Để lao động nữ không rút bảo hiểm xã hội 1 lần

04/06/2024 - 12:12

PNO - Trong giai đoạn 2016-2020, đã có gần 3,2 triệu người hưởng BHXH 1 lần, trong đó phụ nữ chiếm đa số. Nguyên nhân là để đảm bảo cuộc sống và lo cho gia đình.

Chị bạn tôi ở Bình Dương vừa cho biết, chị sẽ làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần mà không thể tiếp tục đóng và chờ cho đến khi đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí. Với thời gian tham gia BHXH là 15 năm 5 tháng, số tiền chị nhận được vào khoảng gần 200 triệu đồng, chị dự định làm vốn buôn bán nhỏ và nuôi 2 con ăn học.

Để quyết định rút BHXH 1 lần sau 1 năm nghỉ việc, hưởng hết chế độ trợ cấp thất nghiệp, là không dễ dàng. Ở lứa tuổi ngoài 40, nhất là đối với phụ nữ, việc xin việc mới là không dễ. Vả lại, theo quy định, để chờ đến tuổi nghỉ hưu (60 tuổi) thì chị phải chờ đến gần 20 năm nữa.

Nếu có những chính sách hợp lý, nhân văn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, nhất là việc giảm độ tuổi nghỉ hưu, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng lao động nữ rút BHXH 1 lần.
Nếu có chính sách hợp lý, nhân văn, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng lao động nữ rút BHXH 1 lần - Ảnh minh họa

Trên thực tế, rất nhiều lao động nữ, nhất là lao động nữ ngoài tuổi 40, sau thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, không còn nguồn thu nhập nào khác, đành phải làm thủ tục xin rút BHXH 1 lần dù biết như thế là không an toàn cho về sau (về già không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế).

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2016-2020, đã có gần 3,2 triệu người hưởng BHXH 1 lần, trong đó phụ nữ chiếm đa số. Nguyên nhân là để đảm bảo cuộc sống và lo cho gia đình, chăm lo cho người thân, con cái học hành. Nguyên nhân khác là do độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ hiện tăng quá cao (60 tuổi), dẫn đến thời gian chờ đến tuổi nghỉ hưu quá lâu, nhiều lao động nữ cảm thấy quá ngán ngẩm nên chấp nhận rời bỏ hệ thống an sinh xã hội.

Thiết nghĩ, để giữ chân lao động nữ trụ lại với hệ thống an sinh xã hội mà không phải lo nghĩ đến chuyện phải rút BHXH 1 lần, có lẽ cần phải có thêm các chế độ, chính sách đặc biệt hơn dành cho họ. Chẳng hạn như tạo “ngân hàng” việc làm dành riêng cho lao động nữ, nhất là lao động nữ đã ngoài 40 tuổi khi bị mất việc làm; có chính sách khuyến khích, giảm thuế phí đối với các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ lớn tuổi, ngoài độ tuổi 40; có chính sách hỗ trợ vay vốn cho lao động nữ nuôi con nhỏ gặp khó khăn trong cuộc sống…

Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động năm 2019, Luật BHXH năm 2014 về việc giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ, nhất là lao động nữ làm các công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Đối với những người có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm, tuổi đời đủ 55 tuổi là được “quyền” nghỉ hưởng chế độ chính sách hưu trí như quy định trước đây.

Cũng nên có chính sách hưu trí đa tầng với lao động nữ, người nào đã có đủ 15 hoặc 20 năm tham gia đóng BHXH và tuổi đời đã đủ 50 tuổi thì được phép làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp hưu trí, mức hưởng căn cứ theo số năm đóng BHXH và mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Nếu có những chính sách hợp lý, nhân văn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, nhất là việc giảm độ tuổi nghỉ hưu, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng lao động nữ rút BHXH 1 lần.

Nguyễn Đước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI