Để khu trọ là mái ấm

28/10/2016 - 10:22

PNO - Sau khi vãn việc nhà, cô Huỳnh Thị Âu (SN 1946, ở P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM) bắt tay vào việc Hội. Từ khi xây nhà trọ đến nay, cô luôn trăn trở: làm sao để người thuê trọ sinh hoạt thoải mái, yên tâm làm việc?

Cô Huỳnh Thị Âu cất vội trái bắp luộc đang ăn dở, ngần ngại mời tôi vào nhà. Nhìn cô, tôi có cảm giác quen thuộc, gần gũi như hình ảnh những bà mẹ quê với gương mặt đầy vết chân chim và đôi bàn tay gân guốc sau những ngày vất vả ruộng đồng.

Thấy tôi chăm chú nhìn tấm Huy chương kháng chiến hạng 3 viết tên cô treo trang trọng trên tường, cô nói: “Đó là phần thưởng cho những ngày nuôi giấu cán bộ cách mạng”. Sau ngày thống nhất, đất nước khó khăn đủ bề. Hết nuôi giấu cán bộ, giờ là lúc cô… nuôi con.

Lấy chồng năm 22 tuổi, sáu đứa con gồm bốn trai, hai gái lần lượt ra đời, cô lại tất bật với gánh nặng áo cơm, bữa đói bữa no là chuyện bình thường. Cứ tầm 4g sáng, nghe tiếng chuông nhà thờ đổ, cô bắt đầu dậy, dắt chiếc xe đạp ra dựng trước sân, đặt phía sau yên xe hai cái thùng trên cái đòn gác ngang, phía trước ghi-đông móc thêm hai cái giỏ, bên trong là bầu là bí, dưa gang, và cứ thế, đạp ra chợ Bà Quẹo, bỏ mối cho bạn hàng. Ngày nào cô cũng chở 15 chuyến như vậy, từ sáng đến tối.

Hồi ấy, khu nhà cô ở bây giờ toàn là đất ruộng. Mùa mưa nước lên, người dân đi bắt cá rô, cô mua luôn số cá đó mang ra chợ Phú Lâm bán. Những ngày giáp tết, cô lại gói 200 đòn bánh tét rồi gánh ra bán ở chợ Bến Thành. Có những năm “dội chợ”, cô phải gánh ngược vô chợ Vườn Chuối bán cho đến đêm, rồi mua ít đồ tết gánh bộ trở về nhà để kịp đón giao thừa. Vậy nên, giờ đã có thể thảnh thơi an hưởng tuổi già, nhưng trên gương mặt cô vẫn in hằn dấu vết nhọc nhằn ngày cũ, và trong cô luôn thường trực niềm cảm thông dành cho những mảnh đời cơ cực.

De khu tro la mai am
Cô Âu quan tâm, gần gũi những người thuê trọ

Dẫn tôi đi tham quan các dãy phòng trọ, cô chia sẻ: “Kể cũng may mắn. Cha mẹ cô là người gốc ở đây, có chút ít đất đai để lại cho con cháu nên cô được hưởng một phần”. Theo làn sóng nhập cư, người lao động đổ về Sài Gòn làm ăn, sinh sống ngày càng đông. Đặc biệt, tại Q.Bình Tân, những khu công nghiệp, công ty mọc lên ngày càng nhiều. Thấy vậy, cô quyết định xây nhà trọ cho thuê. Cả dãy nhà trọ đều sạch sẽ, gọn gàng.

Tôi dừng lại trước căn phòng hiếm hoi đang mở cửa. Nói chuyện mới biết, bác Phùng Văn Mầm, 63 tuổi, là một cựu chiến binh, quê ở miệt Tân Châu, An Giang. Tuổi già, lại không có khả năng lao động, bác rời quê đến Sài Gòn để con cái tiện chăm sóc. “Tôi ở đây sáu năm rồi. Chị Âu như người nhà, hỗ trợ tôi nhiều lắm”.

Bác Mầm kể, cách đây hai năm, cả nhà điêu đứng khi bác bị tai biến mạch máu não, vào bệnh viện khi trong tay chỉ có vỏn vẹn một triệu đồng, Nửa đêm nửa hôm, hai vợ chồng cô Âu lấy xe chạy thẳng đến bệnh viện đưa cho con gái bác 10 triệu đồng lo viện phí cho cha.

Ở khu trọ, có ba chàng sinh viên nghèo quê Trà Vinh đến thuê ở nhưng trong túi mỗi người có không quá hai trăm ngàn đồng. Bà chủ nhà trọ không những không lấy tiền trọ ngay mà còn dẫn đi mua bàn chải đánh răng, thùng, chiếu, lo cho ba người ổn định chỗ ở… Có người đã trọ nhà cô tám năm, từ ngày nhà trọ mới được xây cất mà đến nay, giá thuê phòng vẫn “đứng yên một chỗ”.

Thậm chí, cô Âu còn giảm giá cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên dãy nhà trọ của cô chẳng mấy khi có phòng trống. “Cô sống tình cảm nên ai đến trọ cũng không muốn đi. Cô xem họ như người thân của mình, ngược lại họ cũng vậy. Đặc biệt, năm nào cô cũng tổ chức phát quà tết cho mọi người, món quà nhỏ nhưng ai cũng vui. Đó là một việc làm tốt nên Hội PN phường luôn phối hợp với cô. Còn sinh hoạt bên Hội thì cô Âu nhiệt tình lắm, lớn tuổi vậy chớ có việc là đi à”, chị Nguyễn Thị Oanh Kiều, Chủ tịch Hội PN phường Bình Hưng Hòa B nói về cô.

Những tháng ngày vất vả đã qua, giờ cô không còn lo lắng gì về vấn đề kinh tế nữa khi con cái đều đã “có nơi có phận”. Vậy nhưng, không để mình nghỉ ngơi, cô dành thời gian tham gia công tác xã hội và coi đó như một niềm vui. “Cô với ổng có tiền nhà trọ sống qua tuổi già. Bây giờ cô có thời gian nên tham gia hoạt động Hội nhiều hơn”. Nghe cô hăng say kể những chuyện về Hội, thỉnh thoảng chồng cô, bác Trần Văn Chỏ lại nhìn vợ cười, nụ cười trìu mến: “Có bữa đi tuyên truyền quên cả giờ cơm. Làm được gì tốt thì cứ làm, để con cái noi gương”.

Những bằng khen về gương người tốt - việc tốt, gương điển hình mà cô Âu liên tiếp nhận được từ cấp phường đến cấp quận cho thấy cô không chỉ là tấm gương cho riêng con cái mình.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI