Dễ làm bằng giả nhưng khó xác minh bằng thật

03/07/2019 - 09:29

PNO - Hiện nay các đối tượng làm giấy tờ giả chỉ cần không đầy 30 phút để làm ra một loại giấy tờ giống y như thật. Nếu không có đủ máy móc và người có kỹ năng chuyên môn, rất khó phân biệt giấy tờ thật và giả.

Bằng cấp, chứng chỉ giả lộng hành gây nhiều hệ lụy, bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, việc tìm lai lịch cho tấm bằng thật cũng rất nhiêu khê. Trong các đợt thi tuyển công chức tại TP.HCM vừa qua, có nhiều trường hợp trúng tuyển nhưng chưa thể ra quyết định tuyển dụng do không xác minh được văn bằng, chứng chỉ. 

Bằng cấp giả tràn lan

Cô D.P. - phụ trách công tác sinh viên của một trường đại học ở Q.5, TP.HCM - cho biết, trong đợt xét tuyển tốt nghiệp vừa qua, nhà trường đã phải loại hồ sơ nhiều trường hợp và đề xuất hình thức kỷ luật với sinh viên do sử dụng bằng giả. Mức kỷ luật cho các trường hợp này thường là buộc thôi học.

Không chỉ sinh viên, mới đây, hàng loạt cán bộ, viên chức thuộc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình H. Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã bị đề nghị xem xét khởi tố về hành vi sử dụng, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức do sử dụng chứng chỉ giả trong kỳ thi tuyển năm 2017, 2018.

Ông Trần Quốc Cảnh - nguyên giám định viên cao cấp Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an - cho biết, hiện các đối tượng làm giấy tờ giả chỉ cần không đầy 30 phút để làm ra một loại giấy tờ giống y như thật. Nếu không có đủ máy móc và người có kỹ năng chuyên môn, rất khó phân biệt giấy tờ thật và giả. Trên thực tế, có nhiều trường hợp sử dụng giấy tờ giả nhiều năm, cơ quan chức năng mới phát hiện ra.

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), lâu nay, khi các đơn vị, cá nhân muốn xác minh văn bằng, chứng chỉ, họ gửi văn bản hoặc trực tiếp đến cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ để được các cơ quan này trả lời có văn bằng, chứng chỉ đó hay không.

“Có trường hợp làm mất văn bằng, sau đó làm lại văn bằng giả giống y như cái đã mất nhưng nhà trường cũng khó phát hiện được vì bản gửi đến xác minh là bản photocopy. Ngoài ra, hiện nay, để xác định chính xác giấy tờ giả, phải có cơ quan công an vào cuộc”, ông Đức thông tin thêm.

Khổ như xác minh văn bằng

Trong lúc bằng cấp giả hoành hành thì việc truy tìm lai lịch của một tấm văn bằng thật cũng rất nhiêu khê. Trong một số đợt thi tuyển công chức tại TP.HCM gần đây, có nhiều trường hợp trúng tuyển nhưng Sở Nội vụ TP.HCM chưa thể ra quyết định tuyển dụng do không xác minh được văn bằng, chứng chỉ. Theo Sở Nội vụ TP.HCM, việc xác minh có vướng mắc là do cơ sở đào tạo giải tán, không tìm được địa chỉ.

Để giải quyết vướng mắc trên, Sở Nội vụ TP.HCM gửi công văn đến Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để đơn vị này có ý kiến về việc xác minh văn bằng, chứng chỉ của người trúng tuyển công chức, viên chức. 

Cục Quản lý chất lượng trả lời rằng, cơ quan chịu trách nhiệm xác định, trả lời về tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ được cấp bởi cơ sở chia tách, sáp nhập, giải thể, đình chỉ hoạt động là cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản hồ sơ trên quyết định chia tách, sáp nhập, giải thể, đình chỉ hoạt động hoặc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trên.

Trong trường hợp cơ quan tuyển dụng không thể liên hệ được với cơ sở giáo dục đã cấp văn bằng, chứng chỉ thì người có văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin về cơ sở đã cấp văn bằng, chứng chỉ và phối hợp với cơ quan tuyển dụng để xác minh tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ đó.

De lam bang gia nhung kho xac minh bang that
Nhiều trường hợp giáo viên, nhân viên y tế ở TP.HCM thi đậu công chức nhưng chưa nhận được quyết định tuyển dụng do chưa xác minh được văn bằng

Cô Bích Nga - ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM - kể: “Tôi được cơ sở A cấp chứng chỉ tin học nhưng hiện nay, cơ sở này đã giải thể, không còn ở địa chỉ cũ. Giờ làm sao tôi biết đơn vị nào đã ra quyết định giải thể hoặc sáp nhập cơ sở A? Việc tìm ra đơn vị nào được giao nhiệm vụ tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản hồ sơ của cơ sở A càng khó hơn”.

Ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho hay: “Trên thực tế, cơ quan tuyển dụng và người được tuyển dụng đều không biết cơ quan nào tiếp nhận hồ sơ hoặc cơ quan thẩm quyền nào ra quyết định chia tách, sáp nhập, giải thể, đình chỉ hoạt động cơ sở giáo dục hoặc cơ sở đã thay đổi địa điểm nên không thể có thông tin để đề nghị xác minh theo quy định”. 

Cũng theo ông Lắm, hiện ở TP.HCM, có nhiều trường hợp đã trúng tuyển nhưng chưa thể ra quyết định tuyển dụng do không xác minh được văn bằng, chứng chỉ.

Trước tình hình trên, mới đây, Sở Nội vụ TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ, trình bày những vướng mắc trong việc xác minh văn bằng, chứng chỉ. Sở Nội vụ TP.HCM kiến nghị Bộ Nội vụ chấp thuận giải quyết theo hướng: nếu không xác minh được văn bằng, chứng chỉ thì cho phép thí sinh nộp văn bằng, chứng chỉ mới phù hợp để bổ sung vào hồ sơ công chức, viên chức.

Trước đề xuất trên, một số giáo viên ở TP.HCM cho rằng, giải pháp trên không mấy khả thi, vì để có văn bằng, chứng chỉ bổ sung, người đã trúng tuyển chỉ còn cách học lại, thi lại để được cấp văn bằng, chứng chỉ mới. 

Hoàng Lâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lê Phi Long 23-03-2024 19:55:31

    Ai có đủ năng lực phù hợp với vị trí việc làm đó và vượt qua được thi tuyển thì chứng tỏ họ là người có khả năng làm việc, làm tốt thì cứ để họ làm, bằng có thể giả nhưng thực lực thì không thể giả được. Đừng chọn tiến sĩ giấy, không làm được việc mà lương thì cao. Vậy nên đừng quá nặng nè bằng giả bằng thật, dân cần người làm được việc, không cần các ông khoe bằng cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI