Để hòn ngọc Thanh Đa lấp lánh

16/11/2023 - 06:26

PNO - Từ một vùng đất đầy tiềm năng, cái tên Thanh Đa trở thành nỗi ám ảnh của người dân, là điển hình về tình trạng quy hoạch “treo” dai dẳng ở TPHCM.

Nằm gần trung tâm TPHCM, có phong cảnh sông nước tươi đẹp, bán đảo Thanh Đa được ví là “hòn ngọc trong hòn ngọc” của TPHCM. 

Từ năm 1992, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với diện tích gần 427ha nhằm biến nơi đây thành khu đô thị sinh thái, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa có giá trị về cảnh quan, môi trường, văn hóa, thể thao, du lịch. Thế nhưng, dự án này bị “treo” suốt 31 năm qua do không thu hút được nhà đầu tư. Từ một vùng đất đầy tiềm năng, cái tên Thanh Đa trở thành nỗi ám ảnh của người dân, là điển hình về tình trạng quy hoạch “treo” dai dẳng ở TPHCM.

Bán đảo Thanh Đa - mảnh đất đầy tiềm năng của TPHCM - bị quy hoạch “treo” hơn 30 năm qua - Ảnh: Nguyễn Quang
Bán đảo Thanh Đa - mảnh đất đầy tiềm năng của TPHCM - bị quy hoạch “treo” hơn 30 năm qua - Ảnh: Nguyễn Quang

Được quy hoạch sau Thanh Đa 4 năm nhưng đến nay, bán đảo Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) đang từng ngày vươn mình phát triển với các trung tâm thương mại sầm uất, khu đô thị hiện đại. Nhiều dự án hạ tầng giao thông nổi bật như đại lộ Mai Chí Thọ, đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường hầm sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son... giúp bán đảo Thủ Thiêm kết nối mạnh mẽ với trung tâm TPHCM cũng như liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chỉ cách Thủ Thiêm 6km nhưng Thanh Đa nay vẫn như một vùng nông thôn hoang hóa, nhà cửa xập xệ, hạ tầng kỹ thuật tạm bợ, hàng ngàn phận đời chìm nổi theo dự án “treo”. Theo quy hoạch, Thanh Đa sẽ có 6 cây cầu kết nối với các khu vực khác của TPHCM nhưng đến nay, người ta chỉ xây được mỗi cầu Kinh. Cả bán đảo chỉ nối với các quận trung tâm bằng trục đường Bình Quới nhỏ hẹp, còn muốn đi về TP Thủ Đức thì phải lụy phà. Bởi vậy, việc mời gọi nhà đầu tư bị tắc ngay từ lối đi vào.

Mới đây, UBND TPHCM chính thức phê duyệt kế hoạch thi tuyển quốc tế về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa với yêu cầu chung là biến bán đảo này thành khu đô thị sinh thái bền vững, hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội TPHCM.

Tiềm năng của Thanh Đa đã được nhìn thấy từ hàng chục năm trước. Trong bối cảnh hiện nay của TPHCM, Thanh Đa càng trở nên có giá trị bởi đây là khu duy nhất ở nội thành còn quỹ đất lớn, không gian xanh nhiều, hệ sinh thái tốt. Đây cũng là nơi thuận lợi trong đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối giao thông với xa lộ Hà Nội, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng về trung tâm thành phố, đường Phạm Văn Đồng đi TP Thủ Đức, Quốc lộ 13 đi tỉnh Bình Dương và có 3 mặt giáp sông để phát triển đường thủy.

Thanh Đa có thể là nơi để TPHCM trở thành “thành phố trong rừng”, “thành phố bên sông”. Muốn vậy, ý tưởng thiết kế Thanh Đa không nên chỉ dừng lại ở bán đảo này mà cần đặt trong sự gắn kết với các khu vực xung quanh, trong đó có bán đảo Thủ Thiêm và 2 bờ sông Sài Gòn. 

Với người dân Thanh Đa, có lẽ đây không phải lần đầu, họ nghe về những dự định, kế hoạch phát triển bán đảo này. Thế nhưng, mỗi dự án đưa ra đều bị “ngâm” qua nhiều năm, qua nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố, khiến những niềm hy vọng, tin tưởng của người dân phai dần. Bởi vậy, điều được người dân chờ đợi bây giờ là nhìn thấy những chuyển động thực sự ở “mảnh đất vàng” Thanh Đa.

Qua hơn 30 năm, việc quy hoạch, phát triển Thanh Đa lại quay về vạch xuất phát. Hãy để vạch xuất phát này là khởi đầu cho quyết tâm khai phá vùng đất giàu tiềm năng, phá vỡ những nghịch lý. Lần này, hãy thực sự quyết tâm, để hòn ngọc Thanh Đa được lấp lánh.

Phương Thanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI