Cả thầy và trò đều phải... diễn
Tại TPHCM, nhiều nơi đang phát động hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp quận, huyện. Thầy cô sau khi đạt giải ở kỳ thi cấp trường sẽ tiếp tục tham gia thi giáo viên giỏi cấp quận, huyện với 2 vòng thi thuyết trình và thực hành tiết dạy.
1 giáo viên tiểu học ở quận 11 chia sẻ, theo quy định, giáo viên tham gia thi trên tinh thần tự nguyện, tuy vậy thực tế luôn có tình trạng áp chỉ tiêu từ trên xuống. Thông thường, mỗi khối lớp cử ít nhất 1 người tham gia cấp trường, sau khi đạt giải phải đại diện trường để thi cấp cao hơn. Hội thi càng lên cao thì áp lực trên vai giáo viên càng lớn, tính “trình diễn” càng nhiều.
|
Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi giáo viên giỏi để tập trung cho việc dạy và học thực chất (trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM) - Ảnh: P.T. |
Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, giáo viên dành hầu hết thời gian chuẩn bị, không còn tâm trạng để giảng dạy. Nếu 1 giáo viên thi cấp trường thì huy động giáo viên cả khối chuẩn bị, khi thi cấp quận, huyện thì cả trường phải vào cuộc. Có tình trạng, giáo viên đi thi chỉ là đại diện cho “chất xám” của cả tập thể, trong đó người lên ý tưởng, người soạn giáo án PowerPoint, người tìm dụng cụ dạy học... Sau đó các thầy cô phải họp bàn, tập dượt, góp ý nhiều lần để người đi thi được chuẩn bị tốt nhất cho ngày “trình diễn”.
Cô Phan Thị Tuyết - giáo viên Trường tiểu học Tân An 1 (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) từng có kinh nghiệm 9 lần thi giáo viên giỏi cấp tỉnh - cho biết, không chỉ giáo viên mà học sinh cũng phải... diễn. Để chuẩn bị 1 tiết cho hội giảng, dự giờ, giáo viên phải lên sẵn kịch bản, thầy cô sẽ hỏi câu nào, học sinh trả lời ra sao đều được chỉ định sẵn. Nếu bài có thí nghiệm phải tổ chức thực nghiệm nhiều lần. Bài có tình huống, hoạt cảnh thì thầy cô phải viết lời, cho học sinh học thuộc và tập dượt hằng ngày cho đến khi nhuần nhuyễn. Để tiết học thêm phần “kịch tính”, có học sinh còn được thầy cô “gửi gắm” học thuộc thêm câu hỏi nêu vấn đề và câu phản biện giúp tiết học sinh động hơn.
Vấn đề theo cô Phan Thị Tuyết là: “Nhìn bên ngoài mà đánh giá thì những tiết dự giờ, thao giảng, hội thi rất hiệu quả, chất lượng. Tuy vậy, giáo viên đều hiểu không thể áp dụng tiết dạy “trình diễn” này vào thực tế. Bởi chỉ chuẩn bị cho 1 tiết học trơn tru như vậy mà cả giáo viên và học sinh phải mất nhiều tháng ròng rã. Trong khi thực tế, giáo viên phải dạy từ vài tiết đến gần chục tiết mỗi ngày, còn học sinh phải học suốt ngày lẫn đêm thì thời gian, công sức nào để chuẩn bị? Chưa kể, khi dạy thật, thầy cô luôn mất thời gian để giảng giải thêm nội dung học sinh chưa hiểu, quan tâm hơn đến những em học kém. Tức là tiết học thật luôn có tình huống phát sinh, không thể áp dụng “kịch bản hoàn hảo” như tiết dự giờ”.
Có nên duy trì?
Ở góc độ quản lý, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) - nhận xét: Chúng ta đang chủ trương xây dựng nền giáo dục thực chất, không chạy theo thành tích, thế nhưng giáo viên vẫn phải khổ vì “cái mác” dạy giỏi. Nhiều trường đặt ra mục tiêu mỗi năm phải có bao nhiêu phần trăm giáo viên giỏi cấp trường, cấp quận, cấp thành phố. Nghĩa là, thầy cô phải lao vào cuộc thi đầy hình thức để có được danh hiệu này.
“Có ở trong cuộc mới hiểu đằng sau mỗi tiết thao giảng hay thi thố là giáo viên chuẩn bị chu đáo đến mức nào. Phải nói cả thầy cô và học trò đều có một màn diễn kịch không chê vào đâu được. Qua cuộc thi, chỉ 1 tiết dạy được đánh giá tốt là người thi mặc nhiên trở thành giáo viên giỏi, điều này đã chính xác chưa? Vậy cả hàng trăm tiết dạy trong năm thì ai đánh giá?” - ông Huỳnh Thanh Phú đặt câu hỏi.
Theo vị hiệu trưởng này, chỉ nên coi dạy thao giảng là phong trào, là để chia sẻ kinh nghiệm chứ không áp đặt vào thi đua để làm thầy cô mệt mỏi vì phải diễn. Điều cần thiết là đẩy mạnh công tác dạy bằng thực lực, học bằng thực chất. Vì vậy, nên mạnh dạn bỏ cách đánh giá danh hiệu giáo viên dạy giỏi qua việc thi thố 1 tiết học đầy tính “diễn xuất”. Thay vào đó, dùng tiêu chí là chất lượng giảng dạy qua kết quả học tập và sự phản hồi của học sinh, bởi không ai đánh giá giáo viên chính xác bằng học trò.
Đồng quan điểm, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Hợp - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường đại học Sư phạm Hà Nội - cũng cho rằng cách đánh giá giáo viên giỏi hiện nay không thực chất. Bởi nội dung tiết dạy do nhiều người xây dựng, khi thi cấp quận, huyện thì nhà trường xây dựng, thi cấp tỉnh, thành phố thì phòng giáo dục xây dựng, còn giáo viên chỉ là... người diễn. Việc thi thố không mang lại hiệu quả rõ ràng nhưng làm đảo lộn việc dạy học của cả giáo viên và học sinh. Có những em phải làm “quân xanh” để giáo viên tập dượt liên tục, thậm chí nhiều khi học sinh phải nói dối để tạo ra các “tình huống sư phạm” trong tiết học. Khi giáo viên dành quá nhiều thời gian chuẩn bị cho hội thi thì ảnh hưởng đến chất lượng học thật của những lớp do giáo viên này phụ trách. Ở một số địa phương tổ chức thi bằng cách bố trí giáo viên dạy ở lớp hoàn toàn mới thì cũng không khoa học. Bởi về nguyên tắc, việc dạy học chỉ có kết quả tối ưu khi giáo viên hiểu học sinh, biết được mặt bằng chung của lớp cũng như trình độ riêng của mỗi em, thiết lập được mối quan hệ gần gũi với trẻ...
Theo ông Nguyễn Hữu Hợp, nên dừng hẳn cách thi thố mang nặng tính trình diễn để giáo viên chuyên tâm giảng dạy, nhất là trong bối cảnh cần thời gian tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới như hiện nay. Nếu cần đánh giá giáo viên giỏi, thực chất nhất là lấy sự tiến bộ, phát triển của học sinh sau 1 thời gian nhất định để làm thước đo chất lượng giảng dạy của thầy cô.
Minh Linh