắt tay giữa hai bên văn hóa, du lịch. Cần nhiều hơn nữa các ngành liên quan như giáo dục, thương mại dịch vụ… tham gia. “Tuy nhiên, có thực mới vực được đạo. Chúng ta cần cho các bên thấy họ có quyền lợi gì khi tham gia, thì mới cùng hưởng ứng”, bà Vân nhấn mạnh.
BTC chỉ mới làm được phần lễ, còn phần hội, không gian dành cho du khách, nơi thực sự tạo ra giá trị kinh tế cho du lịch, vẫn còn là khoảng trống. Những năm qua, các hoạt động gần như cứ lặp đi lặp lại. Việc vui chơi, trải nghiệm tại Lễ hội Áo dài vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Cần nhấn mạnh, đó phải là những hoạt động “nhắc là nhớ”. Việc đo lường, nghiên cứu thị hiếu của công chúng, đặc biệt với đối tượng tiêu dùng sản phẩm du lịch này là hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Khoa Luân - Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt - nói, từ áo dài có thể liên kết với các chất liệu khác của văn hóa để tăng tính trải nghiệm, như nghề thêu, đan, nghề dệt, nhà may, lễ hội âm nhạc, ẩm thực… thông qua một chiến lược dài hạn. “Chúng ta có thể kêu gọi xã hội hóa, chỉ cần có chủ trương, thì các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, hàng không, khách sạn…. đến các công ty thời trang nhà thiết kế, công ty sự kiện sẽ hiến kế cho thành phố một lễ hội không ngủ, tưng bừng sắc màu”, ông nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh từng nhấn mạnh chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi để tăng sức cạnh tranh, thu hút du khách. Đây cũng là bài toán mà BTC lễ hội cần tìm đáp án, bằng cách tăng độ sâu văn hóa, tạo ra những hoạt động đặc thù, hấp dẫn. Với sự kiện tuổi đời còn non trẻ, ắt sẽ khó khăn, nhưng rõ ràng vẫn có hướng đi, miễn có sự đầu tư đúng mức về vốn, con người.
|
Một trong những bộ sưu tập áo dài ấn tượng |
Đời sống thật của áo dài ngoài khuôn khổ lễ hội
Bất kỳ nền văn hóa nào thì thế hệ trẻ vẫn luôn là đối tượng giữ gìn và phát huy các giá trị. Vì thế, việc xây dựng sức sống của áo dài trong lòng người trẻ là cần thiết. Theo NTK Sĩ Hoàng, việc đó nên bắt đầu từ thời điểm các em bước vào bậc THCS, khi cơ thể đã bắt đầu phát triển phù hợp với chiếc áo dài.
Đó không chỉ là trách nhiệm của văn hóa, giáo dục mà còn cần sự chung tay của các đơn vị sản xuất nguyên liệu, phải sản xuất được chất liệu phù hợp, nhằm giúp việc mặc áo dài của các em được thoải mái hơn. Các trường có thể chọn màu sắc khác nhau, nhưng cùng một kiểu áo, để từ đó có cái riêng giữa cái chung. Khi việc mặc áo dài của nữ sinh trở lại, cũng giúp nghề may, phụ liệu được phát triển.
Không dừng lại ở phạm vi lễ hội, các hoạt động lan tỏa tình yêu, ứng dụng áo dài vào cuộc sống cần được thực hiện xuyên suốt trong năm, với sự chung tay của các đơn vị truyền thông, báo đài, mạng xã hội… Làm sao để hình ảnh áo dài phải tạo nên sự gắn kết từ từng tế bào trong xã hội, khi đó mới có thể kỳ vọng gắn hình ảnh chúng với vùng đất này.
Thành Lâm