Hồi mẹ tôi còn đi dạy, trường đón đoàn thanh tra của sở về dự giờ, tại buổi họp đánh giá chuyên môn sau đó, có ngợi khen có nhắc nhở, ông hiệu trưởng bèn nói về khó khăn lớn dẫn tới hạn chế của trường là nhiều giáo viên lớn tuổi. Mẹ tôi khi ấy, trong phần trao đổi nghiệp vụ sư phạm đã nhắc lại cái “hạn chế” và nói, chính những giáo viên lớn tuổi như chúng tôi, ngày ấy, sau 26/3/1975 (ngày giải phóng Thừa Thiên - Huế) đã chọn ở lại, miệt mài đứng trên bục giảng, để hôm nay lại trở thành nỗi khó khăn của nhà trường ư…
Tôi mang theo câu chuyện riêng tư ấy vào trong những hoàn cảnh chung mà đa phần là văn nghệ sĩ trí thức sau ngày miền Nam được giải phóng, để phần nào tiếp cận, tìm hiểu, mở mang câu chuyện “dụng nhân” của chính quyền cách mạng ngay sau ngày thành phố được hòa bình - thông qua ông và những người cộng sản chân chính.
Khi có ý kiến “không duy trì hai đoàn văn công của người Hoa đã từng hoạt động trước đây, mà cần phải tổ chức lại và mang tên khác, có sự lãnh đạo của cán bộ Đảng”, hay “đoàn kịch nói Kim Cương vẫn để chị Kim Cương phụ trách nhưng không mang tên đoàn kịch Kim Cương”, ông Hai Tân (tức đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy thời đó) đã không đồng ý.
|
Sau 1975, Đoàn kịch Kim Cương vẫn được giữ nguyên tên gọi, với sự điều hành của nghệ sĩ Kim Cương - một cách dụng nhân, làm công tác tư tưởng văn hóa mang tầm vóc của chính quyền cách mạng |
Ông nói vì các đoàn văn công, kịch nói này đã được quần chúng người Hoa, Việt mến mộ, chẳng mang tai tiếng gì cho cách mạng thì vẫn giữ nguyên như trước. Nghệ sĩ Kim Cương là cháu nội vua Thành Thái, một ông vua chống Pháp, thì lý gì lại không xứng đáng mang tên đoàn kịch nói do chính kỳ nữ tạo dựng nên.
Vừa là Trưởng ban Tuyên huấn kiêm Giám đốc Sở Khoa học kỹ thuật thành phố, ông Hai Tân cũng kịp thời báo cáo, đề nghị can thiệp để đón những anh em trí thức đã lỡ đưa đi học tập cải tạo được về sớm, mời họ về làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, dịch vụ kỹ thuật… vừa được thành lập.
Với những người bỏ trốn vượt biên bị bắt trở lại, ông Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt) gọi điện cho ông, bảo: “Mình bảo lãnh đưa về, ông phải giúp phần làm cho họ về nhà sống được bình thường ở địa phương”.
Từng Con Người một ấy, họ trước hết là đại diện của chính cá thể, là tư tưởng, nhãn quan, nhân cách, thái độ của chính họ; sau họ chuyên chở tư tưởng, văn hóa ứng xử và là hành động của tổ chức chính trị mà họ làm đại diện, của chính quyền cách mạng mà họ vừa tiếp nối, thiết lập, bảo vệ.
Họ "làm tuyên huấn" bằng chính trái tim và khối óc nhân văn, thông tuệ; bằng chính nếp nghĩ cách sống giản dị, chân thành, liêm chính; bằng trách nhiệm và cái tình để “giành người”, “giữ người”, từ đấy mà “thêm người", tập hợp và củng cố sức mạnh lòng dân.
45 năm đã qua, đặt trong một nửa chặng đường ngành tuyên giáo, nhiệm vụ “giành người” trong thời điểm lịch sử ấy, những Con Người như ông Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Hai Tân (Trần Trọng Tân), Sáu Thảo (Dương Đình Thảo)… họ đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang.
45 năm kế tiếp và nối dài, để lịch sử được viết tiếp từ điểm mốc hiện tại này, câu chuyện dụng nhân, với một sắc diện khác nhưng giá trị cốt lõi không hề thay đổi, đó vẫn là tư tưởng, phương pháp, thái độ dùng người để từ đó mà giữ người, thêm người, hiệp đồng và cộng hưởng sức mạnh nhân quần.
Tôi lại nghĩ thêm, nếu so với câu chuyện “giành người” từ hơn 40 năm trước với chuyện “giữ người” của hơn 40 năm sau, không chỉ giữ người - trong dân, mà còn giữ người, thêm người - trong Đảng; tất nhiên, là giữ và thêm người một cách thật thà - chữ dùng của Hồ Chủ tịch - thiết thực, hữu dụng, thì sự cam go, phức tạp chưa bao giờ bớt thách thức, khó khăn.
Vẫn là ông Hai Tân, tiếp tục đưa ra những trăn trở cho người làm công tác tư tưởng văn hóa “đổi mới công tác tư tưởng là phải phát huy tự do diễn đạt tư tưởng, phát huy độc lập suy nghĩ, hoài nghi khoa học, phát huy ý thức tranh luận trong cán bộ đảng viên”.
Còn ông Sáu Thảo, trong một cuộc tranh luận nảy lửa, giờ giải lao, ông không những bị góp ý mà còn được động viên bởi vị thủ trưởng của mình - ông Mười Cúc: “Anh đừng ngại gì cả, cứ theo sự hiểu biết của mình mà tiếp tục phát biểu ý kiến. Anh em phê phán chẳng có sao đâu”. Về sau, ông Sáu Thảo viết, “người lãnh đạo như anh có tính nhạy cảm, thông cảm động cơ của người đối thoại, chịu khó “gạn đục khơi trong”.
Tư tưởng, vốn dĩ thông qua hành động mà tạo tác nên hình hài, tầm vóc văn hóa, phẩm hạnh của một con người, một thể chế. Chẳng có một tư tưởng nào chỉ đơn nhất mô tả, là lượt bằng lời, nó được ký thác lên một hệ tư duy nhận thức, hệ phương pháp luận mà dẫn chiếu đến kết quả bằng hành động thực tiễn.
Một thế hệ làm công tác tư tưởng văn hóa đã tỏa bóng xuống cho hậu sinh, để mấy mươi năm sau hay dài hơn thế nữa, nương cậy vào họ, soi mặt vào cha chú mà còn nhận thấy chính mình, không lạc lòng, không nao núng...
Lê Huyền Ái Mỹ