Đẻ không đau có làm đau lưng, mất trí nhớ?

21/09/2016 - 12:20

PNO - Rất nhiều thai phụ chọn phương pháp đẻ không đau nhằm giảm bớt cảm giác lo sợ. Nhưng cũng không ít người khi đã dùng phương pháp này cho biết: hậu của đẻ không đau là đau lưng, đau đầu kéo dài, giảm trí nhớ.

Gần đây, rất nhiều thai phụ chọn phương pháp đẻ không đau nhằm giảm bớt cảm giác lo sợ, căng thẳng, mệt mỏi; tránh rủi ro cho thai nhi và trầm cảm sau sinh. Nhưng cũng không ít người khi đã dùng phương pháp này cho biết: hậu của đẻ không đau là đau lưng, đau đầu kéo dài, giảm trí nhớ. Chúng tôi đã trao đổi với TSBS Lê Thị Thu Hà - Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ quanh vấn đề này.

Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, đã có một thống kê cho thấy, khoảng 15% phụ nữ đau lưng trước mang thai và 51% trong thai kỳ. Số phụ nữ đau lưng kéo dài sau sinh hơn ba tháng khoảng 33%, con số này tăng lên 49% nếu các phụ nữ được gây tê lúc sinh.

Vì vậy, bệnh nhân luôn được tư vấn trước khi làm thủ thuật, như không gây tê cho các trường hợp đau lưng nặng, hay trường hợp từng tổn thương cột sống. Chị em nào đau lưng kéo dài sau gây tê ngoài màng cứng, cần đi khám kiểm tra lâm sàng tổn thương thần kinh (MRI để loại trừ khối máu tụ, abcess cột sống).

BS Hà khẳng định, việc gây tê ngoài màng cứng không làm cho các bà mẹ giảm sút trí nhớ, không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Ngoại trừ trường hợp mẹ bị tụt huyết áp nặng và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng tuần hoàn tử cung nhau và làm suy thai.

De khong dau co lam dau lung, mat tri nho?

* Được biết, hiện có hai phương pháp “đẻ không đau” là dùng thuốc và không dùng thuốc. Theo BS, phương pháp nào được áp dụng nhiều hơn?

TS-BS Lê Thị Thu Hà: Hiện nay, các trung tâm sản khoa thường chọn phương pháp gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống để giảm đau sản khoa, dù phương pháp này chống chỉ định trong một số trường hợp, chi phí cao. Ưu điểm của phương pháp này là hiệu quả giảm đau cao. Tuy nhiên, trong phương pháp này, ngoài thuốc cần có chuyên viên vững tay nghề.

Còn phương pháp không dùng thuốc hầu như không có chống chỉ định. Phương pháp này gồm các tư thế giúp giảm đau như đi lại, ôm trái bóng… Hay kích thích điện qua da; liệu pháp tâm lý Lamaze - khi trí óc suy nghĩ thì không cảm thấy đau nữa, bao gồm các phương pháp thư giãn, phương pháp thở, sự giúp đỡ động viên của người chồng… kết hợp với thư giãn, massage, xem phim, thôi miên và châm cứu, vật lý trị liệu; đẻ trong nước. Hiệu quả tùy thuộc vào từng phương pháp và từng người cụ thể.

* Vậy trường hợp nào thì sản phụ không nên gây tê ngoài màng cứng, tê tủy sống và phương pháp này có nguy cơ tai biến không, thưa BS?

- Đó là trường hợp của những bệnh nhân từ chối dùng phương pháp này hay bệnh nhân dị ứng với thuốc tê, tụt huyết áp nặng chưa điều chỉnh được, hoặc những người đang dùng thuốc chống đông máu, có tình trạng viêm cấp tính, nhiễm trùng huyết; những người mắc các bệnh lý thần kinh (nhiễm trùng thần kinh, động kinh đang tiến triển, u não túi phình mạch não...).

Ngoài ra, tất cả các trường hợp bị bệnh lý cột sống (đau thần kinh tọa, vẹo cột sống, thoái hóa cột sống đang tiến triển, tiền sử đã mổ cột sống, lao, u bướu…); bệnh lý tim mạch (tim bẩm sinh tím, suy tim mất bù); bệnh lý huyết học (xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu...); những trường hợp suy thai, sa dây rốn, dọa vỡ tử cung, nhau tiền đạo ra huyết, cơn gò cường tính... cũng không dùng được phương pháp này.

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng, tê tủy sống cũng có những tai biến như: khối huyết tụ ngoài màng cứng gây chèn ép tủy sống; nhiễm trùng - áp xe quanh tủy sống; tiêm thuốc tê vào mạch máu: ngừng tim, co giật. Sản phụ bị nhức đầu, tụt huyết áp, run, nôn ói, đau lưng; biến chứng thần kinh ngoại vi do tổn thương thần kinh lúc chọc dò.

* Vậy có cách nào xử trí những tai biến trên, thưa BS?

- Tùy từng biến chứng sẽ có phương pháp xử lý phù hợp. Khi sản phụ bị nhức đầu thì nằm nghỉ ngơi tại giường, bù đủ lượng nước (1,5 - 2 lít/ngày); dùng thuốc giảm đau. Khi sản phụ tụt huyết áp nặng và kéo dài gây suy thai, lúc này phải mổ lấy thai sớm để cứu sống bé.

Trong trường hợp sản phụ bị nôn ói, đau lưng thì dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau. Riêng trường hợp bị biến chứng thần kinh ngoại vi do tổn thương thần kinh lúc chọc dò, cần phối hợp với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để khám và điều trị.

* Xin cảm ơn BS!

Nguyễn Cẩm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI