Để khu tái định cư hoang phế là có lỗi với dân

30/05/2024 - 06:20

PNO - Mỗi lần đi ngang khu tái định cư (TĐC) Bình Khánh ở TP Thủ Đức, TPHCM, nhìn những tòa chung cư hoành tráng nằm trên “đất vàng” bị bỏ hoang phế cả chục năm nay, không ít người xót xa.

Giữa thành phố đất chật người đông, tấc đất tấc vàng, nơi đang có cả triệu người chật vật kiếm một chỗ an cư, lại có hàng ngàn căn hộ tiền tỉ được xây lên cho cỏ hoang ngập lối, rêu mốc bám tường.

Ngoài gần 9.000 căn hộ TĐC bị bỏ hoang, TPHCM còn có hơn 2.100 nền đất TĐC cũng đang bỏ trống. Tất cả đều được đầu tư từ ngân sách, tức từ tiền thuế của dân. Đã vậy, mỗi năm, ngân sách thành phố lại phải tốn hàng chục tỉ đồng duy trì, quản lý những căn hộ không người ở.

Qua thời gian, những căn hộ tiền tỉ và hạ tầng xung quanh trở nên nhếch nhác, xuống cấp, lãng phí càng thêm chất chồng. Sự lãng phí ấy càng gây xót xa khi đặt trong bối cảnh cả triệu người phải chen chúc trong những phòng trọ chật hẹp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Sở Xây dựng TPHCM, lúc cao điểm dịch COVID-19, TPHCM có 1,4 triệu người lao động sống trong nhà trọ và nhà ở không đủ tiêu chuẩn, nhưng trong 3 năm qua, thành phố chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô 865 căn hộ được đưa vào sử dụng. Riêng năm 2023, không có dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân nào ở TPHCM được hoàn thành.

Xây dựng nhà TĐC cho người dân bị thu hồi đất là chủ trương đúng đắn, nhưng việc có hàng ngàn căn bị “ế” cho thấy nhiều bất cập trong việc quy hoạch và xây dựng.

Một trong những nguyên nhân là trước khi giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư không điều tra nhu cầu thực tế của người trong diện cần TĐC, việc xây dựng cũng đối phó, dẫn đến công trình TĐC kém chất lượng, không đảm bảo các hạ tầng cơ bản về giao thông, điện, nước, trường học, bệnh viện và không phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của người dân có đất bị thu hồi.

Nếu bị “đẩy” đến một nơi ở mới không thuận tiện nhiều mặt thì việc người dân không vào ở là điều dễ hiểu. Do đó, khi TĐC, nội hàm “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” không chỉ bao gồm diện tích và trị giá căn hộ mà còn phải bao gồm cả các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, văn hóa cộng đồng, tư liệu sản xuất, phương kế mưu sinh cho người dân.

Những khu TĐC “ma” là bài học sâu sắc cho chính quyền TPHCM trong việc bố trí TĐC trong thời gian tới, từ khâu quy hoạch, lựa chọn vị trí, lựa chọn nhà thầu, giám sát chất lượng cho đến phân bổ đối tượng TĐC. Mọi thứ đều phải đáp ứng đúng nhu cầu và quyền lợi của người dân.

Còn trước mắt, cần quyết liệt xử lý dứt điểm các căn hộ TĐC bỏ hoang. Sau 4 lần đấu giá bất thành với 3.800 căn hộ TĐC ở khu đô thị Thủ Thiêm, các cơ quan chức năng của TPHCM cần đánh giá nguyên nhân thất bại để có phương án điều chỉnh về giá khởi điểm, về cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia hoặc tính tới phương án chuyển đổi sang quỹ nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhà cho cán bộ, công nhân, viên chức hoặc nhà ở thương mại cho giới bình dân...

Không thể viện lý do vướng mắc thủ tục để kéo dài thêm nữa sự lãng phí này. Nếu còn tiếp tục để hàng ngàn căn hộ TĐC hoang phế, thất thoát giá trị theo thời gian là có lỗi với từng đồng ngân sách, có lỗi với người dân nghèo đang hằng ngày chen chúc trong những phòng trọ tồi tàn và mơ về một chốn an cư.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI