Để không lãng phí những bối cảnh xưa

08/10/2024 - 06:57

PNO - Nhiều bộ phim đã chọn bối cảnh quay tại các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình cổ. Tác phẩm sau đó nếu thành công sẽ giúp quảng bá địa điểm, thu hút sự quan tâm đối với địa phương của công chúng.

Nhiều bối cảnh bị quên lãng

Sau nhiều tranh luận, biệt thự cổ trăm tuổi ở Đồng Nai - bối cảnh từng quay phim Người đẹp Tây Đô (1996) - được chính quyền quyết định giữ lại để bảo tồn, thay vì tháo dỡ hay di dời để làm đường giao thông như trước đó. Đây là quyết định được đông đảo người dân ủng hộ vì căn biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh là một kiến trúc Pháp tiêu biểu.

Điện Kiến Trung là nơi phim Hoàng hậu cuối cùng chọn làm bối cảnh - ẢNH: THUẬN HÓA
Điện Kiến Trung là nơi phim Hoàng hậu cuối cùng chọn làm bối cảnh - Ảnh: Thuận Hóa

Công trình có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tiềm năng phát triển thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Đó là niềm vui nhưng cũng có nhiều nỗi buồn khi không ít công trình cổ từng là bối cảnh phim xưa đang trong tình trạng bị bỏ quên, xuống cấp đến mức khiến du khách xót xa. Như nhà cổ của ông Hai Thái (xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) - bối cảnh chính trong phim điện ảnh Mẹ chồng - đã bị bỏ hoang, xuống cấp nặng do khai thác du lịch không hiệu quả, không thuộc diện được đầu tư bảo tồn.

Đến nhà ông Hai Thái giờ đây, du khách không còn thấy không gian cổ kính, nếp nhà rêu phong như từng xuất hiện trên phim mà là một công trình đầy cỏ dại, nhiều vị trí bị hư hại nghiêm trọng. Nhà cổ ông Hai Thái được xây dựng từ năm 1925 theo kiến trúc Gothic. Đến giữa năm 1975, khu nhà được giao cho địa phương quản lý và từng là bối cảnh cho một số dự án phim ảnh, nghệ thuật.

Mỗi năm, số lượng phim điện ảnh Việt có bối cảnh quay tại các công trình cổ, di tích văn hóa, lịch sử không nhiều. Dù vậy, nếu cảnh quay đẹp và được quảng bá tốt, các địa điểm, di tích trên phim sẽ nhận về nhiều sự quan tâm, chú ý. Từ đó, có thể mở ra nhiều hướng phát triển cho du lịch địa phương. Như phim Công tử Bạc Liêu dự kiến khởi chiếu vào tháng 12/2024 được quay tại một số di tích nổi tiếng như nhà công tử Bạc Liêu, nhà hát Cao Văn Lầu... Từ khi dự án được giới thiệu, đoàn phim cũng công bố một số thông tin đắt giá về bối cảnh để tạo niềm tin với người xem.

Trong số các phim có sử dụng bối cảnh xưa, phim Hoàng hậu cuối cùng được quay tại điện Kiến Trung, nơi vua Bảo Đại và hoàng gia từng sinh sống, thu hút cộng đồng mê phim ảnh quan tâm. Ngoài sự đồ sộ về thông tin, dữ liệu của các tuyến nhân vật, phim “thắng sớm” về mặt truyền thông nhờ công bố việc quay phim tại điện Kiến Trung và quần thể di tích Cố đô Huế. Dự án Hoàng hậu cuối cùng đang trong thời gian tiền kỳ, nhưng được kỳ vọng có thể tạo ra sự quan tâm mới cho nhiều công trình, di tích vốn mang vẻ đẹp theo năm tháng.

Nhiều cái khó nhưng…

Đạo diễn Lý Minh Thắng của phim Công tử Bạc Liêu cho biết, khi khởi động dự án, anh cùng một số cộng sự dành hơn 10 chuyến đi đến Bạc Liêu và chính ngôi nhà công tử Bạc Liêu để tìm hiểu thêm về nhân vật, bối cảnh sống. Chuyến đi đơn thuần để tìm cảm hứng vì ban đầu, việc đặt vấn đề quay phim tại công trình không được sự cho phép. Tuy nhiên, khi đến gần thời điểm quay, tình hình bất ngờ thay đổi.

Hình ảnh tư liệu được treo tại gian nhà của công tử Bạc Liêu - Ảnh do đoàn phim cung cấp
Hình ảnh tư liệu được treo tại gian nhà của công tử Bạc Liêu - Ảnh do đoàn phim cung cấp

“Khi nhận được sự đồng ý từ phía đơn vị quản lý, chúng tôi đã nhiều lần cùng nhau bàn phương án dời các đồ vật trong nhà để sơn phết, bài trí cho trông giống nhất với không gian mà công tử Bạc Liêu từng sống. Chúng tôi có 1 tuần cải tạo và 1 tuần quay. Trong thời gian này, công trình ngưng đón khách. Chúng tôi rất cảm kích trước quyết định đồng hành cùng ê kíp từ phía đơn vị đang quản lý khu nhà cổ này, vì việc đóng cửa như vậy ảnh hưởng lớn đến việc vận hành, chưa kể chúng tôi gần như thay đổi toàn bộ, sắp đặt lại đồ vật” - đạo diễn Lý Minh Thắng nói với Báo Phụ nữ TPHCM.

Nam đạo diễn cũng cho hay, khi quay phim tại các di tích, công trình cổ, các nhà làm phim gặp rất nhiều khó khăn, vì muốn “chạm” vào công trình trăm năm, phải có sự cho phép. Đặc biệt, tại các di tích được xếp hạng là di tích văn hóa, lịch sử thành phố hay quốc gia, mọi tác động, thay đổi đến di tích phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Hiện nay, Thừa Thiên - Huế đang là địa phương “mở cửa” để các nhà sản xuất phim đến tìm kiếm bối cảnh. Ngoài việc hỗ trợ, cởi mở trong các thủ tục, khâu tư vấn, định hướng từ phía cơ quan chức năng cũng giúp các ê kíp sản xuất thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện dự án. Chính quyền Thừa Thiên - Huế nhận định, việc “bắt tay” với các nhà làm phim là cách hay để quảng bá di tích. Tuy nhiên, quyết định hợp tác sẽ được xem xét kỹ dựa trên từng dự án, cá nhân và mục đích thực hiện.

Việc quay phim tại các công trình cổ, di tích văn hóa đương nhiên không dễ dàng. Yêu cầu về thủ tục pháp lý, giới hạn trong trùng tu, tôn tạo cho phù hợp bối cảnh kịch bản là những rào cản cố hữu. Tuy nhiên, các địa phương có di tích hiện nay đang khá cởi mở, hào hứng chào đón các nhà làm phim. Do đó, nếu có dự án phù hợp, việc ngồi lại bàn luận để nhận được sự đồng thuận từ cơ quan chức năng sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn.

An Trịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI