Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 do Thủ tướng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air - đã nêu mong muốn doanh nghiệp tư nhân được đối xử công bằng, bình đẳng để không ảnh hưởng đến tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội.
Một điều rất hiển nhiên là “mọi đối tượng đều bình đẳng trước pháp luật” lại được tha thiết đề cập trước diễn đàn kinh tế cả nước bằng minh chứng có thật: tại sao cùng để xảy ra sự cố hạ cánh nhầm đường băng như nhau, nhưng giữa doanh nghiệp nhà nước và hãng bay tư nhân lại bị đối xử rất khác nhau?
Kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn đang chịu sự “đối xử” bất bình đẳng. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - nhận định:
- Trước hết phải nói, kinh tế tư nhân của Việt Nam trong những năm gần đây có những bước khởi sắc rất quan trọng. Đã có những doanh nghiệp tư nhân bây giờ dám đầu tư vào trường đại học, đầu tư vào viện nghiên cứu, vào các sản phẩm công nghiệp, công nghệ. Thứ hai, tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn rõ rệt và đóng góp đáng kể vào xuất khẩu, tạo ra công ăn việc làm. Một điều quan trọng nữa là, kinh tế tư nhân đóng góp một cách hết sức lớn vào việc tạo ra sự bình đẳng giới.
Các cam kết chỉ mới dừng ở “thái độ chính trị”
* Phóng viên: Theo thống kê, khối doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp tới hơn 40% GDP hằng năm, tạo ra 1,2 triệu việc làm… nhưng họ vẫn đang phải đối mặt với những rào cản lớn, thưa ông?
Ông Lê Đăng Doanh: Vâng, dù thấy rõ kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện nay đang thực sự đóng vai trò là tổng lực phát triển, nhưng cũng phải thấy rằng, các cam kết của Chính phủ và Nhà nước cũng là đáng mừng. Và nó thể hiện thái độ về mặt chính trị. Còn trên thực tế, việc thực hiện những điều đó chưa đáp ứng được các mong mỏi.
Tôi nghĩ rằng, cần phải thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách thể chế. Có như thế thì từ lời nói mới biến thành việc làm, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, khắc phục tình trạng văn bản thì đầy đủ nhưng thực hiện thì kém cỏi. Chưa kể gần đây, còn xuất hiện hiện tượng các thủ tục giảm đi nhưng “phong bì” yêu cầu phải nặng lên và doanh nghiệp thì vẫn kêu ca...
* Xin ông cho biết, cải cách thể chế cụ thể thế nào?
- Về cải cách thể chế, theo tôi, có hai điểm cần nhấn mạnh mà cho đến nay, trong các văn bản cũng như trong các chỉ đạo thực hiện, chưa được đề cập đến một cách tương xứng. Trước nhất là trách nhiệm giải trình (accountability), tức là bất kể cơ quan nào của nhà nước, khi quyết định cái gì, phải giải trình tại sao lại làm việc ấy, ai quyết định điều đó, trách nhiệm cá nhân như thế nào, trách nhiệm hành chính ra sao, rồi trách nhiệm về pháp luật, về tài chính, về hình sự... như thế nào.
Điểm thứ hai vẫn là công khai, minh bạch. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm ghi rõ chi tiêu ngân sách như thế nào, đầu tư công thế nào, các quyết định, phương án như thế nào... để biết trách nhiệm ở đâu. Doanh nghiệp và người dân có thể truy cứu và hơn hết, còn có thể đưa ra các ý kiến đóng góp. Hiện mức độ công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của chúng ta còn rất thấp.
Nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê
Doanh nghiệp nhà nước vẫn độc tôn trong nhiều lĩnh vực
* Những bất cập khiến khu vực kinh tế tư nhân đã nhỏ, lại càng kém phát triển. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh?
- Như đã nói, tỷ trọng của kinh tế tư nhân lớn hơn hẳn so với doanh nghiệp nhà nước và kể cả đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Thế nhưng, trong thành phần kinh tế tư nhân ấy, nên nhớ rằng, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chỉ đóng góp khoảng 12% GDP, phần còn lại là của mô hình kinh doanh hộ gia đình.
Dù theo quy định, doanh nghiệp nào sử dụng trên 10 lao động thì phải đăng ký thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhưng trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp có đến hàng trăm lao động nhưng vẫn đăng ký hoạt động theo hộ kinh doanh cá thể.
Mục đích là để không phải tuân thủ các quy định hạch toán, không phải đóng thuế theo chứng từ, hóa đơn và vì vậy, có thể trốn thuế. Đấy là điều mà sắp tới đây, chúng ta cần phải có những bước cải cách. Bởi vì doanh nghiệp tư nhân hoạt động như thế sẽ không có thương hiệu, nên không thể cạnh tranh quốc tế được.
Việc phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước là có trong thực tế. Điều này có thể có nhiều nguyên nhân. Về mặt luật pháp, chúng ta đã cam kết đối xử bình đẳng, nhưng vẫn đang có sự ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước hơn. Tôi cho rằng, điều đó hoàn toàn không phù hợp với thông lệ quốc tế, không phù hợp đối với luật pháp và chúng ta cần phải khắc phục.
* Bằng cách nào, thưa ông?
- Giải pháp hay nhất vẫn là phải tiếp tục đấu tranh.
* Nếu tính chung, mỗi năm, khu vực tư nhân đóng góp tới hơn 40% GDP, nhưng riêng trong lĩnh vực dịch vụ, con số này lên tới 85% GDP…
- Về dịch vụ, cũng tương tự, cũng còn đang có nhiều rào cản. Toàn bộ lĩnh vực viễn thông hiện nay, kinh tế tư nhân chưa được tham gia, và còn có nhiều hạn chế trong dịch vụ khác nữa. Nếu so sánh với Singapore, chúng ta sẽ thấy Việt Nam còn rất nhiều lĩnh vực dịch vụ mà kinh tế tư nhân còn tham gia một cách hạn chế.
Đừng quá lo lắng về vấn đề an ninh quốc gia hoặc bảo mật khi chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được. Nếu tham gia dịch vụ, khu vực tư nhân sẽ tỏ ra hiệu quả hơn rất nhiều bởi vì tỷ lệ lãng phí hay tham nhũng trong kinh tế tư nhân luôn thấp hơn rất nhiều so với khu vực nhà nước.
Chưa thực sự cắt giảm điều kiện kinh doanh
* Chưa cần nói đến các ưu tiên đặc biệt về hệ thống pháp luật minh bạch, công bằng và lành mạnh, điều mà các doanh nghiệp tư nhân cần trước mắt là làm sao cắt giảm hơn 4.000 điều kiện kinh doanh, trong đó nhiều quy định không theo thông lệ quốc tế?
- Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ thị và đòi hỏi rất cương quyết, mạnh mẽ nhưng sự chuyển biến của các bộ, ngành, các cơ quan đang còn rất chậm. Doanh nghiệp cho rằng, số điều kiện kinh doanh có giảm nhưng con số giảm thực tế không đến 50% như báo cáo, mà có lẽ chỉ khoảng độ 28% thôi.
Ví dụ như trước kia có ba điều kiện thì bây giờ họ gom ba điều kiện ấy thành một điều kiện; khi báo cáo, giảm được hai điều kiện nhưng thực chất, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện cả ba, chứ chả có thay đổi gì.
Theo tôi, cần có sự nghiên cứu, khảo sát một cách cụ thể hơn, để chúng ta biết được thực chất nó như thế nào. Khi so sánh với quốc tế gần đây, chúng ta đều thấy rằng, môi trường kinh doanh cũng như chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam không tăng mà giảm.
* Lãi suất vay quá cao khiến doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận nguồn vốn, cơ chế về nguồn lực đất đai cũng là khó khăn dai dẳng, đến nay vẫn tiếp tục là rào cản đối với doanh nghiệp?
- Vấn đề lãi suất thì nên hỏi ngân hàng nhà nước, bởi vì nó liên quan đến chất lượng của ngân hàng, liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu và các gánh nặng khác từ các ngân hàng thương mại. Mà ngân hàng thương mại thì phải giữ một lãi suất tối thiểu để có thể trang trải các khoản khác nhau mà hiện họ đang phải tiếp nhận từ quá khứ. Tôi xin không đề cập sâu vào vấn đề này.
Về vấn đề thiếu vốn là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Đất đai cũng là một rào cản rất căng thẳng đối với các doanh nghiệp. Tháo gỡ như thế nào, theo tôi, cần phải có các bước giải quyết rất cụ thể, nhất là đất đai, vì đấy là một trong những “mảnh đất màu mỡ” nhất về tham nhũng. Vậy, cần phải có những bước giải quyết rõ ràng và một lần nữa, phải thực hiện công khai, minh bạch.
* Xin cảm ơn ông.
Tư nhân là tư nhân nào?
Trao đổi với chúng tôi về sự bình đẳng trong nền kinh tế hiện nay, ông Huỳnh Thế Du - giảng viên chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam - ví von: người thổi sáo hay nhất vẫn chưa được trao cây sáo tốt nhất. Nghĩa là, cơ chế hiện tại chưa tạo ra được luật chơi công bằng, người sử dụng nguồn lực hiệu quả chưa được dành cho các nguồn lực tốt nhất.
Trước đây, nguồn lực chủ yếu dành cho doanh nghiệp nhà nước, tức là trong cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên, xếp thứ nhất, kế đến là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), rồi cuối cùng mới đến doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Theo ông Du, bây giờ, “công thức” trên đã có thay đổi một ít. Ông Du nhận định: “Ông được ưu tiên lớn nhất hiện nay chính là doanh nghiệp tư nhân thân hữu, kế đến mới là doanh nghiệp nhà nước, rồi đến ông có vốn đầu tư nước ngoài. Và thứ tư, mới đến thành phần đông đảo doanh nghiệp tư nhân là những người muốn làm ăn chân chính, đang bị o ép đủ điều”.
Theo ông, thế giới đã đưa ra một khái niệm gọi là thung lũng “cướp bóc”. Nghĩa là đối với doanh nghiệp lớn, những chi phí không chính thức hay những cái khó khăn liên quan lại thấp, nhưng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chi phí này lại rất lớn.
“Các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ cần lớn lớn lên một tí, bắt đầu vào hoạt động một tí, là y như rằng phải đối mặt với khó khăn đủ đường. Ông nào cũng có thể làm khó doanh nghiệp hết” - ông Du nói về một thực tế đang xảy ra.
Môi trường kinh doanh thật sự lành mạnh phải dành cho mọi doanh nghiệp. Ai cũng có thể tiếp cận việc tín dụng, đất đai, những điều kiện kinh doanh, mọi thứ thuận lợi hơn thì mới gọi là cạnh tranh, mới gọi là môi trường cạnh tranh được. Ở đó, không có chỗ cho doanh nghiệp tư nhân “thân hữu”.
Doanh nghiệp tư nhân “thân hữu” gần với các nhóm lợi ích hoặc liên quan đến các nhóm lợi ích. “Thân hữu” với các nhóm lợi ích có chung quyền lợi với nhau, chi phối các hoạt động kinh tế.
Doanh nghiệp tư nhân “thân hữu” thường chiếm được tài nguyên và các nguồn lực của xã hội, lớn lên bằng con đường không minh bạch. Bằng một cái cách thức nào đó, doanh nghiệp tư nhân “thân hữu” có được nguồn lực của xã hội, nguồn lực của quốc gia rất lớn mà không phải trả một cái giá công bằng cho toàn xã hội.
“Nêu lên thực trạng như thế cũng có nghĩa là đã vạch ra lỗ hổng trong cơ cấu kinh tế hiện nay. Trước thực trạng đó, giải pháp cũng chỉ là quay về cây sáo phải được trao cho người thổi sáo hay nhất. Tức, phải cải thiện môi trường kinh doanh thật tốt, tạo sân chơi bình đẳng, ai có khả năng sử dụng nguồn lực tốt thì có được nguồn lực” - ông Du nói.
|
Quốc Ngọc thực hiện